Thời khắc lịch sử: Từ dời đô Thăng Long đến tái cấu trúc giang sơn 2025

Năm 1010, dân tộc Việt Nam ghi dấu một thời khắc lịch sử vĩ đại: Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô, chuyển kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La (Hà Nội ngày nay), sau đổi tên thành Thăng Long 'rồng bay lên'. Trong Chiếu dời đô, ngài viết: việc dời đô là để 'mưu nghiệp lớn, làm kế cho con cháu muôn vạn đời'. Đó không đơn thuần là sự dịch chuyển địa lý, mà là bước ngoặt chiến lược, thể hiện tư duy chính trị sắc bén, đặt nền móng cho một thiên niên kỷ phát triển phồn thịnh của đất nước.

Quyết định ấy thể hiện tầm nhìn vượt thời đại. Đại La khi ấy có vị trí trung tâm, giao thông thuận lợi, đất đai màu mỡ, dân cư đông đúc, phù hợp để trở thành trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế mới của quốc gia Đại Cồ Việt. Dời đô về Thăng Long là biểu hiện của tinh thần cải cách vì đại cuộc, vì lợi ích dài lâu, vượt lên mọi cục bộ.

Gần một thiên niên kỷ sau, ngày 30/4/1975 lại ghi dấu một thời khắc lịch sử khác: miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, khép lại những năm tháng chiến tranh khốc liệt và mở ra thời kỳ mới: xây dựng, thống nhất, phát triển trong hòa bình. Đó là kết quả của ý chí dân tộc, lòng yêu nước và sự đồng lòng của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Và hôm nay, từ ngày 1/7/2025, chúng ta đang sống trong một thời khắc lịch sử mới. Việc chính thức triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại các địa bàn đô thị, cùng với việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, không chỉ là một bước cải cách kỹ thuật hành chính, mà là một phần của đại cuộc “tái cấu trúc giang sơn” trong thời đại mới.

Giang sơn, như một bàn cờ lớn. Muốn đánh thắng ván cờ phát triển, người đi trước phải có tầm nhìn dài hạn, bản lĩnh quyết đoán và chiến lược toàn diện. Việc điều chỉnh địa giới, sáp nhập đơn vị hành chính không đơn thuần là “gom nhỏ, chia to”, mà là để kiến tạo không gian phát triển hợp lý, tối ưu hóa nguồn lực, tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền.

Trong cuộc sắp xếp lịch sử này, có hai điều khiến tôi cảm phục.

Một là người cầm trịch. Không có tầm nhìn chiến lược, không có bản lĩnh chính trị và quyết đoán mạnh mẽ, sẽ không thể khởi xướng và thực hiện được một cuộc cải tổ hành chính quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử hiện đại của Việt Nam. Quyết định này đòi hỏi sự can đảm và trách nhiệm với vận mệnh quốc gia.

Hai là đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động trong hệ thống chính trị. Họ là những người đang gồng mình trong giai đoạn chuyển đổi đầy áp lực. Có người từ vị trí lãnh đạo trở thành chuyên viên; có người thay đổi nơi làm việc, chức danh, thậm chí là điều kiện sống. Họ có thể có những tâm tư riêng, nhưng phần lớn đang đặt lợi ích chung lên trên quyền lợi cá nhân. Đó là biểu hiện của tinh thần công vụ đáng trân trọng, của lòng trung thành với lý tưởng phục vụ nhân dân và đất nước.

Cải cách sẽ luôn là một hành trình gian nan, đòi hỏi hy sinh và đổi mới không ngừng. Nhưng nếu 15 - 20 năm nữa, đất nước phát triển mạnh mẽ hơn, nếu 34 tỉnh, thành phố cùng hơn 3.000 xã, phường phát huy hiệu quả tiềm năng được mở ra từ cuộc tái cấu trúc hôm nay, nếu Việt Nam thực sự vươn mình thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng thì chúng ta có quyền khẳng định: thời khắc lịch sử năm 2025 đã không phụ lòng đất nước.

Từ dời đô năm 1010, đến đại thắng mùa Xuân 1975 và giờ là cải cách hành chính 2025, mỗi mốc son đều bắt nguồn từ những quyết định táo bạo, từ tầm nhìn vì tương lai chung. Đất nước không thể hùng cường nếu bộ máy vẫn cồng kềnh, nếu từng địa phương chưa khai thác hết nội lực. Hãy tin rằng từ những điều chỉnh hôm nay, sẽ nảy mầm những kỳ tích cho ngày mai.

(*) Giám đốc Công ty TNHH TB PCCC - TM - DV - XNK Thăng Long

Lê Khắc Tiến (*)

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/thoi-khac-lich-su-tu-doi-do-thang-long-den-tai-cau-truc-giang-son-2025-319539.html