Thời gian thử việc được pháp luật quy định như thế nào?
Bạn đọc Cao Thị Huệ ở xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, thời gian thử việc được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 25 Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể như sau:
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
4. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
* Bạn đọc Nguyễn Văn Nhân ở xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, hỏi:Đề nghị tòa soạn cho biết việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính được áp dụng trong những trường hợp nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 16, Nghị định số 142/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất. Cụ thể như sau:
1. Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.
2. Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
3. Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
4. Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
5. Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.