Thời gian bị đái tháo đường loại 2 càng lâu, nguy cơ sa sút trí tuệ càng lớn
Những người trẻ mắc bệnh đái tháo đường loại 2, nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ sau này càng cao. Một nghiên cứu mới cho thấy.
Tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ ở người trẻ bị đái tháo đường
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh đái tháo đường và nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn, do bệnh đái tháo đường có thể gây hại cho não theo một số cách. Giờ đây, những phát hiện mới cho thấy những người trẻ tuổi mắc bệnh đái tháo đường có thể có nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng.
Nghiên cứu cho thấy, những người phát hiện bệnh đái tháo đường loại 2 ở tuổi 70, không có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn những người không mắc bệnh. Nhưng những người được chẩn đoán mắc đái tháo đường trước đó 10 năm, có nguy cơ tăng gấp đôi mắc chứng sa sút trí tuệ, so với những người không mắc bệnh đái tháo đường ở cùng độ tuổi.
Điều này là do người bệnh đã sống chung với bệnh đái tháo đường trong nhiều năm. Tuổi càng trẻ khi bắt đầu mắc bệnh đái tháo đường, có nghĩa là thời gian kéo dài hơn, điều này cho phép tất cả các tác động xấu của bệnh đái tháo đường phát triển trong một thời gian dài hơn. TS Archana Singh-Manoux, Đại học Paris và Viện y tế quốc gia Pháp INSERM, tác giả nghiên cứu cho biết.
Bệnh đái tháo đường loại 2 phát sinh khi cơ thể mất nhạy cảm với insulin, một loại hormone điều chỉnh lượng đường trong máu. Điều đó khiến lượng đường trong máu cao mãn tính. Theo thời gian có thể làm hỏng cả các mạch máu lớn và nhỏ trên khắp cơ thể. Những tác động này có thể làm giảm lưu lượng máu đến não, là một trong những lý do tại sao bệnh đái tháo đường có liên quan đến chứng sa sút trí tuệ.
Chỉ riêng ở Hoa Kỳ, hơn 34 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, với đại đa số mắc đái tháo đường loại 2, theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ.
Có một thời, bệnh đái tháo đường loại 2 là bệnh của người lớn tuổi. Nhưng với tỷ lệ ngày càng gia tăng của bệnh béo phì - một yếu tố nguy cơ chính của bệnh đái tháo đường loại 2 - căn bệnh này ngày càng được chẩn đoán ở những người trẻ tuổi.
TS Singh-Manoux cho biết, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tiếp tục gia tăng và độ tuổi khởi phát ngày càng trẻ hóa. Điều đó có nghĩa là nhiều người sẽ sống lâu hơn với bệnh đái tháo đường và họ sẽ dễ bị các biến chứng của bệnh. Những người càng trẻ tuổi khi mắc bệnh đái tháo đường thì nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tử vong sớm càng cao. Nghiên cứu này bổ sung thêm chứng mất trí nhớ vào danh sách này.
Có thể phòng ngừa?
Câu hỏi đặt ra là liệu những bệnh nhân đái tháo đường trẻ tuổi có thể giảm nguy cơ sa sút trí tuệ bằng cách kiểm soát tốt hơn lượng đường trong máu của họ hay không? Theo TS Singh-Manoux, những người mắc bệnh đái tháo đường được kiểm soát tốt có sự suy giảm tinh thần chậm hơn so với những người kiểm soát kém. Và trong nghiên cứu này, nguy cơ sa sút trí tuệ đặc biệt cao ở những bệnh nhân đái tháo đường cũng phát triển bệnh tim.
Điều quan trọng việc phòng ngừa cần bắt đầu sớm. Những người ở độ tuổi 40 và 50 thường không lo lắng về chứng sa sút trí tuệ, nhưng đây là thời điểm để cố gằng ngăn chặn tình trạng này.
Kiểm soát bệnh đái tháo đường thường bao gồm dùng thuốc hoặc insulin, cùng với thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên. Tất cả những điều này đều có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe lâu dài.
Những gì chúng ta làm ở độ tuổi trẻ và trung niên sẽ thay đổi cách chúng ta kết thúc ở tuổi già. TS Singh-Manoux nhấn mạnh.
Nghiên cứu bao gồm hơn 10.000 người trưởng thành ở Vương quốc Anh, những người trong độ tuổi từ 35 đến 55, vào những năm 1980. Trong ba thập kỷ tiếp theo, 1.710 người phát triển bệnh đái tháo đường loại 2, trong khi 639 người được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ.
Ở tuổi 70, những người đã phát triển bệnh đái tháo đường trong vòng 5 năm qua không có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn những người không mắc bệnh đái tháo đường. Nhưng những người đã được chẩn đoán hơn 10 năm trước cho thấy nguy cơ sa sút trí tuệ của họ tăng gấp đôi. Tỷ lệ mắc bệnh thực tế của họ là 18/1.000 trường hợp mỗi năm, so với khoảng 9/1000 trường hợp ở người lớn không mắc bệnh đái tháo đường.
Thanh Phúc
(Theo Drugs 5/2021)