Thời gian khó, chúng tôi khăng khít bên nhau
Có tới gần 24 năm miết mải, cháy lòng với nghề báo ở tỉnh mà tôi từng cho là 'Khắt khe-Nghiệt ngã' nhưng cũng rất đỗi vinh quang. Những dặm dài lịch sử, ký ức không thể phai mờ. Suốt những năm 1960 tới tháng 4 năm 1975 ...
Nhà báo Nguyễn Uyển - Nguyên Tổng biên tập báo Vĩnh Phú (giai đoạn 1981-1990)
(baophutho.vn) - Có tới gần 24 năm miết mải, cháy lòng với nghề báo ở tỉnh mà tôi từng cho là “Khắt khe-Nghiệt ngã” nhưng cũng rất đỗi vinh quang. Những dặm dài lịch sử, ký ức không thể phai mờ. Suốt những năm 1960 tới tháng 4 năm 1975 của thế kỷ trước, bom đạn giặc Mỹ liên miên dội khắp các miền quê tới tỉnh lỵ, suốt từ Đan Thượng giáp tỉnh Yên Bái xuôi về Sóc Sơn giáp với Phổ Yên, Thái Nguyên (khi ấy Sóc Sơn thuộc Vĩnh Phú)... Khí thế cách mạng luôn hừng hực trong mỗi người dân, hậu phương thi đua với tiền phương. Đời sống thiếu thốn, cán bộ, công nhân viên sống vật vã trong bao cấp, tem phiếu định biên theo ngôi thứ công việc, ngành nghề. Ngày ấy Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc với lối khoán sản phẩm tới hộ, mang lại sức sống mới cho nông nghiêp, nông dân và nông thôn, nên được mệnh danh là cha đẻ của khoán 10... Nhưng rồi tư duy sắc sảo, táo bạo ấy bị săm soi, bị ngăn chặn vì “vi phạm nguyên tắc”... Không lâu, công lao to lớn của ông cũng được Trung ương ghi nhận...
Ngày ấy những người lãnh đạo báo, những nhà báo nhiệt huyết của chúng tôi cũng lăn tăn chìm nổi theo những gì mình đã viết, đã loan tin… Nhưng, căn cốt nhất là thông tin báo chí thời ấy trên báo Vĩnh Phú luôn khơi dậy ý chí cách mạng mạnh mẽ trong nhân dân. 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, khí thế cách mạng xây dựng mới đất nước theo lời Bác lại bừng bừng khí thế. Thế nhưng, trước sự bao vây cấm vận cực kỳ khắc nghiệt của các thế lực thù địch đã gây nên vô vàn khó khăn cho chúng ta. Khi đó lại phải chống trả với kẻ thù gây hấn xâm lấn phía Nam phía Bắc... Ngày ấy, đây đó báo chí phát triển khá mạnh thì báo Vĩnh Phú vẫn kỳ cạch với những chiếc máy in tipo thủ công lỗi thời, hàng chục cán bộ, công nhân viên vẫn phải gò lưng suốt đêm ngày nhặt chì sắp chữ, lên khuôn cho máy in kịp đưa báo mới đến người đọc đúng hạn, đúng kỳ. Ngày ấy, chỉ phóng viên khá giả mới có xe đạp, càng không có điện thoại thông minh, máy tính bảng talelet Apple - ipad, Internet... như bây giờ nên có được một bài viết, một bản tin là cả một kỳ công về ý chí, công sức và ý thức rất cao của người làm báo!...
Phóng viên tác nghiệp tại một đơn vị bộ đội phòng không.
- Các chiến sĩ tặng nhà báo Nguyễn Uyển vỏ đạn bắn máy bay địch. Ảnh tư liệu
Nghề báo tưng bừng, sôi động hẳn lên, ấy là nhờ Tỉnh ủy Vĩnh Phú sớm đổi mới. Vận dụng khoán hộ của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc vào phát triển kinh tế đồi rừng, nâng cao năng suất trong sản xuất lương thực ở mọi miền vùng; bắt nhịp với sự đổi mới do Đảng ta khởi xướng mở ra từ Đại hội VI, Báo Vĩnh Phú bừng lên như cờ mở. Sôi nổi tuyên truyền chủ trương phát triển kinh tế đồi rừng, thâm canh cây lương thực thực phẩm. Tuyên truyền mạnh mẽ nhân tố mới, mô hình hay, điển hình tiên tiến, người mới Đất Tổ; đấu tranh quyết liệt với tiêu cực, sai trái và những vi phạm pháp luật bất kể là ai. Ngày ấy Đảng bộ tỉnh, nhân dân tin yêu chúng ta. Đồng nghiệp đó đây biết đến, Tổng biên tập báo Đảng địa phương cả nước do Vụ trưởng báo chí Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Phan Quang tổ chức về thăm đồi rừng huyện Đoan Hùng, giao lưu với Báo Vĩnh Phú. Ngày ấy theo tư tưởng đổi mới của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Ban biên tập Báo Vĩnh Phú làm nhiều việc mới và mạnh bạo, như: Ra báo Hội Đền Hùng khổ trung, nhiều trang, in cả vạn tờ, nhờ phát hành ở nhiều thành phố lớn như Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Khởi xướng tổ chức Hội thảo lãnh đạo báo Đảng địa phương khu vực miền Bắc từ Hà Tĩnh trở ra, nối tiếp từ đó đến nay. Tổ chức thi Tổng biên tập, chọn người thay thế làm Tổng biên tập; giám khảo là toàn thể cán bộ công nhân viên bằng cách bỏ phiếu kín ngay sau khi nghe các ứng viên trình bày đề án của họ, với sự tham dự của lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Các ứng viên quá bán sau này đều lần lượt làm Phó Tổng biên tập, Tổng biên tập, có người giữ tới chức Thứ trưởng như Hoàng Vĩnh Bảo. Tổ chức thi “Người đẹp Hội Hùng” rất bài bản. Người đẹp đăng quang Hội Hùng năm 1989 Nguyễn Giáng My sáng danh từ đó đến nay!...
Ấy là thời gian nan, nghèo khó nhưng chẳng ai than khó, than khổ. Ấy là thời Việt Trì chưa có đường phố rộng, nhà cao cửa lớn như bây giờ. Tòa soạn thời tôi ở vẫn mái lá, vách toóc xi, không khang trang bề thế như thời nay. Ngày ấy, báo chưa ra đủ ngày trong tuần. Chưa có báo Cuối tuần, chưa có báo mạng, báo hình và truyền hình đa dạng; số lượng thông tin phong phú, chất lượng thông tin hấp dẫn như thời nay. Thế nhưng, thời ấy bạn đọc vẫn săn tìm mua và đọc báo... Ngày ấy, thời ấy gian nan, khó khăn, chúng tôi yêu thương nhau. Vì công việc, chúng tôi gắn bện với nhau, học hỏi nhau để cùng tiến. Thương yêu, chia sẻ giúp nhau từ manh quần, tấm áo mới, lo cho nhau từ ly mì chính đến cân sắn, trái cây...Thời nay các bạn làm báo tiện ích hơn nhiều. Các bạn học nghề báo rồi mới làm báo, phương tiện hành nghề cũng khá hiện đại. Thế nhưng, thiển nghĩ các bạn cũng đối mặt với vô vàn khó khăn khi thông tin mạng là của cộng đồng, khi trình độ dân trí trở nên thông thái. Cho nên hơn ai hết, chúng ta phải bản lĩnh, tinh tường, sắc sảo khi sử dụng nguồn thông tin và loan tin trên mạng!...60 năm ngày ra số báo Phú Thọ đầu tiên biết bao kỷ niệm, biết bao là thương nhớ. Đôi điều nhỏ nhoi chia sẻ. Chúc các bạn luôn sáng đẹp, hạnh phúc với nghề làm báo. Nghề nghiệt ngã mà vinh quang!
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202204/thoi-gian-kho-chung-toi-khang-khit-ben-nhau-183916