Thời gian đóng bảo hiểm để hương lương hưu có thể giảm chỉ còn 10 năm

Năm 2023, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ có những thay đổi lớn về chính sách, chẳng hạn như giảm thời gian đóng để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm và hướng tới chỉ còn 10 năm.

(Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)

(Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)

Sau sáu năm thực thi, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã bộc lộ nhiều bất cập. Thời gian đóng quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu (tỷ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm), nhiều lao động không chờ được, chọn rút bảo hiểm xã hội một lần. Quyền lợi của người lao động cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra tại nhiều doanh nghiệp.

Nới điều kiện hưởng lương hưu

Trong cuộc đối thoại gần ba giờ giữa Thủ tướng và lãnh đạo sáu bộ, ngành với công nhân lao động cả nước ngày 12/6, những câu hỏi về việc sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội là vấn đề được người lao động quan tâm nhất gửi câu hỏi ngay đầu phiên đối thoại. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người lao động đối với các chính sách bảo hiểm. Cũng chính vì thế, Luật Bảo hiểm xã hội đang được xem xét sửa đổi để khắc phục những bất cập không phù hợp với thực tiễn.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hà (sinh năm 1982, công nhân Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng hiện nay Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng 20 năm rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân 40-45 tuổi. Chị Hà đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi luật, bảo đảm quyền lợi của công nhân, hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội một lần.

"Mặc dù đều biết rút bảo hiểm thì về già không có lương hưu, nhưng nhiều anh, chị, em quá khó khăn và thời gian đóng dài nên vẫn rút bảo hiểm xã hội một lần," chị Hà chia sẻ.

Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng tình trạng người dân rút bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua sẽ gây hệ lụy lâu dài với tương lai lao động lẫn chính sách an sinh xã hội. Thực trạng này đòi hỏi trước hết phải nâng cao đời sống, phúc lợi của công nhân và để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần thì cần phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

Chính phủ đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với 11 nhóm chính sách mới và năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Một trong những sửa đổi căn cơ là giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội để người lao động hưởng lương hưu.

"Dự thảo sẽ rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm để người lao động có thể tiếp cận hưu trí, tránh việc 20 năm quá dài người lao động không thể tham gia được. Tuy nhiên, chính sách vẫn dựa trên nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít," Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Ngoài điều kiện hưởng lương hưu để mở rộng cơ hội tham gia bảo hiểm, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này cũng sẽ tạo cơ chế để khuyến khích lao động tham gia dài hơn. Đặc biệt, các cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm việc lợi dụng lúc khó khăn để ép, mua bán chuyển đổi sổ bảo hiểm xã hội.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu sẽ được điều chỉnh giảm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu sẽ được điều chỉnh giảm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về quá trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội có những điều chưa theo kịp thực tế theo phản ánh của công nhân lao động, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các cơ chế, chính sách không thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Do đó, phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng và hoàn thiện chính sách.

“Vừa qua, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về bảo hiểm xã hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra,” Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Xử lý nghiêm tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội

Cũng liên quan đến vấn đề tham gia bảo hiểm xã hội của công nhân, anh Nguyễn Mạnh Hùng (41 tuổi, công nhân Công ty Cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc, Bắc Giang) chỉ ra thực trạng vi phạm pháp luật của chủ doanh nghiệp còn diễn ra nhiều.

"Đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường tranh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động để người lao động yên tâm làm việc," anh Hùng nói.

Đánh giá về thực trạng thực thi pháp luật lao động, luật về bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thời gian qua, các địa phương đã rất cố gắng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm nhiều. Hiện nay, hệ thống pháp luật để bảo vệ người lao động đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại như: Tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm; chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm. Thậm chí kể cả những doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng rơi vào tình trạng này.

Cho rằng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội là vấn đề đang nổi lên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đánh giá lại tình hình chung trên phạm vi cả nước về mức độ vi phạm đồng thời rà soát lại các quy định của pháp luật, khâu tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành; phân tích rõ nguyên nhân để đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm vấn đề này càng sớm, càng tốt. Những vấn đề liên quan đến luật pháp thì đánh giá tác động, thẩm quyền và xử lý ngay để bảo đảm lợi ích của người lao động.

Thủ tướng yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh thành, ngành bảo hiểm xã hội cùng các cơ quan liên quan tổ chức thực thi pháp luật thật nghiêm. Đơn vị nào chưa chấp hành phải xử lý để bảo vệ lợi ích chung, đơn vị nào làm tốt thì khuyến khích, tổng kết, nhân rộng mô hình; đặc biệt sai đến đâu xử lý đến đó với tinh thần là giữ kỷ cương, kỷ luật, động viên người làm tốt, giải quyết được lợi ích chính đáng và hợp pháp của người lao động./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thoi-gian-dong-bao-hiem-de-huong-luong-huu-co-the-giam-chi-con-10-nam/797558.vnp