Thời gian thẩm tra có tính vào thời gian giải quyết thủ tục hành chính?
Thời gian thực hiện thẩm tra theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng được tính trong thời gian thực hiện công tác thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại Điều 59 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 16 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14.
Theo phản ánh của ông Trần Thanh Tùng (Sơn La), Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định, việc thẩm tra dự án, thiết kế thực hiện theo yêu cầu của người quyết định đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng, đồng thời, không quy định về thời gian tối thiểu để thực hiện công tác thẩm tra.
Ông Tùng hỏi, trường hợp thẩm tra để phục vụ công tác thẩm định theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng, thời gian thẩm tra có được tính vào thời gian giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan chuyên môn về xây dựng hay không?
Ví dụ: Sở Xây dựng nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định dự án A vào ngày 5/4/2023, có văn bản đề nghị thẩm tra vào ngày 6/4/2023, thời gian thực hiện thẩm tra từ ngày 7/4/2023 đến ngày 20/4/2023. Như vậy, từ ngày 7/4 đến ngày 20/4/2023 thì thời gian giải quyết thủ tục hành chính có được phép tạm dừng hay vẫn trừ vào thời gian giải quyết thủ tục hành chính?
Việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 của Bộ Xây dựng quy định việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng các công trình xây dựng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hiện nay các căn cứ của Thông tư số 13/2019/TT-BXD bao gồm Nghị định số 68/2019/NĐ-CP và Nghị định số 161/2016/NĐ-CP đều đã hết hiệu lực và được thay thế. Tuy nhiên, hiện tại Thông tư này chưa có văn bản thay thế hoặc bãi bỏ, đồng thời Bộ Xây dựng cũng chưa hướng dẫn về hiệu lực của Thông tư, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời theo quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BXD, định mức chi phí lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, quản lý dự án và giám sát thi công tương đối thấp, chưa phù hợp với khối lượng công việc phải thực hiện của các đơn vị tư vấn, gây khó khăn trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng.
Ông Tùng đề nghị cho ý kiến hướng dẫn về hiệu lực và hướng tháo gỡ đối với việc quản lý chi phí theo quy định của Thông tư số 13/2019/TT-BXD.
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Về nội dung câu hỏi "Trường hợp thẩm tra để phục vụ công tác thẩm định theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng, thời gian thẩm tra có được tính vào thời gian giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan chuyên môn về xây dựng?":
Theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, đối với hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi không bắt buộc phải được thẩm tra trước khi trình thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Khoản 8 Điều 15 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định: "Trong quá trình thẩm định, trường hợp cần thiết, cơ quan chuyên môn về xây dựng được yêu cầu người đề nghị thẩm định lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra các nội dung cần thiết phục vụ thẩm định".
Theo đó, thời gian thực hiện thẩm tra theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng được tính trong thời gian thực hiện công tác thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại Điều 59 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 16 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14.
Nguyên tắc quản lý chi phí dự án, công trình thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia
Về quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BXD:
Thông tư số 13/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng các công trình xây dựng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; dự án có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc hồ sơ xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 2/12/2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia thay thế Nghị định số 161/2016/NĐ-CP.
Việc quản lý chi phí các dự án, công trình xây dựng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia áp dụng nguyên tắc, phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng quy định tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, pháp luật có liên quan phù hợp với đặc thù về tính chất và điều kiện thực hiện công trình thuộc Chương trình.
Ông căn cứ vào thời điểm lập dự án và các quy định chuyển tiếp tại các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành nêu trên để áp dụng các quy định pháp luật xây dựng về quản lý chi phí đầu tư xây dựng cho phù hợp.