Thổi hồn vào trang phục vải lanh bằng sáp ongNhững cung đường du lịch xứ TuyênNiềm vui từ những nhà văn hóa mang tên Nghị quyết 03Khoan nhặt thoi đưa'Nàng tiên xanh' của núiCõng chữ lên ngànThắp sáng ước mơ của trẻ khuyết tật

Từ những tấm vải lanh trắng tinh, người phụ nữ Mông ở thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) đã tạo ra những đường nét hoa văn độc đáo trên trang phục bằng sáp ong.Từ bao đời, dù đi đâu sinh sống, người Mông ở đây vẫn gìn giữ nét văn hóa này như một báu vật.

Những người phụ nữ Mông ở Khuổi Củng say mê vẽ hoa văn vải lanh bằng sáp ong.

Những người phụ nữ Mông ở Khuổi Củng say mê vẽ hoa văn vải lanh bằng sáp ong.

Báu vật của tổ tiên

Trước khi đón Tết từ một đến hai tháng, những người đàn ông và phụ nữ Mông đã chuẩn bị các nguyên liệu để làm nên những bộ trang phục váy áo diện Tết cho người phụ nữ. Ông Giàng Seo Chà bảo: “Người đàn ông Mông sẽ chỉ lấy người phụ nữ nào biết vẽ sáp ong lên trên vải lanh thôi. Vì vậy, từ 15 tuổi, khi người con gái Mông biết mặc váy đã được mẹ cha cầm tay đặt lên bút vẽ bằng đồng vẽ những đường nét đầu tiên cho tới khi đi lấy chồng. Thời gian học để vẽ thành thạo cũng phải mất mấy năm”.

Chảo sắt, sáp ong, bút vẽ bằng đồng, vải lanh và bông dùng để vẽ sáp ong lên trên vải lanh.

Khi hỏi về nét văn hóa này, đôi mắt của chị Ma Thị Chua bỗng ngời lên niềm vui. “Mình biết vẽ sáp ong lên vải lanh từ khi 14 tuổi rồi”. Chị Chua là một trong những người phụ nữ Mông ở đây vẽ sáp ong lên vải lanh rất thành thạo. Vẽ sáp ong lên trên vải lanh có thể vừa coi là nét văn hóa độc đáo, vừa là "báu vật" của người Mông để lại. Vì đây là một nghệ thuật rất tinh tế, đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, khéo léo từ đôi tay và trí tưởng tượng của người đàn ông và phụ nữ Mông. Người Mông dùng sáp ong để vẽ là bởi sau khi hoàn thành, cả tấm vải sẽ đem đi nhuộm chàm. Chỗ không có sáp ong sẽ được nhuộm thành màu chàm đen. Còn chỗ có sáp ong, chàm không thấm vào được. Sau đó, người Mông nấu chảy sáp ong đi, những hoa văn được vẽ bằng sáp ong sẽ trở thành màu trắng xanh, làm nổi bật trang phục.

Chị Ma Thị Chua năm nay đã 50 tuổi nhưng vẫn khéo léo với nghề.

Chị Ma Thị Chua năm nay đã 50 tuổi nhưng vẫn khéo léo với nghề.

Công cụ để vẽ là chảo sắt nhỏ, bút vẽ bằng thanh đồng, vải lanh, nước chàm; nguyên liệu để vẽ là sáp ong. Người đàn ông Mông đảm nhận việc lấy và tạo ra sáp ong, chảo sắt nhỏ và bút đồng. Họ cũng giúp người phụ nữ Mông trồng lanh, trồng chàm, thu hoạch lanh và cây chàm. Sáp ong là tổ ong được cô đặc lại thành dạng rắn. Sáp ong được làm thành hai loại, một loại có màu vàng và một loại sau khi đã cô đặc nhuộm với nước chàm để có màu xanh đen. Hai loại sáp này được để vào chiếc chảo sắt nhỏ rồi làm nóng trên than hồng cho đến khi tan chảy thành dạng lỏng, quánh có màu xanh đen. Sáp ong vẫn để trên bếp và người phụ nữ Mông lấy bút đồng chấm rồi vẽ.

Sáp ong được nấu cho tan chảy trước khi vẽ.

Sáp ong được nấu cho tan chảy trước khi vẽ.

Bút đồng để vẽ được thiết kế hết sức đặc biệt. Cán bút được làm bằng thanh tre. Ngòi bút là 3 thanh đồng được ghép vào nhau và được mài mịn, có hình tam giác. Giữa các thanh đồng vẫn có những khe hở để nhồi bông vào để thấm sáp ong. Giữa thanh tre và các thanh đồng được cuốn bằng sợi vải bông vừa để gắn chặt vào nhau vừa để giữ sáp ong chảy xuống đầu thanh đồng, tiếp sáp ong cho bông để vẽ được lâu hơn. Chị Chua cho biết, khi vẽ sáp ong lên vải lanh phải vẽ nóng, tức là lúc nào chảo sáp ong cũng phải để trên bếp lửa.

Nhồi bông vào lá đồng - một công đoạn chuẩn bị trước khi vẽ.

Nhồi bông vào lá đồng - một công đoạn chuẩn bị trước khi vẽ.

Ông Giàng Seo Chà cho rằng, bút vẽ rất quan trọng, vẽ được hay không phụ thuộc vào việc người đàn ông
Mông có làm bút đồng mịn và khéo hay không.

Tấm vải lanh được dệt nên từ sợi lanh có màu trắng tinh. Sợi lanh sau khi được dệt thành tấm vải sẽ được người phụ nữ Mông lấy thanh gỗ chà cho mịn và phẳng. Tùy vào việc người phụ nữ Mông sẽ sử dụng tấm vải đó làm gì thì tấm vải lanh sẽ được cắt dài hay ngắn, rộng hay hẹp.

Thổi hồn vào tấm vải lanh bằng sáp ong

Đa phần người phụ nữ Mông vẽ sáp ong lên vải lanh để làm một bộ váy. Họ diện những bộ váy này vào dịp Tết. Người đàn ông và phụ nữ Mông phải bỏ ra rất nhiều công sức để hoàn thành một bộ váy có hoa văn từ sáp ong. Không phải ai cũng vẽ được ngay từ đầu mà phải kiên trì, khéo léo nếu không sẽ không bao giờ biết vẽ.

Chị Chẳng và tấm vải lanh đã được vẽ sáp ong với những hoa văn đầu tiên.

Chị Chẳng và tấm vải lanh đã được vẽ sáp ong với những hoa văn đầu tiên.

Người phụ nữ Mông kẻ những đường thẳng song song đầu tiên lên tấm vải lanh, sau đó họ sẽ tạo thành những ô vuông. Phía bên trong ô vuông, họ sẽ tạo thành những hoa văn phong phú và khó hơn. Hoa văn trên vải lanh được vẽ bằng sáp ong nâng theo cấp độ từ dễ đến khó. Bằng bàn tay khéo léo, người phụ nữ Mông chỉ cần chấm lên vải lanh đã tạo thành ngọn núi hay bông hoa.

Chị Lù Thị Chẳng thoăn chắt chấm bút vẽ vào chảo sáp ong đặt trên bếp rồi đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải, lưỡi bút song song với mặt đất. Chị cho biết, hoa văn vẽ bằng sáp ong lên tấm vải lanh bao giờ cũng được tạo thành những hình vuông, phía bên trong sẽ được trang trí bằng nhiều hoa văn khác nhau. Nó thể hiện ước vọng của người Mông về một ngôi nhà hạnh phúc, sum vầy, ấm no. Tình yêu thiên nhiên cũng được người phụ nữ Mông thể hiện bằng hình hoa văn là những ngọn núi cao và hoa cỏ. Từ bao đời nay, người Mông vẫn gắn bó với nghề chăn nuôi. Ước mong có một cuộc sống sung túc, chăn nuôi phát triển cũng được người phụ nữ Mông biến tấu lên tấm vải lanh bằn hình răng con trâu, con ngựa. Những ước mong giản dị ấy được thổi vào tấm vải lanh bằng sáp ong qua những hoa văn hết sức tinh tế.

Người Mông có những chiếc bàn nhỏ chuyên dùng để vẽ sáp ong lên vải lanh.

Người Mông có những chiếc bàn nhỏ chuyên dùng để vẽ sáp ong lên vải lanh.

Bà Giàng Thị Chư bảo: “Tết năm nào mình cũng có vài bộ váy mới để đi chơi. Làm một bộ váy có hình hoa văn vẽ từ sáp ong cũng phải mất hai tuần. Sau khi vẽ xong, cả tấm vải sẽ được nhuộm chàm rồi phơi khô từ 3 đến 4 lần. Sau đó đem nấu nước sôi cho sáp ong bong ra. Tấm vải này được người phụ nữ Mông tiếp tục thêu thùa rồi may lại thành váy. Vì sự tỉ mỉ, công phu nên những bộ váy này được người phụ nữ Mông trân trọng, gìn giữ từ đời này sang đời khác để nhắc nhở con cháu phải giữ gìn nét văn hóa của tổ tiên.

Những tấm vải lanh được vẽ bằng sáp ong là minh chứng cho sự khéo léo, chăm chỉ,
cần cù của người Mông.

Vì đây là nét văn hóa đặc sắc của người Mông cần được gìn giữ và phát huy nên cấp ủy, chính quyền huyện Lâm Bình và xã Xuân Lập đang ra sức bảo tồn. Ông Hoàng Văn Dềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết, tại Ngày hội văn hóa dân tộc Mông năm nay sắp được tổ chức, lần đầu tiên, vẽ sáp ong lên trên vải lanh sẽ được trình diễn với du khách. Huyện cũng đang có định hướng sẽ chú trọng khơi dậy những nét văn hóa độc đáo của người Mông ở Xuân Lập gắn với phát triển du lịch. Đây là hướng đi hứa hẹn nhiều triển vọng mới trong phát triển du lịch, đồng thời nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của người Mông.

Thực hiện: Thủy Châu
Thiết kế: Hoa Hiên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/media/e-magazine/thoi-hon-vao-trang-phuc-vai-lanh-bang-sap-ong-127147.html