Thời gian của Xuân Phương
Trưa 29/11, đọc tin nhạc sĩ Xuân Phương mất, tôi không tin vào mắt mình, gọi ngay cho nhạc sĩ Tuấn Phương, người bạn rất thân của nhạc sĩ Xuân Phương để hỏi và được xác nhận là đúng, điện thoại của tôi rơi tự nhiên. Tuấn Phương nói, anh cũng bị sốc như tôi. Sự thật quả là đau đớn…
Tôi và Phương không cùng nghề, tuổi cũng cách xa, nhưng trọng nhau về tài. Phương sinh năm 1973, mới 50 tuổi, nhưng lần gặp gần đây nhất, tôi có cảm giác Xuân Phương vẫn trẻ trung hệt như 20 năm về trước, hồi mà chị em chúng tôi cùng có một chuyến đi công tác chung lên miền núi phía Bắc.
Giống như Đỗ Bảo hay các văn nghệ sĩ trẻ, Xuân Phương gọi tôi là chị, xưng em. Đoàn công tác có 10 người do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam mời đi thực tế tìm cảm hứng sáng tác ca khúc. Tôi được cử làm trưởng đoàn, dù không phải nhạc sĩ nhưng tôi có nhiều năm làm việc với âm nhạc cũng đủ để hiểu nhạc sĩ, tôi vừa có thể tìm tư liệu sáng tác văn học vừa nắm bắt tâm tư nguyện vọng, nhu cầu của các nhạc sĩ trong chuyến công tác, giúp cả đoàn có chuyến đi thoải mái, vừa ý nhất.
Đoàn có các nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Khuê, Duy Thái, Lê Minh Sơn, Tuấn Phương, Lương Minh... và Xuân Phương. Xuân Phương là người trẻ nhất đoàn.
“
Xuân Phương là con trai PGS.TS.NSƯT Xuân Tứ, và mẹ là nghệ sĩ múa Nguyễn Thị Bích. Tám tuổi Xuân Phương đã học Nhạc viện Hà Nội, khoa Piano, sau đó là khoa Sáng tác. Tốt nghiệp loại giỏi ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Xuân Phương chọn bục giảng như cha mình, làm giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Thời sinh viên, Xuân Phương là một trong những người thành lập ban nhạc Chìa khóa vàng nổi tiếng đầu những năm 1990. Với phong cách tươi trẻ, lại hợp tác cùng những giọng ca nổi tiếng lúc ấy như: Bằng Kiều, Mỹ Linh, Ngọc Anh 3A, Chìa khóa vàng được thế hệ 7x, 8x yêu thích.
Tên tuổi các nhạc sĩ đến địa phương trước khi đoàn đến. Đoàn đến đâu thì dân ở đó đã háo hức đón chờ. Hôm ấy, đoàn dừng chân ở Yên Bái.
Cảnh sắc nơi này rất đẹp, nhưng thích nhất là có suối khoáng nóng lộ thiên. Địa phương mời cả đoàn thưởng thức. Nhìn thấy cảnh người dân bản địa tắm lộ thiên bên cạnh đường làng, mờ tỏ trong hơi nóng đang bốc khói rất đẹp, thơ mộng như hội họa, tôi rất thích. Bụng nghĩ không biết các nhạc sĩ sẽ thế nào. Không ngờ, cả đoàn hồ hởi đồng ý thưởng thức, nhưng tất cả đều chui vào các phòng tắm kín, có nước nóng tự nhiên dẫn vào. Mỗi người một phòng, thế thôi. Đến lúc trở ra, mặt ai cũng đỏ lựng, cười cười.
Những buổi tối giao lưu văn nghệ, sau các tiết mục múa hát, dân bản hô to tên các nhạc sĩ, tên các bài hát, có người còn hát luôn. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Khuê hát rất hay bài “Làng lúa làng hoa” của ông, Duy Thái hát song ca với một em gái người Yên Bái bài “Lời của gió”... Đến bài “Mong ước kỷ niệm xưa” có mấy cô gái trẻ mời Xuân Phương hát cùng. Tôi tìm mãi không thấy đâu, mà trước đó vẫn thấy Xuân Phương ở đó. Té ra nhạc sĩ trốn, ngồi một mình lẫn trong khán giả phía xa, gọi mãi cũng không xuất hiện. Các buổi uống rượu cùng với dân bản địa cũng vậy. Người miền núi uống rượu bằng bát, rượu men lá, nhẹ thôi, nhưng uống suốt buổi thì chắc chắn là say. Xuân Phương vẫn ngồi cùng, nhưng thường trốn uống, trốn ăn và ít nói.
Lên đến SaPa (Lào Cai) Xuân Phương cũng cùng mọi người đi khắp các vùng. Phong cảnh, con người, bản sắc văn hóa và giai điệu âm nhạc (tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng gió đại ngàn, tiếng lá, tiếng mưa…) của vùng cao nước ta luôn huyền ảo, lôi cuốn. Các nhạc sĩ say sưa khám phá và chìm vào những theo đuổi riêng của mỗi người… Thấy tôi mua nhiều mảnh thổ cẩm cũ Phương rất ngạc nhiên. Tôi giải thích, những miếng thổ cẩm này đã thêu từ cách đây cả trăm năm, vẫn họa tiết như bây giờ nhưng mũi khâu thật khác, màu thời gian đọng trên từng tấm. Còn những tấm mới bây giờ, nếu cũng làm kỹ thì giá đắt không mua nổi.
Phương cười bảo: “Đẹp thật, nhưng để ghép từng mảnh nhỏ lại để có được một tấm thảm thì quá nhiều công”. Tôi bảo, cũng như em đi thực tế để tích lũy cảm xúc thôi. Rồi Xuân Phương kể về cái ngày viết xong “Mong ước kỷ niệm xưa”, Phương bảo: “Bài hát ấy được chắt ra từ chính kỷ niệm tuổi học trò của em. Em viết bài ấy nhanh lắm. Nhanh mà vẫn ưng chị ạ”.
“Mong ước kỷ niệm xưa” ra đời cách chuyến công tác đó của chúng tôi mới hơn 5 năm. Nhưng suốt 5 năm ấy nó đã chiếm trọn tình cảm của công chúng yêu nhạc.
Xuân Phương là con trai PGS.TS.NSƯT Xuân Tứ. Ông từng là hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội (nay là Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội). Ông không chỉ là một nhà quản lý, nghệ sĩ đàn accordéon nổi tiếng, mà cũng là nhạc sĩ đã có nhiều tác phẩm để đời. Mẹ Xuân Phương là nghệ sĩ múa Nguyễn Thị Bích, năm nay cũng ngoài 80…
Tám tuổi Xuân Phương đã học Nhạc viện Hà Nội, khoa Piano, sau đó là khoa Sáng tác. Tốt nghiệp loại giỏi ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Xuân Phương chọn bục giảng như cha mình, làm giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Thời sinh viên, Xuân Phương là một trong những người thành lập ban nhạc Chìa khóa vàng nổi tiếng đầu những năm 1990. Với phong cách tươi trẻ, lại hợp tác cùng những giọng ca nổi tiếng lúc ấy như: Bằng Kiều, Mỹ Linh, Ngọc Anh 3A, Chìa khóa Vàng được thế hệ 7x, 8x yêu thích.
Bị ung thư phổi, phát hiện bệnh nửa năm, Phương cũng loay hoay tự tìm các cách chữa với những lời khuyên khác nhau. Phương không muốn cho ai biết bệnh, khiến nhiều đồng nghiệp bàng hoàng khi biết tin, tưởng Phương vào bệnh viện chỉ qua loa rồi về. Không ngờ, khi đó bệnh đã ở giai đoạn cuối…
Nhạc sĩ Tuấn Phương nói, giọng vô cùng xúc động: “…Tôi với Xuân Phương thân nhau, có lẽ trước hết là cùng tên, cùng sinh tháng 12, cùng đam mê điện ảnh và cùng có các bài hát nổi tiếng cho các phim truyện, đặc biệt là phim truyện truyền hình. Nhưng điều khiến tôi cảm phục Xuân Phương là bởi tài năng rất phong phú của bạn ấy: Từ chơi đàn, phối khí, sáng tác khí nhạc, nhạc múa, nhạc phim và ca khúc. Tôi bắt đầu làm việc với Xuân Phương từ năm 1999. Rất nhiều các ca khúc của tôi có sự đóng góp rất lớn của Phương. Ví dụ: “Chỉ có mình em thôi” với bản thu đầu tiên năm 2010, thành công với phần piano và hòa âm của Xuân Phương; “Lời ru ngàn xưa”, “Thức dậy đi em” với hòa âm của Xuân Phương đã chắp cánh cho giai điệu, ca từ của bài hát.
Từ những năm 2000, rất nhiều dịp hai anh em tôi đi sáng tác cùng nhau: Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình đến Vũng Tàu, TPHCM… đều có nhau cả. Ngày 5/5/2023 tôi, Đỗ Bảo, Đức Trịnh, Quang Vinh và Xuân Phương cùng nhau đi viết cho Công đoàn Dệt may Việt Nam. Khi đó thấy Xuân Phương đã hơi gầy, nhưng vẫn vui vẻ, hồn nhiên. Phương không nói mình bị bệnh. Chẳng ngờ đó là lần cuối cùng anh em được đi với nhau… Ca khúc: “Cô thợ may duyên dáng” đợt tháng 5 vừa rồi có thể là sáng tác cuối cùng của Phương đấy chị ạ. Hôm qua đưa Xuân Phương về nơi yên nghỉ mà đau xót, nhớ và thương Xuân Phương quá…”.
Chị Nguyễn Thúy Hằng - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, hàng xóm cũ của Phương cũng nghẹn ngào, nhắc đến câu hát: “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này/ Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại”. Rồi bảo: “Bọn em nhớ lắm những đứa trẻ lớn lên cũng nhau với bao trò nghịch ngợm ở cầu thang khu B1 Thành Công. Anh luôn là người bày ra các trò chơi cho lũ nhóc bọn em. Anh hóm hỉnh, hay cười, thông minh...”.
Xuân Phương làm nhạc cho 70 bộ phim, nhiều vở diễn sân khấu và kịch múa… Nhiều bản nhạc phim hay như: “Mong ước kỷ niệm xưa” (phim Xin hãy tin em), “Lời ru cho con” (phim Của để dành), “Lời chưa nói” (phim Phía trước là bầu trời), “Nếu phải xa nhau” (phim Sóng ngầm), “Anh” (phim Nghe Trà)… đã ghi tên tuổi Xuân Phương vào dòng chảy âm nhạc.
Hoàng Thị Quỳnh Hoa, người quen của cả tôi và Xuân Phương viết rằng: “Bác Phương, đấy là 2 tiếng thân quen một thời thanh xuân của tôi. Một người anh hiền lành, tài năng, hóm hỉnh, văn minh. Những giai điệu và lời hát của anh luôn gắn bó thiết tha với chúng tôi, với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên. Chỉ một đoạn nhạc dạo đầu đã gợi lên rất nhiều cảm xúc. Những trải nghiệm trong kiếp sống này của anh thật nhiều… với bao cũng bậc cảm xúc, cả hạnh phúc và khổ đau, cả khoảng lặng anh đã chịu đựng và vượt qua. Anh đã trọn vẹn thời gian sống đầy thiện lành và cầu chúc hành trình mới của anh thênh thang, tràn đầy tình yêu thương và ánh sáng”.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thoi-gian-cua-xuan-phuong-10269376.html