Thời gian không chờ đợi
'Tháng Giêng là tháng ăn chơi'- câu cửa miệng của người xưa đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay, khi từng phút từng giờ bình yên đang được tận dụng tối đa để nhanh chóng ổn định cuộc sống 'bình thường mới'…
Không phải ngẫu nhiên mà xưa kia, “các cụ” có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, hay “Ra Giêng ngày rộng tháng dài”. Sản xuất nông nghiệp dựa vào vụ mùa, và tâm lý “xả hơi” sau 1 năm vất vả đồng áng, cùng nhiều phong tục, hoạt động lễ hội, tâm linh… đã khiến khoảng thời gian sau những ngày Tết Nguyên Đán trở nên rất thong dong. Hoạt động lao động, sản xuất gần như dừng lại, dành cho nghỉ ngơi, vui chơi và hưởng thụ. Dư âm Tết còn kéo dài, kéo dài cho tới ít nhất là hết tháng Giêng.
Những ngày đầu xuân mới Nhâm Dần, ngay sau Tết, dù khắp nơi không có hoạt động lễ hội và đa số địa điểm tâm linh phải đóng cửa vì dịch bệnh, nhưng quan niệm về quãng thời gian “ngày rộng tháng dài” dường như vẫn ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận người dân, công sở. Đây đó, vẫn còn những biểu hiện đáng lo ngại khi người dân bất chấp nguy cơ dịch bệnh, không tuân thủ các quy định phòng dịch, tập trung quá đông người để tham gia các hoạt động tâm linh. Vẫn còn những cơ quan, doanh nghiệp chưa bắt đầu vào công việc ngay; vẫn còn những cá nhân cán bộ, công chức, viên chức thong dong “du xuân” hoặc lễ lạt…
Chính vì vậy, Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là một văn bản rất kịp thời, có giá trị đôn đốc tinh thần, khí thế và tâm thế lao động, sản xuất, kinh doanh của cả nước. Cũng trong ngày 8/2, Chủ trì cuộc họp của Ban Bí thư đánh giá công tác tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhanh chóng đưa các hoạt động trở lại bình thường, đảm bảo hoạt động công vụ diễn ra thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân; không để xảy ra tình trạng ăn Tết kéo dài, lơ là công việc, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Các cấp, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tổ chức thực hiện hiệu quả Kết luận số 20-KL/TW, ngày 16-10-2021 của Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2021-2022, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2022…Sau khi ăn Tết xong, tiếp tục triển khai chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 11 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 35 của Thủ tướng Chính phủ, phòng, chống dịch không để tái phát; tổ chức cho học sinh đến trường phải tuyệt đối an toàn. Các nhiệm vụ trọng tâm đã nêu ra phải triển khai thực hiện. Từng cơ quan, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, phải lập kế hoạch cụ thể của năm 2022, làm một cách bài bản, có chương trình, lộ trình, phân công, kiểm tra và yêu cầu thời hạn.
Những lời nhắn nhủ của đồng chí Tổng Bí thư và đồng chí Thủ tướng Chính phủ như lời hiệu triệu, thúc giục toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhanh chóng bắt tay ngay vào triển khai kế hoạch năm một cách toàn diện, đồng bộ, trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
Năm mới đã bắt đầu với những thách thức còn phía trước, trong đó dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tâm lý chủ quan vẫn chưa hoàn toàn được triệt tiêu, tình hình quốc tế, khu vực còn biến động; đất nước ta sẽ tiếp tục phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức trong khi nguồn lực còn hạn chế, sức chống chịu của người dân, doanh nghiệp đã bị giảm sút do ảnh hưởng của đại dịch kéo dài hai năm qua. Tình thế đã khiến mỗi cá nhân, tổ chức và bộ ngành, địa phương không thể thong dong thêm được nữa. Cùng với việc động viên các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội để sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu ra cụ thể yêu cầu đối với người đứng đầu từng bộ ngành, địa phương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, quán triệt và quyết liệt, nhất quán thực hiện đa mục tiêu trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, kinh tế đất nước đã có những tổn thương; nhiều lĩnh vực xã hội phải đón nhận những hệ lụy do dịch bệnh. Bối cảnh trước mắt vẫn là dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, với những biến chủng khó lường. Tuy nhiên, lợi thế của toàn quân và dân ta là những kinh nghiệm đấu tranh với dịch bệnh, là tỷ lệ tiêm phủ toàn dân đã đạt mức cao; và quan trọng nhất là khát vọng của cả dân tộc về một cuộc sống “bình thường mới”, vừa phòng chống hiệu quả dịch bệnh, vừa ổn định đời sống xã hội, phát triển kinh tế đất nước.
Đến thời điểm này, 1/3 thời gian của tháng Giêng (âm lịch) đã trôi qua; gần một nửa thời gian của quý I năm dương lịch 2022 cũng sắp hết. Trong tình thế hiện nay, không còn cách nào khác, mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị, mỗi con người cần bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ và kế hoạch đã đặt ra, tận dụng thời cơ, lợi thế, chạy đua với từng phút bình yên, để nhanh chóng chiếm lĩnh những lợi thế trong cuộc chiến với dịch bệnh vẫn còn phía trước. Bởi lẽ, thời gian là không chờ đợi.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/thoi-gian-khong-cho-doi-20220209234614387.htm