Thời kỳ 'trăng mật' của quan hệ Nhật - Hàn - Mỹ

Hôm nay (18/08), Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đến Mỹ. Dự kiến hai nhà lãnh đạo và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đồng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh 'lịch sử' vào rạng sáng ngày 19/8 tại Trại David.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden chào đón các nhà lãnh đạo nước ngoài đến Trại David kể từ khi ông nhậm chức, đồng thời cũng là cuộc gặp ba bên trực tiếp giữa nguyên thủ ba nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc mà không phải bên lề một sự kiện nào đó. Hội nghị này được đánh giá là sẽ “mở ra trang sử mới” trong quan hệ hợp tác giữa 3 nước.

Tổng thống Biden, Thủ tướng Kishida và Tổng thống Yoon tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản vào tháng 5/2023. Ảnh: AFP

Tổng thống Biden, Thủ tướng Kishida và Tổng thống Yoon tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản vào tháng 5/2023. Ảnh: AFP

Thời kỳ “Trăng mật” của quan hệ Nhật-Hàn-Mỹ

Nội dung của Hội nghị được cho là sẽ đề cập tới nhiều vấn đề quan trọng của quốc tế như việc phát triển hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên, hoạt động mở rộng về phía biển của Trung Quốc, hợp tác an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, xung đột Nga-Ukraine... Đối với vấn đề hợp tác 3 bên, lãnh đạo 3 nước sẽ trao đổi ý kiến về xúc tiến huấn luyện, tập trận trung do quân đội 3 nước thực hiện, thiết lập đường dây nóng nhằm cung cấp, trao đổi lẫn nhau về thông tin cơ mật, hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng cường hợp tác kinh tế…

Một quan chức của Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, ít nhất sẽ có 2 văn bản quan trọng được công bố sau cuộc hội đàm giữa 3 nhà lãnh đạo. Đó là “Nguyên tắc Trại David” với phương châm tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực vì hòa bình và ổn định của thế giới và Tuyên bố chung “Tinh thần Trại David” trong đó nhấn mạnh việc thiết lập cơ chế thảo luận chung giữa 3 nước và tập trận chung do quân đội 3 nước đảm nhiệm.

Điều này chứng tỏ Mỹ đang rất xem trọng việc tăng cường thực chất mối quan hệ với các nước đồng minh. Trước đó, Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xem Nhật Bản và Hàn Quốc là “những đồng minh cốt lõi” của Mỹ, không chỉ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn “trên toàn thế giới”.

Tại Nhật Bản, ngoài những nội dung được quan tâm như đối phó của 3 nước trong việc Triều Tiên phát triển hạt nhân, tên lửa, hoạt động mở rộng về phía Biển của Trung Quốc, hợp tác an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, xung đột Nga-Ukraine... sẽ được thảo luận như thế nào tại Hội nghị thì việc hợp tác an ninh nhằm đảm bảo an ninh trong nội bộ Nhật Bản và việc tăng cường hợp tác kinh tế với từng nước trong bối cảnh hiện tại được tập trung quan tâm hơn cả.

Bởi vì những vấn đề này có liên quan tới lợi ích thực tế của Nhật Bản. Nhật Bản cũng nhân cơ hội này giải thích thêm và củng cố sự tin tưởng của Mỹ và Hàn Quốc trong Kế hoạch xả thải nước nhiễm xạ đã qua xử lý ra Biển của nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima. Đây là nhiệm vụ đặc biệt của ông Kishida Fumio trong năm nay. Đây cũng là phần ghi điểm đối với uy tín của ông Kishida Fumio khi chỉ còn một thời gian nữa là ông chạy đua cho chức Thủ tướng ở nhiệm kỳ mới.

Đặc biệt, với vai trò thúc đẩy của Mỹ, kể từ khi chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol lên nắm quyền, việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản đã có nhiều dấu hiệu tích cực. Quan hệ Nhật-Hàn đã có những biến chuyển lớn, thời kỳ được cho là “đen tối” đã không còn, hiện đang mở ra thời kỳ phát triển mới cho quan hệ hai nước.

Tuy vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về sự tiến triển của quan hệ Nhật-Hàn, song những cuộc gặp liên tiếp gần đây của lãnh đạo hai nước phần nào cho thấy sự quyết tâm của lãnh đạo hai nước muốn xây dựng mối quan hệ tin tưởng, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều nhận thấy rằng chính sách ngoại giao của hai nước đang có những bước đi đúng hướng, đưa ra những biện pháp giải quyết cụ thể những khúc mắc hai bên trong vấn đề phụ nữ mua vui, hay bồi thường cho lao động thời chiến…

Với những chuyển biến như vậy, dư luận nói chung của cả Nhật Bản và Hàn Quốc đang có những phản ứng tích cực, ủng hộ Hội nghị 3 bên trực tiếp đầu tiên này, hy vọng sự hợp tác mới sẽ được mở ra. Truyền thông Nhật Bản coi Hội nghị Thượng đỉnh 3 bên lần này được tổ chức tại Trại David thể hiện thời kỳ “trăng mật” của quan hê 3 nước.

Trại David. Ảnh: NHK

Trại David. Ảnh: NHK

Cân bằng lợi ích từ những “điểm nóng quốc tế”

Có lẽ vấn đề hạt nhân của Triều Tiên không chỉ là nội dung chính của hội nghị lần này mà nó vẫn là chủ đề rất nóng kể cả trước đó và sau này trong các hội nghị khác của 3 nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trước thềm Hội nghị đã nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận Triều Tiên là quốc gia sở hữu hạt nhân trong bất cứ trường hợp nào. Thủ tướng Kishida Fumio và Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đồng quan điểm và mạnh mẽ tuyên bố sẽ không cho phép Triều Tiên đe dọa tới an ninh quốc gia và khu vực.

Bên cạnh đó, 3 nước cũng đã nhiều lần tuyên bố về việc sẽ thảo luận kỹ về răn đe mở rộng Hàn-Mỹ-Nhật trong đó chủ yếu Mỹ cung cấp các yếu tố quân sự như tàu ngầm hạt nhân khi đồng minh bị đe đọa hạt nhân. Hiện tại, cơ chế răn đe mở rộng được duy trì ở cấp độ song phương là Hàn-Mỹ, Mỹ-Nhật.

Tuy nhiên, răn đe mở rộng Hàn-Mỹ-Nhật sẽ có góc độ khác khi người ta liên tưởng tới hoạt động chuẩn bị của 3 nước đối với đe dọa khác ngoài Triều Tiên như Trung Quốc. Đây cũng có thể coi là một cơ chế an ninh nhằm vào Trung Quốc.

Vừa qua Thỏa thuận tiếp cận đối ứng Nhật–Australia đã có hiệu lực, nghĩa là Nhật Bản đã phần nào yên tâm về khả năng ứng đối với đe dọa từ bên ngoài. Riêng Hàn Quốc, lập trường tăng cường quan hệ với Trung Quốc trên nhiều mặt đang được xúc tiến mạnh mẽ, do đó theo tôi, hợp tác an ninh giữa 3 nước sẽ “rất chừng mực”, tránh làm khó Hàn Quốc trong bối cảnh đang tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Tại Hàn Quốc có ý kiến cho rằng Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đang thiết lập một cơ chế tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại khu vực Đông Á thông qua việc tăng cường hợp tác an ninh kinh tế.

Như vậy, có thể nói, hợp tác an ninh 3 nước có lợi ích cho cả 3 bên chứ không riêng gì đối với nước nào. Tuy nhiên, khi “động chạm” tới quốc tế hay một quốc gia nào mà không có sự thống nhất thì sẽ phản lợi ích.

Bùi Hùng/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thoi-ky-trang-mat-cua-quan-he-nhat-han-my-post1040086.vov