Thời kỳ 'gạo giá rẻ' có quay lại?
Động thái nới lỏng hoàn toàn thương mại gạo của Ấn Độ lập tức khiến giá của loại lương thực chủ lực này trên thế giới, trong đó, có Việt Nam 'chao đảo'. Câu hỏi được đặt ra, đó là thời kỳ gạo giá rẻ liệu có quay lại và Việt Nam cần làm gì để gia tăng sức khỏe cho doanh nghiệp?
Sau khi cho phép xuất khẩu trở lại đối với gạo trắng (non- basmati), Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ tiếp tục bãi bỏ quy định giá xuất khẩu tối thiểu 490 đô la Mỹ/tấn (giá FOB). Sau động thái nới lỏng này, giá gạo thế giới lập tức giảm mạnh.
Khó thoát được gạo giá rẻ?
Thương mại gạo toàn cầu được chi phối bởi các quốc gia xuất khẩu hàng đầu, gồm Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Myanmar và Campuchia. Trong đó, Ấn Độ xuất khẩu gạo lớn nhất nên chính sách của quốc gia này có ảnh hưởng khá rõ nét đến thương mại toàn cầu.
Khi Ấn Độ áp dụng chính sách cấm xuất khẩu gạo trắng (non-basmati) vào tháng 7-2023, lập tức khiến giá lúa gạo thế giới liên tục tăng mạnh. Tuy nhiên, khi quốc gia này có chính sách mở cửa trở lại cũng là nguyên nhân khiến giá gạo thế giới lao dốc.
Diễn biến thực tế cho thấy, trước ngày 28-9-2024, tức trước thời điểm Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với gạo trắng, đồng thời quy định giá xuất khẩu tối thiểu là 490 đô la Mỹ/tấn, Thái Lan chào bán gạo 5% tấm ở mức 556-573 đô la Mỹ/tấn; Việt Nam là 562-582 đô la Mỹ/tấn; Pakistan 532-543 đô la Mỹ/tấn và Myanmar là 518-534 đô la Mỹ/tấn.
Tuy nhiên, đến ngày 30-9-2024, tức sau khi Ấn Độ mở cửa đúng hai ngày, gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán chỉ còn 540-544 đô la Mỹ/tấn, giảm 16-29 đô la Mỹ/tấn so với ngày 27-9-2024; Việt Nam 557-561 đô la Mỹ/tấn, giảm 5-21 đô la Mỹ/tấn; Pakistan là 517-521 đô la Mỹ/tấn, giảm 15-22 đô la Mỹ/tấn và Myanmar 509-513 đô la Mỹ/tấn, giảm 9-21 đô la Mỹ/tấn so với ngày 27-9-2024.
Thậm chí, giá gạo thế giới còn lao dốc mạnh hơn khi Ấn Độ dỡ bỏ quy định giá xuất khẩu tối thiểu 490 đô la Mỹ/tấn đối với gạo trắng, áp dụng từ ngày 23-10-2024.
Cụ thể, dữ liệu thống kê giá gạo thế giới từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, gạo 5% tấm của Thái Lan hiện được chào bán chỉ còn 486-490 đô la Mỹ/tấn; Việt Nam là 524-528 đô la Mỹ/tấn; Pakistan là 461-465 đô la Mỹ/tấn và Myanmar là 503-507 đô la Mỹ/tấn.
Thậm chí, ba doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam vừa giành được hợp đồng xuất khẩu 83.500 tấn gạo 5% tấm cho Indonesia với giá CNF (Cost And Freigh) chỉ 510 đô la Mỹ/tấn, tức thấp hơn cả giá đang chào bán.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV cho biết, sản phẩm cùng phân khúc Ấn Độ (gạo cấp thấp) có xu hướng giảm mạnh còn gạo thơm và chất lượng cao giảm không đáng kể. “Thời điểm này không ảnh hưởng nhiều vì Việt Nam đã hết gạo, nhưng vụ đông xuân 2024-2025 tới áp lực sẽ rất lớn”, ông đánh giá.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam chắc chắn sẽ bị tác động từ chính sách mới của Ấn Độ, nhưng khó quay lại thời kỳ gạo giá rẻ như trước thời điểm tháng 7-2023 (giá 470-480 đô la Mỹ/tấn). “Bây giờ giá vẫn trên 500 đô la Mỹ/tấn chứ không thể dưới 500 được”, ông lạc quan nói.
Ở góc nhìn kém lạc quan hơn, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (đề nghị không nêu tên) cho rằng, khả năng gạo Việt Nam sẽ quay lại mốc giá của năm 2022-2023 dưới sức ép gạo giá rẻ của Ấn Độ.
Tuy nhiên, với dòng sản phẩm thơm và chất lượng cao, loại sản phẩm chiếm khoảng 70% tổng lượng sản xuất của Việt Nam, khả năng giá lúa vẫn đạt mức khoảng 7.000 đồng/kg, mức giá tương đối thuận lợi cho người nông dân.
Cần tăng “sức khỏe” doanh nghiệp
Để hạn chế rủi ro từ chính sách mới của Ấn Độ, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cho rằng, cần có chính sách tín dụng theo hướng giúp đối tượng này gia tăng được khả năng chịu đựng.
Các doanh nghiệp gợi ý, Chính phủ cần có hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi, bởi lẽ, dòng vốn ưu đãi giúp doanh nghiệp có thời gian tạm trữ kéo dài hơn, tức không bị áp lực xả hàng vì vấn đề tài chính. Nhiều doanh nghiệp cho biết đang trong tình trạng không quá 7 ngày là phải xả hàng, nếu tạm trữ được khoảng 30 ngày sẽ có thời gian lựa chọn bán giá tốt hơn.
Ông Bình của Trung An đánh giá, nguồn vốn cho ngành hàng lúa gạo hiện không bên vững nên ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề bán hàng. “Doanh nghiệp phải đua nhau hạ giá xả hàng lấy tiền đáo hạn ngân hàng, thậm chí, có trường hợp biết lỗ vẫn bán”, ông cho biết.
Quy định cho vay ngắn hạn là một năm, nhưng với ngành hàng lúa gạo, ngân hàng cho vay chỉ 6 tháng, khiến doanh nghiệp bị áp lực rất lớn. Đây là đặc điểm tín dụng ngành lúa gạo Việt Nam, nhưng nhà nhập khẩu nắm điểm yếu này nên ép giá rất mạnh. Trước thực trạng này, ông Bình đề xuất, cần có cơ chế tín dụng để gia tăng sức mạnh cho ngành lúa gạo, nhất là trong bối cảnh chịu áp lực giảm giá từ chính sách mới của Ấn Độ.
Theo ông Thành của Phước Thành IV, việc ngân hàng thương mại phân bổ hạn mức tín dụng thấp, trong khi áp lực tiêu thụ lúa từ nông dân lớn, là yếu điểm của ngành lúa gạo Việt Nam. “Chính đặc điểm này khiến các nhà nhập khẩu gạo cũng có tâm lý đợi giá xuống thấp mới mua”, ông Thành cho biết.
Từ vấn đề ở trên, nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất, đối với vốn ngắn hạn, ngân hàng cần xem xét tài trợ đối với các hợp đồng mua bán thanh toán TT (Telegraphic Transfer) thay vì chỉ tài trợ cho những hợp thanh toán L/C (Letter of Credit) như hiện nay.
Một số cuộc đấu thầu bán gạo cho Indonesia, đã có trường hợp doanh nghiệp khó khăn tài chính chấp nhận bán gạo giá thấp để có L/C, tức được ngân hàng tài trợ vốn. Các doanh nghiệp cho rằng, đây cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam phải đưa giá thầu thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Pakistan.
Ngoài việc xem xét tài trợ vốn cho hình thức thanh toán TT, một số doanh nghiệp kiến nghị, ngân hàng xem xét cho vay đối với “hàng tồn kho luân chuyển” thay vì là “hàng tồn kho” như hiện nay. Bởi lẽ, “hàng tồn kho” chỉ là hàng nằm ở trong kho, trong khi “hàng tồn kho luân chuyển”, bao gồm lúa từ vùng trồng đem về phơi sấy, xay xát, lau bóng, đưa hàng ra cảng. Tháo gỡ được cái này sẽ giúp thay đổi rất nhiều cho doanh nghiệp trong thực tế hiện nay.
Rõ ràng, trong bối cảnh tình hình thế giới có những chuyển biến “không thuận lợi” trong chính sách thương mại gạo, cần có cơ chế thoáng hơn để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn nhiều hơn, tránh áp lực phải “xả hàng” với giá rẻ...
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thoi-ky-gao-gia-re-co-quay-lai/