Thói quen âm thầm 'tàn phá' hộp số, có người chạy xe cả đời không biết
Thói quen tàn phá hộp số ô tô khiến thiết bị xuống cấp nhanh chóng nhiều người lái xe cả đời cũng không hay biết.
Hộp số ô tô có thể bị xuống cấp nhanh chóng chỉ vì những thói quen lái xe sai cách mà nhiều người không ngờ tới. Nếu không sớm thay đổi, chi phí sửa chữa có thể trở thành gánh nặng lớn cho chủ xe.
Lười thay dầu hộp số
Quan niệm sai lầm vẫn tồn tại ở nhiều tài xế là dầu hộp số có thể dùng “trọn đời” mà không cần thay. Thực tế, hầu hết các hãng xe đều khuyến cáo người dùng nên thay dầu sau mỗi 60.000 – 100.000 km, tùy thuộc vào dòng xe và điều kiện sử dụng. Thế nhưng, rất nhiều người lại phớt lờ khuyến cáo này.

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Dầu hộp số đóng vai trò quan trọng trong việc bôi trơn, làm mát và duy trì áp suất thủy lực để hệ thống hoạt động trơn tru. Nếu không thay định kỳ, dầu sẽ bị giảm chất lượng, mất khả năng bảo vệ khiến các bánh răng và bộ ly hợp bên trong bị mài mòn nhanh chóng. Hậu quả là hộp số hoạt động kém ổn định, dễ rung giật, phát ra tiếng ồn và có nguy cơ hư hỏng nặng, dẫn đến việc phải đại tu hoặc thay mới tiêu tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Do đó, việc thay dầu đúng định kỳ không chỉ giúp hộp số vận hành mượt mà mà còn góp phần kéo dài tuổi thọ của toàn bộ hệ thống truyền động.
Vào số ngay sau khi khởi động xe
Nhiều tài xế có thói quen vừa đề máy là lập tức vào số và di chuyển. Tuy nhiên, điều này lại vô tình gây hại cho động cơ và hộp số.
Sau một thời gian dài không hoạt động, động cơ cần được làm nóng để dầu nhớt kịp thời bôi trơn các chi tiết bên trong. Việc vận hành xe ngay khi máy còn “nguội” dễ khiến động cơ phải gồng gánh ở vòng tua cao trong trạng thái chưa ổn định, từ đó làm tăng tốc độ hao mòn.
Theo khuyến cáo từ giới chuyên môn, nên để máy nổ không tải khoảng 30 giây đến 1 phút trước khi bắt đầu di chuyển.
Quên kéo phanh tay khi dừng xe
Với xe số tự động, không ít người cho rằng chỉ cần chuyển về chế độ P là đủ để giữ xe đứng yên. Tuy nhiên, kể cả khi đỗ xe trên mặt đường phẳng, việc sử dụng phanh tay vẫn rất cần thiết để tránh tạo áp lực không cần thiết lên hộp số.
Trình tự đúng khi dừng xe nên là: đạp phanh chân để xe dừng hẳn, kéo phanh tay, sau đó mới chuyển cần số từ D về P và tắt máy. Làm đúng thao tác không chỉ giúp tăng độ an toàn mà còn kéo dài tuổi thọ cho hộp số.
Đặt tay lên cần số khi đang lái
Nhiều tài xế có thói quen tỳ tay lên cần số vì nghĩ rằng sẽ thuận tiện hơn khi cần sang số. Thế nhưng, chính thói quen này lại có thể khiến các chi tiết trong hộp số, dù là sàn hay tự động, bị mài mòn nhanh hơn bình thường.
Để khắc phục, hãy giữ cả hai tay trên vô lăng trong suốt quá trình lái. Cách này không chỉ bảo vệ hộp số mà còn giúp phản xạ nhanh hơn khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Chuyển số khi xe chưa dừng hẳn
Một trong những thói quen nguy hại mà nhiều tài xế mắc phải là chuyển từ số lùi (R) sang số tiến (D) hoặc ngược lại trong khi xe vẫn còn đang di chuyển. Việc làm này khiến hệ truyền động bị ép hoạt động trái nguyên lý, tạo áp lực lớn lên các bánh răng và làm giảm tuổi thọ của hộp số.
Với xe số tự động, nguyên tắc an toàn là chỉ chuyển số khi xe đã dừng hoàn toàn. Đặc biệt, khi chuyển về số P, xe phải đứng yên tuyệt đối để tránh làm hư hỏng cơ cấu khóa số bên trong.

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Dùng nước lọc thay nước làm mát
Nước làm mát không đơn giản chỉ là nước mà là hỗn hợp có tính năng chuyên biệt giúp tản nhiệt hiệu quả và bảo vệ động cơ khỏi tình trạng quá nhiệt. Việc sử dụng nước lọc hoặc nước lã thay thế có thể khiến hệ thống làm mát đóng cặn, ăn mòn linh kiện, thậm chí gây hư hỏng nghiêm trọng như thổi gioăng mặt máy. Tiết kiệm nhỏ nhưng có thể kéo theo chi phí sửa chữa lớn nếu hệ thống làm mát bị tổn hại.
Bỏ qua đèn báo lỗi hộp số
Khi đèn cảnh báo hộp số (biểu tượng bánh răng kèm dấu chấm than) sáng lên, đó không phải là tín hiệu “lỗi vặt”. Đây là lời cảnh báo sớm cho thấy hộp số đang gặp vấn đề hoặc đang phải làm việc trong điều kiện không ổn định.
Bỏ qua cảnh báo này có thể khiến tình trạng hư hại âm thầm phát triển và dẫn đến những sự cố nghiêm trọng, thậm chí khiến xe không thể vận hành. Việc kiểm tra và xử lý kịp thời sẽ giúp chủ xe tiết kiệm đáng kể chi phí sửa chữa về sau.