Thời gian 'chết' ở Vũ Hán - sáng thức giấc chỉ có virus corona
Buổi sáng thức giấc, điều đầu tiên nhiều người hay nghĩ tới là những người thương yêu. Đối với dân Vũ Hán, mở mắt là virus corona chiếm trọn tâm trí. Đó là nếu họ may mắn ngủ được!
Vào buổi sáng, Vũ Hán tĩnh mịch đến nỗi tiếng chim kêu vang vọng trên đường phố một thời từng tấp nập. Chó hoang phi nước kiệu giữa đường cao tốc vắng hoe. Người dân đeo khẩu trang kín mít lặng lẽ ra khỏi nhà, nỗi lo lắng hiện rõ trong mắt họ.
"Virus corona thường trực trong tâm trí ngay khi tôi thức dậy"
Họ xếp hàng trước các bệnh viện tràn ngập loại virus mà hầu hết chưa từng nghe thấy tên cho đến vài tuần trước.
Họ xếp hàng bên ngoài các hiệu thuốc mặc dù treo biển hết khẩu trang, thuốc khử trùng, găng tay phẫu thuật và nhiệt kế. Họ xếp hàng để mua gạo, trái cây và rau quả từ các cửa hàng thực phẩm hiếm hoi vẫn còn hoạt động.
Sau đó, họ lết về nhà tiếp tục chờ đợi cuộc phong thành thế kỷ XXI này kết thúc. Những người kém may mắn nhất đều đang nằm ở nhà hoặc trong bệnh viện, mắc căn bệnh sốt viêm phổi có thể dẫn tới cái chết liên quan đến virus corona, còn được biết đến với cái tên 2019-nCoV.
“Trước giờ, tôi chưa bao giờ nghe nói về thứ gọi là virus corona”, Sun Ansheng, một người đàn ông ngoài 50 tuổi đang ngồi trên bậc thềm trước cửa Bệnh viện Hankou ở Vũ Hán, nơi vợ ông đang bị cách ly vì nghi nhiễm virus, nói. “Tuy nhiên, giờ nó thường trực trong tâm trí tôi ngay khi tôi thức dậy mỗi ngày”.
“Vẫn không đủ giường và không đủ bác sĩ”, ông nói.
Vũ Hán, một thành phố công nghiệp rộng lớn ở miền Trung Trung Quốc, là trung tâm của dịch bệnh virus corona - đang ảnh hưởng đến hơn 20 quốc gia, đã bị cách ly gần 2 tuần.
Người dân ở đây và trên khắp tỉnh Hồ Bắc đang bị cách ly trong động thái chưa từng thấy của Trung Quốc, khiến giới quan sát toàn cầu đặt câu hỏi: Liệu có thể ngăn chặn sự lây lan của virus bằng cách đặt hàng chục triệu người dưới một lệnh phong tỏa, cảnh báo họ chỉ ở trong nhà, và chặn mọi con đường ra khỏi thành phố?
Thành phố ma
Sự lây lan của virus corona và lệnh phong tỏa biến Vũ Hán từ một đô thị 11 triệu dân sầm uất trên sông Dương Tử thành một đô thị ma. Nhiều cư dân cho biết cuộc sống yên bình của họ mới chỉ một tháng trước đã bị đảo lộn hoàn toàn và tương lai thì bất định.
Một số người vẫn bình tĩnh một cách kiên cường, tiếp tục những thói quen của cuộc sống bình thường: chạy bộ, đi dạo bên bờ sông, đưa trẻ em ra ngoài trời để hít thở không khí trong lành. Nhiều người cảm thấy ngột ngạt trong sự buồn chán và sợ hãi.
“Tôi bắt đầu mất khái niệm về thời gian rồi”, Yang Dechao, một công nhân nhà máy 34 tuổi ở Vũ Hán, nói. “Giờ là chủ nhật hay thứ hai? Bạn quên vì mọi hoạt động bình thường đều đã dừng lại. Cuộc sống của nhiều người chỉ gói gọn trong nhà và chiếc điện thoại”.
Vào sáng 23/1, ông Yang giải thích một cách buồn bã, ông đặt chân đến Vũ Hán để kiểm tra y tế vừa kịp chỉ để nghe rằng chính phủ vừa cấm gần như tất cả cư dân rời khỏi thành phố.
Từ đó tới nay, ông chỉ nói chuyện với cha mẹ già của mình ở quê bên ngoài thành phố bằng những tin nhắn thư thoại ngắn gọn, kiểm tra sức khỏe của họ và cạn dần nguồn cung thực phẩm.
“Tôi có người thân ở đây, nhưng tôi không dám đến thăm họ”, Yang nói, dừng lại trên đường tìm một khách sạn rẻ hơn để ở. “Mọi người đều sợ du khách. Nhiều người ở đây cảm thấy bị cô lập. Tôi cũng vậy".
Dịch xuất phát không phải ở một khu ổ chuột, mà là một thành phố hiện đại
Đi vòng quanh Vũ Hán bằng ôtô và đi bộ trong hai tuần qua đã cho thấy sự tương phản giữa sự lạc quan và âm thanh cũng như cảnh tượng thê lương của một thành phố bao phủ bởi sự hoang mang, lo lắng và thất vọng.
Những khẩu hiệu xoa dịu dân chúng được phát thanh hàng ngày nói về sự quan tâm của giới chức trách và khuyên nhủ cư dân đeo khẩu trang và giảm thiểu việc ra ngoài. Biểu ngữ treo trên rào chắn đường và tường khuyến cáo người dân không được nghe theo những tin đồn phương thuốc thần kỳ.
Tuy nhiên, nhiều người không giấu giếm sự thất vọng với phản ứng được cho là chậm trễ của giới chức trách địa phương. Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều người đã nói hẳn ra tên của các quan chức địa phương mà họ nói có trách nhiệm trong việc để virus vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhưng hầu hết cư dân đều bất lực và mạng xã hội đang trở thành nơi để họ trút giận.
“Trước tiên, chúng ta cần sự trung thực và minh bạch”, Mao Shuo, một nhân viên kỹ thuật 26 tuổi, nói. “Ai phải chịu trách nhiệm, ai phải bị trừng phạt, điều đó rồi sẽ phải đến, nhưng bây giờ chúng tôi chỉ muốn sống sót”.
Cô nói thêm, “Tất cả các khẩu trang y tế ở đâu? Họ đang tích trữ chúng ở đâu đó phải không? Đó là những gì tôi muốn biết nhất”.
Bên ngoài chợ bán thịt, cá và hải sản, nơi được cho là virus bắt nguồn lây lan, cảnh sát và nhân viên bảo vệ ngồi xung quanh, yêu cầu người qua đường tránh xa. Cách đó một dãy nhà, hàng loạt cửa hàng mới tinh tươm - Starbucks, điện thoại 5G - và các khu chung cư toát lên khát vọng vươn tới tầng lớp trung lưu. Dịch bệnh này bắt nguồn không phải ở một khu ổ chuột, mà là một thành phố hiện đại.
Cách đó không xa, hàng chục con chó ủ rũ bị nhốt bên trong một tiệm spa thú cưng. Dường như không có ai ở bên trong, và không rõ liệu chúng có được chăm sóc hay không. Trên đường phố cũng vậy, chó hoang đi lang thang, có thể xổng ra khỏi nhà vì những người chủ đang ở trong bệnh viện hoặc bị đuổi ra khỏi nhà vì những tin đồn vô căn cứ rằng thú cưng lây lan virus corona.
Nhưng nhiều cư dân chẳng còn đủ sức bận tâm tới những chuyện như vậy. Những người cần kiểm tra y tế khi ho hoặc sốt phải xếp hàng dài dằng dặc để đăng ký, gặp bác sĩ và chờ kê đơn, chủ yếu là thuốc truyền.
Trái với những đường phố vắng vẻ, có các bệnh viện lúc nào cũng đông đúc. Các bệnh nhân, chủ yếu là người già, vây kín đặc xung quanh các bác sĩ mặc bộ đồ bảo hộ toàn thân.
“Chúng tôi nghe nói về những người trong khu phố đột nhiên chết vì viêm phổi. Mọi người đều ho một cách đáng sợ”, Xia Xiaoping, một người nghỉ hưu 60 tuổi, nói. Bà đã đến khám bệnh nhưng phải bỏ cuộc, lo lắng rằng sẽ quá muộn để đi bộ về nhà. “Nhưng thời gian chờ đợi ở bệnh viện cũng thật khủng khiếp. Giờ tôi phải làm gì?”.