Thói hư - tật xấu trong văn hóa giao thông Hà Nội
Hà Nội đang nỗ lực xây dựng, phát triển văn hóa giao thông để tương xứng với tầm vóc của một đô thị trung tâm, trái tim chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước.
Tuy nhiên, mục tiêu đó không dễ đạt được, đặc biệt do những nếp xấu khi tham gia giao thông còn tồn tại dai dẳng, thậm chí trở thành thói quen của một bộ phận người dân.
Bài 1: Thói xấu xuất hiện từ trung tâm đến ngoại thành
Hà Nội đang phải đối diện với vấn đề ùn tắc, mất trật tự - an toàn giao thông mỗi ngày. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn yếu kém. Những thói quen xấu xí khi tham gia giao thông xuất hiện trên đường phố, ngõ xóm, từ trung tâm đến ngoại thành.
Muôn kiểu “khôn vặt”
Hà Nội có hơn 8 triệu dân, trong đó, gần 50% tập trung ở 12 quận nội thành. Cùng với thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông còn thiếu thốn trầm trọng, vấn nạn ùn tắc giao thông (UTGT) đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố, tập trung chủ yếu vào các tuyến đường vành đai, xuyên tâm, khu vực đô thị trung tâm. Bên cạnh những khó khăn khách quan đó, ý thức tham gia giao thông chưa tốt cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến UTGT còn diễn ra thường xuyên.
Thạc sĩ giao thông đô thị Vũ Hoàng Chung nhận định: “Ý thức giao thông của không ít người dân tại địa bàn Hà Nội còn rất kém. Thói quen "khôn vặt", tham gia giao thông kiểu ích kỷ, chộp giật còn khá phổ biến, ở bất cứ nơi nào cũng có thể thấy được, nhất là trong khu vực nội thành”. Ông Vũ Hoàng Chung dẫn chứng, vào các khung giờ cao điểm sáng - chiều, cảnh chen chúc hỗn loạn diễn ra trên hầu như mọi tuyến đường trong đô thị trung tâm. Không chỉ các trục chính mới có hiện tượng lưu thông theo kiểu mạnh ai nấy đi, điền vào chỗ trống, mà ngay cả đường phố nhỏ, ngõ ngách cũng nhan nhản phương tiện lấn làn, đi ngược chiều.
Trung tá Nguyễn Đức Thắng - Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội chia sẻ, lực lượng điều tiết, phân luồng giao thông cực kỳ vất vả với những thói quen xấu khi đi lại của người dân. Tại khu vực nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, làn đường dành cho xe quay đầu hướng đi Hà Đông thường xuyên bị chiếm dụng bởi hàng dài ô tô đi thẳng hoặc rẽ trái, khiến cả dòng phương tiện phái sau ùn tắc, chôn chân. Hay trên trục Tố Hữu - Lê Văn Lương, vốn đã phải dành một làn đường riêng cho xe buýt BRT, hai làn đường còn lại có lúc dàn ngang đến 4 hàng xe ô tô, chặn hết lòng đường, đẩy hết xe máy lên vỉa hè lưu thông.
Chị Nguyễn Phương Dung (quận Hà Đông) biện bạch: “Đường thì tắc, đi làm hay đón con đều phải đúng giờ nên tôi thường rất vội vã, không chờ được, nhiều lúc đi lên vỉa hè hoặc đi ngược chiều cho nhanh”. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều người dân tại Hà Nội khi phải chen chúc, vật lộn với cảnh UTGT trong khu vực nội thành. Đặc biệt nguy hiểm là không ít người sẵn sàng lao vào đường ngược chiều để vượt thoát qua đám đông. Hầu như ở bất cứ nút giao lớn nào trong trung tâm TP cũng có thể thấy tình trạng tranh thủ vài giây vượt đèn đỏ hoặc chen qua vạch vôi dừng chờ, xếp thành hình chiếc phễu mà miệng đặt ngay trong lòng nút giao. Những người ích kỷ vượt đèn đỏ, lấn làn, điền vào chỗ trống không ý thức được rằng, khi chiếc xe máy bé nhỏ của họ kẻ một đường cắt ngang qua nút giao có thể khiến cả một hướng lưu thông với hàng nghìn xe khác bị dồn ứ, khiến giao thông rơi vào bế tắc.
Tâm lý coi thường luật, lưu thông kiểu ích kỷ, bất chấp gây UTGT, nguy hiểm cho người xung quanh đã trở thành thói quen của không ít người dân Hà Nội. Những hiện tượng “tranh thủ” ngược chiều, vượt phải, lấn làn… còn được mang từ những tuyến đường chính, nút giao lớn vào trong các ngõ nhỏ, phố nhỏ. Rồi thói quen dừng đỗ xe giữa đường để… bấm điện thoại hay mua hàng lại được hoán đổi từ các ngõ nhỏ ra đường lớn; đi kèm với nó là hệ lụy giao thông căng thẳng, ùn ứ tràn lan khắp các khu vực trong trung tâm thành phố.
Lệ làng trong giao thông
Khác với khu vực trung tâm, các vùng nông thôn, ngoại thành của Hà Nội thường ít xảy ra UTGT, nhưng không phải vì thế mà không tồn tại những tập quán xấu khi đi lại của người dân. Nhiều chuyên gia cho rằng, chính những người dân ngoại thành, hàng ngày ra vào khu trung tâm đã “du nhập” nhiều thói xấu giao thông về vùng nông thôn. Trong bối cảnh văn hóa cộng đồng nông thôn còn mang nặng tính cả nể, xuê xoa, lại thiếu sự sát sao của lực lượng chức năng, thói xấu giao thông càng có điều kiện phát triển, ngày càng ăn sâu vào tính cách của nhiều người dân.
Lãnh đạo Công an xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, cho biết, các hành vi vi phạm luật giao thông như không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách, uống rượu rồi phóng xe máy vù vù trên các tuyến đường thôn xóm diễn ra không ít. “Khi được tuyên truyền, vận động, nhiều người dân bộc bạch với chúng tôi, họ lý lẽ rằng, không ra đường lớn không sợ bị phạt, đường làng là đường riêng của dân làng, chỉ cần “thông cảm” cho nhau là có thể đi kiểu gì cũng được” - vị này cho hay.
Anh Bùi Văn Dũng (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) chia sẻ thẳng thắn: “Chúng em ở quê, đường nhỏ xe nhỏ, lại toàn người trong họ, hàng xóm láng giềng, đi lại nhìn nhau một tí là được, cần gì phải luật này luật kia”. Nhiều người dân còn có suy nghĩ, đường làng, ngõ xóm vốn chật hẹp, không thể lưu thông với tốc độ cao nên khó lòng mà xảy ra tai nạn giao thông, UTGT lại càng hiếm hoi. Mặt khác, việc sử dụng rượu bia, kể cả trong các dịp lễ Tết lẫn giỗ chạp, hay ngày thường đã trở thành tập quán của không ít làng, xã. “Chén chú, chén anh” xong, nhiều người vẫn vô tư điều khiển phương tiện, bất chấp nguy cơ mất an toàn cho chính bản thân và cộng đồng xung quanh.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, việc buông lỏng tuần tra, xử lý vi phạm tại các vùng nông thôn, ngoại thành cũng là nguyên nhân khiến các thói xấu trong giao thông tồn tại dai dẳng. Nhiều người dân khu vực này không có hiểu biết về pháp luật giao thông, không tự ý thức được hệ lụy mình gây ra với cộng đồng xung quanh và lớn hơn nữa là văn hóa giao thông của toàn xã hội. Cũng chính vì thiếu hiểu biết, lại ít khi bị xử phạt nên dù đi lại ở quanh nhà hay ra phố lớn, không ít người dân nông thôn không để ý đến việc đi ẩu sẽ góp phần nghiêm trọng gây UTGT cho khu vực trung tâm vốn đã chịu áp lực giao thông vô cùng lớn.
Thạc sỹ Vũ Hoàng Chung phân tích, sự giao thoa kinh tế và văn hóa giữa đô thị trung tâm và nông thôn, ngoại thành diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Nó chính là kênh phổ biến nhất đưa những thói hư, tật xấu trong giao thông từ khu vực này đến khu vực kia và ngược lại. Sự tương tác đó khiến văn hóa giao thông chịu nhiều tác động tiêu cực, chậm phát triển, ý thức tham gia giao thông của bộ phận không nhỏ người dân chẳng những không được nâng cao mà còn kém đi, cẩu thả hơn.
"Bất kể là xe máy hay ô tô, thậm chí chẳng phải giờ cao điểm, cũng đều nhăm nhăm tìm một chỗ trống để lách lên, vô cùng ít người có ý thức đi theo hàng lối, tuân thủ tổ chức giao thông, đi đúng làn đường, khiến đã ùn lại càng tắc." - Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Trung tá Nguyễn Đức Thắng
"Đường sá chật hẹp, phương tiện đông đúc, ý thức lại kém, tranh giành nhau từng kẽ hở, phá nát hàng lối, sẵn sàng phạm luật chỉ khiến giao thông rối loạn hơn. Một người làm khổ muôn người." - Thạc sĩ giao thông đô thị Vũ Hoàng Chung
(còn nữa)
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thoi-hu-tat-xau-trong-van-hoa-giao-thong-ha-noi-413340.html