Thời kỳ hậu Jack Ma, Alibaba xoay sở tìm hướng đi

Jack Ma sẽ rời ghế chủ tịch Alibaba để tập trung vào hoạt động từ thiện và giáo dục. Giữa lúc Alibaba đang tìm các động lực tăng trưởng mới, sự vắng mặt của Jack Ma với vai trò 'thuyền trưởng' có thể gây lo ngại cho giới đầu tư.

Jack Ma sẽ rời ghế chủ tịch Alibaba vào tháng 9 tới để tập trung vào hoạt động từ thiện và giáo dục. Ảnh: Getty

Trong chuyến đi kéo dài hai tháng đến châu Phi hồi năm ngoái, Jack Ma, người đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Alibaba nhận ra rằng đã đến lúc ông phải rút lui khỏi vị trí điều hành cao nhất của Alibaba.

Trong thời gian ông vắng mặt ở Trung Quốc để sang châu Phi gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia ở khu vực này và quảng bá quỹ 10 triệu đô la hỗ trợ các doanh nhân trẻ châu Phi, Alibaba vẫn vận hành suôn sẻ.

"Trong hơn 60 ngày, tôi không nhận được bất kỳ cuộc gọi nào từ công ty. Tôi biết họ (các lãnh đạo dưới quyền của Jack Ma) đã sẵn sàng cho sự rút lui của tôi”, Jack Ma kể lại tại một cuộc gặp mặt nhà đầu tư vào mùa thu năm ngoái.

Jack Ma, một cựu giáo viên tiếng Anh, người đã xây dựng Alibaba trở thành một ông lớn công nghệ có vốn hóa thị trường 453 tỉ đô la Mỹ đang chuẩn bị cuộc chuyển giao chức vụ chủ tịch công ty vào tháng 9 tới.

Dù kế hoạch này đã được chuẩn bị cẩn thận, vẫn còn nhiều lo ngại về tương lai của Alibaba khi thiếu vắng bóng dáng của người sáng lập có sức lôi cuốn ở vị trí "thuyền trưởng".

Kể từ khi Ma từ chức Giám đốc điều hành Alibaba hồi năm 2013, ông đã dần thoát khỏi các hoạt động hàng ngày của Alibaba. Điều này không cản trở sự phát triển của công ty. Alibaba đã trở thành một tập đoàn đa quốc gia kinh doanh nhiều lĩnh vực gồm bán lẻ, dịch vụ tài chính, truyền thông và điện toán đám mây.

Trong năm năm qua, doanh thu của Alibaba tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 49%. Phần lớn sự mở rộng kinh doanh gần đây đã được giám sát bởi Giám đốc điều hành Daniel Zhang, một lãnh đạo kỳ cựu với 12 năm làm việc ở Alibaba, người đã phát động sự kiện mua sắm giảm giá Ngày độc thân (11-11) hàng năm và biến nó thành lễ hội mua sắm lớn nhất thế giới, vượt qua sự kiện mua sắm Lễ Tạ ơn.

Giờ đây, Alibaba thực sự là một tập đoàn khổng lồ. Người dân Trung Quốc có thể mua sắm, xin vay từ đơn vị tài chính của công ty, thanh toán hàng hóa bằng ví điện tử và được giao hàng thông qua lưới kho vận của Alibaba. Alibaba cũng sở hữu chuỗi siêu thị thực phẩm tươi có tên gọi Freshippo và đang vận hành một ứng dụng đặt mua và giao đồ ăn trực tuyến... Tất cả dịch vụ này đều được xử lý bởi công ty điện thoại đám mây AliCloud của Alibaba.

Daniel Zhang, người ít được biết đến bên ngoài công ty, sẽ ngồi vào ghế chủ tịch của Jack Ma vào tháng 9 tới giữa lúc công ty đối mặt với nhiều thách thức.

Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Alibaba, đang trải qua giai đoạn giảm tốc tăng trưởng kinh tế tồi tệ nhất trong gần 30 năm, làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng. Giới lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh cũng đang siết chặt hơn các công ty tư nhân trong nước, đặc biệt là các công ty công nghệ.

Alibaba đang tìm kiếm động lực tăng trưởng trong tương lai tại các thị trường nước ngoài vào thời điểm Washington và Bắc Kinh đang mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ ngày càng khốc liệt. Các vấn đề này đã đặt ra những hoài nghi về khả năng Alibaba duy trì thành tích tăng trưởng ấn tượng ở thời kỳ hậu Jack Ma.

Trong khi công ty đang đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo, tăng trưởng giảm tốc của Trung Quốc làm bộc lộ rủi ro của Alibaba vì quá phụ thuộc vào mảng kinh doanh thương mại điện tử. Alibaba chịu áp lực ngày càng gia tăng về việc phải tìm kiếm động lực tăng trưởng mới ngoài mảng bán lẻ.

"Đó là vấn đề lớn nhất. Alibaba chưa tìm thấy mảng kinh doanh nào tốt hơn bán lẻ trực tuyến", Ming Lu, nhà phân tích tại mạng lưới tài chính Smartkarma ở Thượng Hải, nhận định.

 Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang (giữa) sẽ lên nắm quyền điều hành cao nhất của Alibaba giữa lúc tập đoàn này đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Getty

Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang (giữa) sẽ lên nắm quyền điều hành cao nhất của Alibaba giữa lúc tập đoàn này đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Getty

Một mối lo khác là môi trường quản lý ngày càng khó đoán ở Trung Quốc. Vào tháng 11, Zhou Xuedong, Chánh văn phòng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nói rằng một số công ty tài chính của Trung Quốc phát triển bùng nổ thông qua việc mở rộng quá mức, do vậy, đòi hỏi phải có phản ứng quản lý khẩn cấp.

Kể từ đó, các nhà quản lý Trung Quốc đã đưa Ant Financial, công ty công nghệ tài chính đang phát triển nhanh chóng của Alibaba và bốn công ty khác vào chương trình giám sát thử nghiệm được thiết kế để giảm các rủi ro nợ.

Joseph Fan, Giáo sư ngành kinh doanh tại Đại học Trung văn Hương Cảng (Hong Kong), nói: "Chắc chắn, nhờ sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc, Alibaba mới có thể phát triển thành một đế chế kinh doanh khổng lồ như vậy. Tương lai của Alibaba chắc chắn không phụ thuộc vào Jack Ma hay những người kế nhiệm ông, thay vào đó, dựa vào việc liệu chính phủ Trung Quốc có tiếp tục hỗ trợ các hoạt động kinh doanh của Alibaba như trước đây hay không và liệu các quy định quản lý có tiếp tục tạo thuận lợi cho Alibaba hay không”.

Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang vẫn đang tìm kiếm các lĩnh vực tăng trưởng mới. Ông tập trung vào việc số hóa các siêu thị truyền thống của Trung Quốc và mở rộng mảng kinh doanh điện toán đám mây, nơi lưu trữ một lượng lớn dữ liệu cho các công ty khác.

Các dịch vụ đám mây của AliCloud trở thành cỗ máy tạo doanh thu lớn thứ hai của Alibaba. Doanh thu ở mảng này tăng 20 lần trong bốn năm qua lên mức 21,34 tỉ nhân dân tệ vào năm ngoái. Dù con số này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu của Alibaba nhưng Zhang nói rằng điện toán đám mây có thể phát triển vượt xa cả mảng thương mại điện tử trong tương lai.

Daniel Law, nhà phân tích ở công ty Guotai Junan International, lưu ý Alibaba đang “đốt tiền” để nuôi dưỡng cỗ máy tăng trưởng tiếp theo. Năm ngoái, công ty cho biết đã chi 3 tỉ nhân dân tệ trong ba tháng để trợ giá dịch vụ cho đơn vị giao đồ ăn trực tuyến Ele.me nhằm cạnh tranh với đối thủ Meituan Dianping được tập đoàn Tencent hậu thuẫn.

Trong khi đó, mảng kinh doanh điện toán đám mây của Alibaba, dù có mức doanh thu tăng trưởng nhanh chóng, vẫn lỗ hơn 5,5 tỉ nhân dân tệ.

"Làm thế nào để kiếm tiền từ các mảng kinh doanh mới như vậy hoặc làm thế nào để đạt được sự cân bằng giữa chi tiêu và tăng trưởng có thể là một trong những câu hỏi mà Alibaba phải giải quyết trong tương lai", Law nói.

Theo Nikkei Asian Review

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288835/thoi-ky-hau-jack-ma-alibaba-xoay-so-tim-huong-di-.html