'Thổi hồn' vào trang phục thổ cẩm

Bằng sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, chị Mlơnh (SN 1983, dân tộc Bahnar, làng Dôr 2, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã tạo ra nhiều sản phẩm với thiết kế đẹp mắt, hiện đại được làm từ chất liệu thổ cẩm truyền thống. Hiện tại, cơ sở của chị đã tạo việc làm cho nhiều chị em.

Cơ duyên với nghề

Dưới ánh sáng của chiếc đèn led nhỏ, chị Mlơnh cặm cụi hoàn thành nốt công đoạn may viền cổ chiếc váy thổ cẩm để kịp giao cho khách. Dịp đầu năm, lễ hội nhiều nên lượng khách đến đặt hàng cũng tăng theo. Vì thế, để hoàn thành các đơn hàng kịp thời gian, chị phải thuê thêm 2 thợ nữa phụ giúp mình. Tính đến nay, chị Mlơnh đã gắn bó với nghề tròn 20 năm.

Chị Mlơnh mặc trang phục do chính mình thiết kế. Ảnh: Đinh Yến

Chị Mlơnh mặc trang phục do chính mình thiết kế. Ảnh: Đinh Yến

Chị Mlơnh kể, ngày vào lớp 1, chị được ngoại may tặng chiếc túi thổ cẩm. Hàng ngày, chị mang túi đến trường với niềm hãnh diện. Năm 2001, sau khi học xong bậc THCS, chị đã nung nấu ý định sẽ cách tân, sáng tạo thêm các sản phẩm áo, quần, váy, túi xách... từ thổ cẩm. Nghĩ là làm, chị quyết tâm đi học may rồi mua các tấm thổ cẩm của bà con về tập cắt, may cho thành thạo.

Lúc mới vào nghề, chị Mlơnh chỉ nhận may những bộ trang phục truyền thống cho bà con trong làng. Sau đó, thấy nhu cầu mặc những bộ trang phục thổ cẩm cách tân xuất hiện và phổ biến nên chị bắt đầu nhận thiết kế, may theo yêu cầu của khách.

Để trang phục phù hợp với lứa tuổi, chị tìm hiểu nguồn vật liệu thổ cẩm dệt bằng máy công nghiệp, có chất liệu vải mềm, hoa văn, họa tiết phù hợp với người Bahnar rồi thiết kế, sáng tạo ra nhiều kiểu váy, áo có dáng dấp hiện đại như: quần áo, váy liền thân, áo dài, khăn choàng cổ, túi xách, ví… Sản phẩm của chị vừa giữ được đường nét hoa văn đặc trưng của dân tộc, vừa cách tân.

Nâng tầm thổ cẩm truyền thống

Sau 20 năm làm nghề, chị Mlơnh được nhiều người trong các làng đồng bào Bahnar biết tiếng và tin tưởng đặt may trang phục truyền thống cũng như các sản phẩm làm từ thổ cẩm. Khách hàng của chị có ở khắp nơi, trong đó có người đặt may để tặng cho người thân ở nước ngoài.

Thổ cẩm của người Bahnar là chất liệu để tạo ra những chiếc váy rất lịch sự và sang trọng. Ảnh: Đinh Yến

Thổ cẩm của người Bahnar là chất liệu để tạo ra những chiếc váy rất lịch sự và sang trọng. Ảnh: Đinh Yến

Là khách hàng lâu năm, chị Nuăt (làng Groi Wêt, xã Glar) chia sẻ: “Nhà mình có mấy anh em định cư bên Mỹ rất thích các sản phẩm từ chất liệu vải thổ cẩm truyền thống do chị Mlơnh thiết kế. Năm nào các anh chị cũng gửi số đo nhờ mình đặt chị Mlơnh may các loại trang phục như: váy, áo khoác, áo dài, váy liền thân”.

Trong khi đó, chị Rrưnh (làng Dơk Rơng, xã Glar) cũng tìm đến chị Mlơnh nhờ may 3 chiếc váy liền thân để tặng chị gái. Chị Rrưnh nói: “Các con của chị gái mình thấy mẹ mặc đẹp cũng nhờ mua cho mỗi người 1 bộ để diện đi chơi vào những dịp lễ hội”.

Hiện nay, nhu cầu mặc trang phục thổ cẩm tăng cao nên khách tìm đến tiệm may của chị cũng nhiều hơn. Chị Mlơnh cho biết, 1 bộ đồ thổ cẩm có giá từ 500.000 đồng trở lên. Nhờ chịu khó tìm tòi sáng tạo trên chất liệu thổ cẩm truyền thống, chị Mlơnh kết hợp thêm những phụ kiện làm cho sản phẩm bắt mắt, giá trị hơn. Ví như, chị dùng ren, cột tua ở phần chân chiếc váy tạo sự mới lạ.
Vừa làm, chị Mlơnh động viên chị em trong làng cùng tham gia làm nghề với mình. Cách làm này vừa duy trì nghề dệt thổ cẩm vừa giúp chị em có thu nhập, sống được với nghề truyền thống. Trung bình, chị em trong làng thu nhập thêm 3-4 triệu đồng/người/tháng từ việc cung cấp thổ cẩm cho cửa hàng may mặc của chị Mlơnh. Bà Bleng (làng Groi 1) cho biết: “Tuần nào, Mlơnh cũng đặt mình dệt thổ cẩm để có chất liệu may trang phục. Nhiều lúc mình phải làm cả ngày đêm mới kịp giao hàng”.

Để giữ vững thương hiệu đã dày công gầy dựng, chị Mlơnh tâm sự: “Sắp tới, tôi tiếp tục sáng tạo, thiết kế nhiều mẫu mã trang phục mới và sản phẩm gia dụng làm từ thổ cẩm. Mong rằng những sản phẩm truyền thống của tôi đáp ứng nhu cầu của khách hàng gần xa”.

ĐINH YẾN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202103/thoi-hon-vao-trang-phuc-tho-cam-5726340/