Thời khắc Trung Quốc trì hoãn nhiều năm đang đến gần

So với nhiều nền kinh tế lớn khác, Trung Quốc thuộc nhóm có độ tuổi nghỉ hưu thấp. Nhưng đối mặt với bài toán già hóa dân số, Bắc Kinh có thể sớm phải thay đổi chính sách này.

Suốt nhiều thập niên, ở Trung Quốc, tuổi trung niên là lúc nhiều người bắt đầu tính tới chuyện nghỉ hưu.

Trong số các nền kinh tế lớn, Trung Quốc là một trong những quốc gia có độ tuổi nghỉ hưu thấp nhất. Chính sách từ những năm 1950 cho phép phụ nữ nghỉ hưu sớm nhất là từ 50 tuổi, đàn ông là 60.

Theo dữ liệu mới nhất vào năm 2020, tuổi nghỉ hưu trung bình trong nhóm Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 64,2 với nam, và 63,4 với nữ.

Dẫu vậy, chính quyền các địa phương đang đối mặt với tình huống cạn kiệt quỹ hưu trí khi làn sóng nghỉ hưu ập tới. Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác ngoài yêu cầu người dân lao động lâu hơn.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học nhận định động thái này dễ vấp phải sự phản đối, theo Wall Street Journal.

"Đừng né tránh vấn đề hưu trí"

Những người Trung Quốc thuộc thế hệ baby boomer đang “lũ lượt” về hưu. Theo Cambridge, baby boomer là nhóm sinh ra trong thời kỳ bùng nổ trẻ em, đặc biệt ở Mỹ hoặc Anh, khoảng năm 1945-1965.

Ngay cả với các khoản trợ cấp từ chính phủ, quỹ hưu trí đô thị do nhà nước quản lý tới năm 2035 dự kiến cạn kiệt số tiền tích lũy trong 2 thập niên trước. Từ đó, quỹ này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào sự đóng góp mới từ lực lượng lao động, theo phân tích năm 2019 của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.

Hồi tháng 2, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cảnh báo nước này cần giải quyết tình trạng thiếu hụt lương hưu. Ông cũng cho rằng nhiều người Trung Quốc có thể phải dựa vào tiền tiết kiệm cá nhân.

“Hệ thống lương hưu ở Trung Quốc cần sẵn sàng đối phó với lượng dân số khổng lồ và ngày càng già hóa. Đừng né tránh mà hãy đối mặt với bài toán hệ thống lương hưu”, ông Chu nhấn mạnh.

Trung Quốc có dấu hiệu muốn thay đổi tuổi nghỉ hưu, nhưng suốt nhiều năm qua không đưa ra thông báo cụ thể. Các nhà kinh tế học và nhân khẩu học cho rằng Bắc Kinh có thể hành động trong năm nay, giữa lúc nền kinh tế đang bắt đầu phục hồi.

 Nhiều người Trung Quốc cho rằng nâng tuổi nghỉ hưu là điều không thể tránh khỏi. Ảnh: Reuters.

Nhiều người Trung Quốc cho rằng nâng tuổi nghỉ hưu là điều không thể tránh khỏi. Ảnh: Reuters.

Nhiều nước trên thế giới cũng chứng kiến cơn đau đầu tương tự. Tại Pháp, những cuộc biểu tình kéo dài hàng tuần sau khi Tổng thống Emmanuel Macron quyết nâng tuổi nghỉ hưu. Mỹ cũng đối mặt với những trở ngại về nhân khẩu, khi chi phí cho hệ thống an sinh xã hội bắt đầu vượt quá mức thu vào năm 2021.

Dù vậy, dân số Trung Quốc đang già đi với mức thu nhập thấp và tốc độ nhanh hơn nhiều so với Pháp và Mỹ. Chính sách một con kéo dài nhiều thập kỷ đã khiến số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ngày càng giảm, trong khi nhiều người thuộc thế hệ “con một” không muốn lập gia đình.

Bộ Nhân sự và An sinh xã hội Trung Quốc ước tính hơn 40 triệu người sẽ nghỉ hưu trong khoảng thời gian 5 năm, tính tới hết năm 2025. Dân số trong độ tuổi lao động - 16 tới 59 tuổi - dự kiến giảm 35 triệu trong cùng thời kỳ.

Ý kiến trái ngược

Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc trung niên lại mong muốn được nghỉ hưu sớm.

Năm 2021, bà Guo Jinyi nghỉ hưu ở tuổi 50, sau hơn 20 năm làm việc tại một công ty bảo hiểm nhà nước ở tỉnh Chiết Giang. Bà nhận khoản trợ cấp 6.000 NDT/tháng (tương đương 872 USD). Với bà, số tiền này “vừa đủ để bắt đầu chương thứ 2 của cuộc đời”.

Hiện tại, bà thường theo học các lớp khiêu vũ và chơi với cháu gái bên ngoài các khu trung tâm mua sắm địa phương. Ở các thành phố Trung Quốc, ta có thể dễ dàng bắt gặp nhóm người về hưu khiêu vũ tại các quảng trường hoặc tập thể dục trước khu nhà ở.

"Tôi may mắn khi có thể nghỉ hưu đúng thời điểm”, bà Guo nói.

Tình hình nhân khẩu học tại Trung Quốc không mấy lạc quan. Năm ngoái, dân số nước này lần đầu giảm sau nhiều thập niên.

Những người Trung Quốc trên 60 tuổi hiện chiếm 1/5 và dự kiến chiếm tới gần 50% dân số vào cuối thế kỷ này, theo Liên Hợp Quốc. Để so sánh, cả Pháp và Mỹ hiện có tỷ lệ người trên 60 tuổi cao hơn, lần lượt là 28% và 24%, nhưng tốc độ tăng chậm hơn Trung Quốc, chiếm 40% dân số Pháp và 36% dân số Mỹ vào năm 2100.

So với Pháp, Bắc Kinh có thể có cách tiếp cận chậm rãi hơn trong việc tăng tuổi nghỉ hưu. Một số nghiên cứu của chính phủ chỉ ra nước này có thể bắt đầu bằng việc nâng tuổi nghỉ hưu của nữ giới bằng với nam giới. Hiện, phụ nữ trong một số ngành nghề nhất định có thể nghỉ hưu ở tuổi 50, trong khi số còn lại nghỉ hưu khi 55 tuổi.

Khi được hỏi khi nào Trung Quốc sẽ công bố kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu, tân Thủ tướng Lý Cường hồi tháng 3 nói “chính phủ sẽ nghiên cứu cẩn thận và phân tích đầy đủ để đưa ra chính sách thận trọng trong thời gian tới”.

 Nhiều người trung niên quyết định nghỉ hưu sớm hơn cả chính sách hiện tại, dù hiện độ tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc thuộc nhóm thấp trong số các nước phát triển. Ảnh: AP.

Nhiều người trung niên quyết định nghỉ hưu sớm hơn cả chính sách hiện tại, dù hiện độ tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc thuộc nhóm thấp trong số các nước phát triển. Ảnh: AP.

Sơn Đông và Giang Tô hiện cho phép một số nhóm có tay nghề cao hoãn nghỉ hưu nếu muốn. Một số người lao động hy vọng đây sẽ là chính sách bắt buộc trong những năm tới.

Nhiều người Trung Quốc cho rằng nâng tuổi nghỉ hưu là điều không thể tránh khỏi.

“Tôi sẵn sàng nghỉ hưu ở tuổi 65”, một nhân viên kế toán 31 tuổi tại công ty bất động sản nhà nước ở Sơn Đông nói. Các cán bộ ở đơn vị anh công tác đã tổ chức nhiều cuộc họp giao ban nội bộ về phương án nâng tuổi nghỉ hưu.

Anh cũng đang tiết kiệm tiền để tiêu xài khi về hưu, do lo ngại mình sẽ khó tham gia quỹ lương hưu giống cha mẹ mình.

Tiết kiệm hộ gia đình tại Trung Quốc đã tăng lên trong bối cảnh bất ổn kinh tế. Nhiều người trẻ đang cân nhắc chi cho chế độ hưu trí tư nhân.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học và quan chức lo ngại nhiều người Trung Quốc chưa ý thức đầy đủ việc dân số nước này đang có tốc độ già hóa nhanh tới mức nào. Nhiều người trung niên thậm chí còn quyết định nghỉ hưu sớm hơn cả chế độ hiện tại.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, chủ đề “nghỉ hưu sớm” từng trở thành xu hướng trong năm nay. Trong bài phát biểu hồi tháng 2, ông Chu Tiểu Xuyên nhấn mạnh sự cần thiết khi giúp công chúng hiểu rõ hơn về thực tế hiện nay.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thoi-khac-trung-quoc-tri-hoan-nhieu-nam-dang-den-gan-post1421221.html