'Thời khắc vàng' để nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam
Vững tin về một Việt Nam tiếp tục phát triển, nhiều kiều bào, trí thức ở nước ngoài bày tỏ mong muốn được góp sức cho quê hương.
Sự kiện 'Xuân Quê hương' do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây có số lượng kiều bào tham dự đông nhất từ trước tới nay với hơn 1.000 người.
Nền kinh tế Việt Nam như "con hồ đang lên"
Chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, chuyên gia xây dựng thương hiệu, Tổng Giám đốc Pharmacity Trần Tuệ Tri (kiều bào tại Singapore) bày tỏ sự vui mừng trước những thay đổi rất lớn của đất nước trong thời gian qua. Nhìn rộng hơn, vị thế đất nước như "con hổ đang lên", một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.
Bà Trần Tuệ Tri nhắc lại thời điểm tháng 6/2021, khi dịch bệnh ở TP.HCM còn phức tạp với những ngày giãn cách xã hội, đường phố không bóng người. Nhưng, ngay trong năm 2022, TP.HCM đã chuyển mình, cho thấy sự dẻo dai, linh hoạt của con người và đất nước.
Là người dành tâm huyết tìm hiểu thương hiệu quốc gia và những bài học của thế giới về thành công với thương hiệu quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, Israel... bà Trần Tuệ Tri chia sẻ mong muốn góp sức về vấn đề này và cho rằng, đây là “thời khắc vàng” để nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Bởi theo bà Trần Tuệ Tri, khi thương hiệu đất nước được nâng tầm, giá trị mỗi người cũng được nâng lên. Bà Tri nói rất tự hào mỗi khi giới thiệu mình là người Việt Nam, được bạn bè quốc tế tôn trọng.
Chia sẻ với VietNamNet, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan Ngô Phẩm Trân đánh giá, sau hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 nhiều kiều bào đã quay trở lại quê hương. Đặc biệt, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Quốc hội đã gặp mặt lắng nghe ý kiến của bà con, thể hiện sự quan tâm, luôn coi kiều bào là một phần không thể tách rời.
Bà Ngô Phẩm Trân khẳng định, bức tranh kinh tế chung của thế giới năm vừa qua khá ảm đạm nhưng Việt Nam vẫn kiên cường tiến lên.
Theo bà Trân, phần lớn thành viên trong Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan hoạt động trong lĩnh vực điện tử, có xu hướng tạo “làn sóng” đầu tư về Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
“Năm nay, chúng ta sẽ có 3 dự án đầu tư trên 1 tỷ USD động thổ tại Việt Nam, ngành nghề này cũng ít chịu ảnh hưởng của dịch nên tăng trưởng khả quan. Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho Việt Nam, bởi theo tôi nhìn nhận, 5 năm tới là giai đoạn vàng của Việt Nam trong phát triển ở lĩnh vực này”, bà Trân phân tích.
Bà Ngô Phẩm Trân cũng bày tỏ: “Chúng tôi rất tự hào là người Việt Nam và nhiều nhà đầu tư đã lắng nghe ý kiến để quyết định đầu tư hàng triệu USD vào đất nước. Chúng tôi sẽ cố gắng tranh thủ, tận dụng làn sóng đầu tư giai đoạn này”.
Năm vừa qua Việt Nam đã khống chế thành công dịch bệnh, hỗ trợ các doanh nghiệp, không để nhà đầu tư nước ngoài bị ngừng sản xuất. Theo bà Trân, đây là điểm đột phá của nước ta, còn ở nước ngoài thì rất khó, bởi quy định chung đã ngừng thì tất cả cùng ngừng. “Đó là điều tôi thấy tự hào về Chính phủ Việt Nam”, nữ kiều bào nói.
Theo bà Ngô Phẩm Trân, nhiều kiều bào ở Đài Loan muốn quay lại Việt Nam để sinh sống và làm ăn. Người Việt Nam thế hệ thứ nhất có lịch sử định cư ở đây khoảng 30 năm, thế hệ thứ hai là những người trẻ có trình độ cao, đặc biệt rất yêu quê hương, muốn đóng góp nhiều hơn vì vậy cần có chính sách cởi mở, thông thoáng hơn.
Kiều bào trẻ cần gắn bó, đóng góp cho đất nước
TS. Phan Bích Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary khẳng định, đây là một năm đặc biệt, bởi sau gần 40 năm xa quê, bà mới lại được đón Tết ở Việt Nam.
Bà Thiện chia sẻ, dù quá nửa đời người sống ở nước ngoài nhưng lúc nào cũng cảm nhận được dòng máu Việt đang chảy trong cơ thể mình. Chia sẻ với PV VietNamNet, bà bày tỏ những chuyến đi xa chỉ là khoảnh khắc, để rồi sau tất cả, “đi để trở về”, để cảm nhận được rằng mình mãi mãi thuộc về mảnh đất hình chữ S.
Nhận định về nền kinh tế sau đại dịch còn ảm đạm ở nhiều nước, TS. Phan Bích Thiện cho rằng, dù đứng trước không ít khó khăn, song năm 2022, Việt Nam đã được truyền thông thế giới nhắc tới như "một điểm sáng" về duy trì phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Đó là điều khiến bà Thiện cảm thấy tự hào với bạn bè nước ngoài. “Cái tên Việt Nam năm vừa qua đã được nhắc rất nhiều với truyền thông thế giới trong việc vượt qua đại dịch, ngoại giao vắc-xin, bao phủ vắc-xin song song với phát triển kinh tế”, TS. Phan Bích Thiện nói.
Bà Phan Bích Thiện nhấn mạnh, để đất nước ngày càng phát triển hơn, cần một số điều chỉnh, sửa đổi, như cơ sở pháp luật để các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy Việt Nam đã, đang và sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hiệu quả. Trong đó, Nhà nước cần tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn để kiều bào quay về sinh sống và đầu tư, góp phần phát triển quê hương.
Trong lịch trình các hoạt động 'Xuân Quê hương', bà Phan Bích Thiện cùng nhiều kiều bào lần đầu được gặp, đối thoại, gửi tâm tư nguyện vọng đến lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Theo nữ kiều bào: “Xu hướng bà con trở về quê hương làm ăn, sinh sống… ngày càng nhiều, chính vì thế nhu cầu mua nhà, kinh doanh rất lớn. Tuy nhiên, Luật Đất đai hiện nay còn một số hạn chế với kiều bào. Tôi mong muốn trong Luật Đất đai sắp tới sẽ xóa bỏ phạm vi hạn chế với người Việt Nam ở nước ngoài, để chúng tôi có đầy đủ quyền mua bán, thừa kế, nhận tặng quyền sử dụng đất và nhà ở”.
Một vấn đề nữa cũng được kiều bào quan tâm là cấp quốc tịch. Nhiều kiều bào có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam, theo bà Thiện, đây là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, lại gặp vướng mắc, bởi thế hệ người Việt thứ hai không có quốc tịch Việt Nam, do phải theo quốc tịch của bố hoặc mẹ. Trong khi Đảng, Nhà nước luôn kêu gọi sự đóng góp và “các cháu cũng muốn là một phần của Việt Nam, đây là điều chính đáng”.
Bà đề nghị sửa đổi Luật Quốc tịch theo hướng chỉ cần bố hoặc mẹ có quốc tịch Việt Nam thì đương nhiên con cái cũng sẽ có quốc tịch Việt Nam.
Còn theo ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt kiều châu Âu, kiều bào tại Ba Lan và nhiều kiều bào ở châu Âu đã trải qua 2-3 dịp Tết không được về quê hương. Trong bối cảnh chung của nền kinh tế, nhiều người gặp khó khăn nhưng chính thời điểm này mới nghiệm ra một điều, "tình người, tình quê hương, đoàn kết dân tộc mạnh mẽ thế nào".
Ông Huê nhấn mạnh: "Chúng ta đã vượt qua đại dịch bằng tình yêu thương chia ngọt sẻ bùi, hay trong những thời khắc nguy hiểm, khó khăn chúng ta đã giúp nhau; đồng bào lánh nạn từ Ukraine được kiều bào ở châu Âu yêu thương, đùm bọc".
Theo ông Huê, chính sự đoàn kết là cội nguồn sức mạnh dân tộc. "Chúng tôi cho đây là báu vật của tiền nhân, thế hệ đi trước truyền lại, chúng ta phải truyền lại cho các thế hệ con cháu truyền thống tốt đẹp này", ông Hoàng Mạnh Huê nói.
Ông Huê chia sẻ, về Việt Nam được hơn 1 tháng, có cơ hội gặp nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tuy còn khó khăn trong kinh doanh nhưng họ đã không bỏ cuộc, kiên cường, giữ vững niềm tin, tự thay đổi để chờ cơ hội bứt phá.
"Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu nhưng tiềm năng vẫn còn nhiều từ nông, lâm, thủy hải sản, những sản phẩm đặc trưng vùng miền. Tại sao chưa xuất khẩu được nhiều, mọi người nói về chất lượng, mẫu mã, marketing….Tôi cho rằng, sự liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp của ta ở châu Âu hay mở rộng là cộng đồng doanh nghiệp người Việt trên thế giới với doanh nghiệp trong nước còn chưa chặt chẽ", ông Huê nhận định.
Nhiều địa phương, doanh nghiệp không có điều kiện ra nước ngoài để quảng bá, doanh nghiệp của người Việt ở nước ngoài cũng ít có điều kiện về quê hương để tìm hiểu. Vì thế, dẫn đến câu chuyện người có hàng, người bán hàng và người sản xuất được chưa gặp được nhau.
Nhận thấy điều đó, Liên hiệp hội doanh nghiệp Việt kiều châu Âu đã có các chương trình kết nối mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt kiều châu Âu Hoàng Mạnh Huê đề nghị Bộ Công Thương, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài trợ giúp hơn nữa trong kết nối các doanh nghiệp.