Thời hạn được thi hành án sau khi Cơ quan thi hành án có quyết định buộc thi hành án

Hỏi: Vào tháng 9/2019 TAND thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa xét xử án dân sự giữa tôi và ông Nguyễn Thanh T. Tòa tuyên ông T phải có trách nhiệm bồi thường cho tôi 50 triệu đồng.

Đến tháng 11/2019 gia đình tôi nhận được Quyết định thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bạc Liêu nhưng đến nay gia đình tôi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường của ông T. Gia đình tôi nhiều lần đến Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bạc Liêu để hỏi kết quả vụ việc thì cơ quan này không có hẹn ngày cụ thể mà chỉ trả lời đang xem xét giải quyết.

Xin quý báo tư vấn giúp cho gia đình tôi, đã có Quyết định thi hành án thì trong thời gian bao lâu người bị thi hành án buộc phải thực hiện? Gia đình tôi phải đến cơ quan nào để liên hệ?

(Bùi Minh Hoàng 54 tuổi, ngụ Phường 2, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu)

Trả lời:

Căn cứ Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì khi bản án của tòa án tuyên ông T buộc phải thanh toán đầy đủ tiền cho ông Hoàng có hiệu lực mà bên ông T không tự nguyện hoàn trả thì theo quy định của Luật thi hành án, trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, ông Hoàng có quyền làm đơn gửi tới Chi cục thi hành án dân sự thành phố Bạc Liêu yêu cầu cơ quan này ban hành Quyết định thi hành án đối với bản án.

Đối với trường hợp này, thời hạn Chi cục thi hành án dân sự thành phố Bạc Liêu đã ban hành Quyết định thi hành án đối với bản án vào tháng 11/2019 là hợp lý. Nhưng Quyết định thi hành án Chi cục thi hành án dân sự thành phố Bạc Liêu vẫn chưa thực hiện được.

Do đó, ông Hoàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án gồm: Phong tỏa tài khoản; tạm giữ tài sản, giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.

Theo quy định tại Điều 45 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, cơ quan thi hành án sẽ ra thông báo thi hành án, ấn định cho người phải thi hành án một thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

Hết thời hạn tự nguyện nói trên, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

“Điều 45. Thời hạn tự nguyện thi hành án

1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

2. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này.”

Việc cưỡng chế thi hành đối với tài sản là tiền sẽ được cơ quan thi hành án áp dụng một trong các biện pháp như khấu trừ tiền trong tài khoản; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án; thu tiền của người phải thi hành án đang giữ hoặc thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ hoặc phát mại tài sản của người phải thi hành án theo quy định tại Điều 71 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung 2014.

Như vậy, ông Hoàng nhanh chóng làm đơn gửi đến Chi cục thi hành án dân sự thành phố Bạc Liêu yêu cầu cưỡng chế thi hành án đối với ông T.

Huỳnh Minh Đức

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/tu-van-luat/thoi-han-duoc-thi-hanh-an-sau-khi-co-quan-thi-hanh-an-co-quyet-dinh-buoc-thi-hanh-an-60473.html