Thói đời 'giậu đổ bìm leo'
Anh D là cấp phó một cơ quan cấp tỉnh, có thời gian học cùng lớp cử nhân hành chính với tôi. Tính anh xốc vác và trách nhiệm với công việc tập thể nên dù không có tên trong ban cán sự lớp, anh vẫn rất nhiệt tình đưa đón thầy cô. Không chỉ mình tôi mà hầu hết thành viên trong lớp đều dành cho anh những lời khen tốt đẹp. Rồi do có một số khuyết điểm trong quá trình quản lý, điều hành thuộc phạm vi chuyên môn, anh phải rời khỏi vị trí công tác và chuyển sang đơn vị khác. Có lần tình cờ gặp lại, định mời anh ra quán làm mấy chai nhưng thấy anh có vẻ e dè, ngần ngại, tôi lại thôi. Biết đâu anh ấy lại hiểu lầm là tôi mời anh để khai thác chuyện anh bị kỷ luật!
Anh e dè khi gặp người quen sau “sự cố”, hẳn là có lý do của mình. Lý do ấy có lẽ xuất phát từ ánh mắt, thái độ hoặc là xa lánh hoặc là xoi mói của một số người khi tiếp xúc với một người vừa bị kỷ luật. Và sự e dè còn bởi mỗi khi anh đi qua đám đông lại có những tiếng xì xầm từ phía sau.
Hôm mấy anh chị em gặp nhau tại đám cưới con trai của một thành viên trong lớp, sau hai vòng ly cạn rồi đầy, câu chuyện liên quan đến sự cố của anh bỗng trở thành chủ đề chính suốt buổi tiệc, trong số đó có cả những người cùng lĩnh vực công tác, thậm chí cùng cơ quan với anh. Cũng chẳng hiểu sao, những đức tính tốt của anh bỗng “trốn” đi đâu hết nên những lời khen không còn. Người ta thống kê lại những chuyện “chẳng hay ho”, chuyện tự thuở nào và chẳng dính líu gì đến công việc chuyên môn của anh. Dường như họ quên hết bản thân đã từng khen ngợi, tán dương anh trước đó.
- Chỗ bạn bè, tôi đã cảnh báo rồi, cứ phải từ từ, phải đảm bảo quy trình chặt chẽ nhưng hắn không nghe, cứ làm hùng hục như “trâu húc mả”. Giờ thành ra thế này cũng tội!
- Dào ôi, “thằng chả” đang nhòm ngó chức vụ cao hơn nên nôn nóng lập thành tích mà thôi!
- Trước đây tôi đã góp ý, nhưng ông ấy không nghe, còn mặt nặng mày nhẹ với tôi nên giờ phải trả giá…!
Tiệc cưới ồn ào nên ai nấy phải nói rất to thì cả bàn mới nghe được.
Thấy câu chuyện có vẻ quá đà, một người lên tiếng:
- Thôi đừng bàn chuyện thằng D nữa. Chẳng ai mong điều không hay xảy ra, nhất là D không phải vì tư lợi cá nhân hay lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà bị kỷ luật. Mình bàn chuyện sau lưng người khác, lại ở chốn đông người thế này thật chẳng hay chút nào!
Sau câu nói ấy, câu chuyện nhạt dần và rẽ sang hướng khác.
Có thể liệt kê vô vàn câu chuyện tương tự như chuyện xảy ra với anh D. Một thời, dường như cả xã hội quay lưng với người mang bệnh HIV. Không chỉ bản thân người bệnh mà người thân của họ cũng bị kỳ thị. Mỗi khi họ đi qua đám đông lại nổi lên những tiếng xì xào: Thằng này bị “ết”, hay “tránh xa “con mẻ” ra, chồng “mẻ” bị HIV đấy!”. Sự kỳ thị đối với người mắc HIV đã đẩy những người không may mắc bệnh hoặc người thân của họ rơi vào tuyệt vọng vì không kiếm được việc làm, không có người chia sẻ, đến mức cơ quan chức năng phải có văn bản gửi các cơ quan truyền thông. Thay vì viết “người bị HIV” thì phải viết “người có HIV”. Rồi chuyện mấy cô diễn viên, người mẫu, sinh viên vướng vào các đường dây mua bán dâm. Tất nhiên việc làm của họ là đáng lên án và chắc chắn phải trả giá trước pháp luật, nhưng sự bới móc, lôi cả tông chi họ hàng của những người “trong bóng tối” ra để chỉ trích những người đang “ở ngoài ánh sáng” cũng thật đáng xấu hổ!
Cổ nhân có câu: “Người quân tử không lợi dụng lúc người khác nguy khốn” hay “giậu đổ bìm leo” để chỉ việc thừa lúc người khác gặp khó khăn, trắc trở để tấn công, giành lấy lợi thế cho bản thân mình; hoặc vì tư thù mà hãm hại người khác. Cũng có người không vì mục đích vụ lợi mà chỉ nhân lúc người khác gặp nạn thì “nổ” cho sướng mà không biết mình đã làm một việc ác ý. Và sự ác ý một cách vô tình, hồn nhiên ấy rất có thể là “cú đẩy” cuối cùng để một người đang chới với rớt hẳn xuống vực sâu.
Lòng dạ con người thật khó lường. Những lúc “trời yên biển lặng”, mọi sự hanh thông thì thật khó để đánh giá một người - có thể là người đang rất thân thiết với mình là chân thành hay gian trá, là trượng phu hay kẻ tiểu nhân. Chỉ đến khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc mới là điều kiện để đánh giá chính xác nhất ai là người tốt với mình, ai lợi dụng sự cố để đạp mình xuống. Từ cổ chí kim, những người hoặc nhóm người có tính cách này thường bị xem là tiểu nhân và không được trọng dụng, cho dù có người nhờ vào thói “giậu đổ bìm leo” mà đạt được mục đích nào đó. Thói “giậu đổ bìm leo” rất xấu và rất phổ biến. Nó xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi giới, mọi lứa tuổi. Và nó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc “lên án cái xấu” mà một số người ác ý thường vịn vào để thể hiện tính xấu của mình.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/161947/thoi-doi-giau-do-bim-leo