'Thỏi nam châm' hút vốn

Từ những tuyến đường cao tốc được đầu tư lớn, hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế hiện đại, hệ thống kho bãi container quy mô, tới sự quyết liệt trong công tác cải cách hành chính… đang mở ra thời cơ mới, đưa ngành dịch vụ logistics Quảng Ninh phát triển.

Sôi động đầu tư

Đón chúng tôi tại Cảng cạn ICD Móng Cái (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), ông Lương Xuân Đào - Phó giám đốc Công ty CP Thành Đạt - cũng là chủ đầu tư nơi đây - cho biết, chức năng của cảng là trung tâm trung chuyển hàng hóa lưu thông, kinh doanh kho bãi xuất nhập khẩu (XNK), xếp dỡ hàng hóa. Khu vực cảng cạn có diện tích 40 ha, với tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng. Trong đó, hệ thống kho lạnh 10.000 m2 chứa được 350 container đông lạnh; 7.000 m2 kho chứa được 400 container hàng khô; 80.000 m2 bãi đỗ xe chứa được khoảng 600 xe container; có âu thuyền để xếp, dỡ hàng hóa với công suất tối đa 300 container/ngày để đi khu biên mậu…

Logistics Quảng Ninh có sức bật trong thời gian tới

Logistics Quảng Ninh có sức bật trong thời gian tới

Ngược về TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), chúng tôi có mặt tại Cảng Cái Lân - một trong những cảng biển lớn, có nhiều lợi thế nhất của tỉnh Quảng Ninh, ông Ngô Tùng Dương - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng Cái Lân - cho biết: Cảng Cái Lân có hai công ty hoạt động kinh doanh cảng là Công ty TNHH cảng container Quốc tế Cái Lân (CICT) và Công ty CP cảng Quảng Ninh. Trong đó, CICT trong quá trình hoạt động đã tích cực nghiên cứu, đầu tư máy móc, trang thiết bị, cải tiến quy trình, nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hóa. Toàn bộ hoạt động của cảng được quản lý trên phần mềm và được giám sát chặt qua hệ thống camera với 105 mắt quan sát. CICT đã đầu tư nhà kho chứa hàng rời rộng 8.000m2 trong phạm vi cảng để kịp thời đáp ứng nhu cầu lưu kho, lưu bãi của khách hàng. Hiện tại, công ty có lợi thế do có khả năng đón nhận tàu container lên đến 6.000 TEU, tàu hàng rời lên đến 85.000 DWT giảm tải.

Xác định hạ tầng là yếu tố then chốt phát triển logistics, Quảng Ninh đã tập trung đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng. Ngoài nguồn lực của nhà nước, địa phương đã và đang mở rộng sự tham gia của toàn xã hội, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án giao thông, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), và các dự án hạ tầng kỹ thuật.

Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh, hạ tầng giao thông trên địa bàn được đầu tư mạnh mẽ với 85km đường cao tốc; hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai; cải tạo, nâng cấp 130 km quốc lộ, làm mới 65,7 km đường tỉnh; cải tạo, duy tu 743 km đường huyện cùng các tuyến đường ra biên giới, đường vào các KCN, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), đóng góp vào nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng để phát triển lĩnh vực logistics trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, hoàn thành và đưa vào khai thác đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 25 km nối TP. Hạ Long với TP. Hải Phòng với tổng mức đầu tư 6.416 tỷ đồng; hoàn thành và đưa vào khai thác đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài 60 km nối TP. Hạ Long với Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn với tổng mức đầu tư 11.200 tỷ đồng; hoàn thành và đưa vào khai thác cảng hàng không quốc tế Vân Đồn quy mô cấp 4E, đường cất hạ cánh dài 3,6 km cho phép đón các máy bay hiện đại nhất hiện nay, dự án có tổng mức đầu tư 7.485 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đã lựa chọn nhà đầu tư và chuẩn bị đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, quy mô xây dựng 80 km đường cao tốc với tổng mức đầu tư 11.195 tỷ đồng. Không những vậy, việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối KCN, KKT, cảng biển phục vụ phát triển logistics, thông quan hàng hóa và XNK cũng được chú trọng. Hiện nay, hệ thống đường giao thông kết nối với khu bến, bến cảng biển trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hình thành.

Logistics sẽ “lột xác”

Một trong những giải pháp trọng tâm để phát triển dịch vụ logistics mà Quảng Ninh đã thực hiện là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa các thủ tục, đồng thời công khai, minh bạch các TTHC, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Trong đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành có liên quan triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN, triển khai thực hiện thủ tục và quản lý hải quan tập trung tại cửa khẩu, thủ tục hải quan điện tử, nhằm hỗ trợ người khai hải quan thực hiện khai báo mọi lúc, mọi nơi.

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, chỉ trong 2 năm 2017-2018 tổng vốn đầu tư xã hội vào lĩnh vực logistics đạt 128,2 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án có mục tiêu liên quan đến đầu tư hạ tầng logistics và hoạt động logistics (đầu tư xây dựng sân, kho, bãi, cảng) như: Tập đoàn Rent A Port (Bỉ) và Công ty Cảng Arov (Nga), Công ty TNHH C&N Vina (Hàn Quốc)...

Đánh giá về tiềm năng phát triển dịch vụ logistics tại Quảng Ninh, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) - cho rằng, Quảng Ninh có vị trí đặc biệt, vừa có biển, đảo, đồng bằng, đồi núi, biên giới. Quảng Ninh cũng hội tụ được nhiều lợi thế tự nhiên về mặt du lịch, đó là có vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên của thế giới, hay tài nguyên thiên nhiên là than. Theo đó, lợi thế về logistics Quảng Ninh rất rõ, vì gắn với biên giới, cảng biển và hiện nay còn có cảng hàng không mới được xây dựng ở Vân Đồn.

Quảng Ninh còn nằm trong “tam giác vàng”: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - cực tăng trưởng năng động của cả nước. Quảng Ninh còn có tuyến đường cao tốc kéo dài đến Vân Đồn, hiện đang tiếp tục kết nối với Móng Cái. Đây là tiền đề giúp logistics Quảng Ninh có sức bật trong thời gian tới.

Sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và doanh nghiệp là cơ sở để tỉnh Quảng Ninh đạt mục tiêu: Đến năm 2020, tỷ trọng đóng góp của ngành logistics đạt từ 16-18% vào ngành dịch vụ, đạt 6,9-7,0% GRDP của tỉnh, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 18-20% vào ngành dịch vụ của tỉnh, đạt từ 8,0-10% GRDP của tỉnh.

Quỳnh Nga - Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thoi-nam-cham-hut-von-130941.html