Xe điện mini Trung Quốc giá rẻ tại thị trường Việt: 'Thảm đỏ' không cho tất cả
Tại thị trường Việt, trong bối cảnh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang có những chính sách mạnh mẽ hướng tới hạn chế xe xăng, đặc biệt là xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch, những loại xe điện mini giá rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên, thị trường Việt vốn rất nhạy cảm với xe Trung Quốc nên dù tiềm năng nhưng không dễ dàng cho những cái tên mới.
Cơ hội
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20, theo đó với thành phố Hà Nội từ 1/7/2026, không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Trong khi đó, TP.HCM cũng công bố kế hoạch chuyển đổi xanh từ xe xăng sang xe điện, bắt đầu với xe buýt và shipper, tài xế công nghệ.
Trước những chính sách mới sắp có hiệu lực, thói quen sử dụng các phương tiện di chuyển của người dân cũng sẽ có nhiều thay đổi. Đặc biệt ở nhóm người sử dụng các phương tiện xe hai bánh, khi bị hạn chế sử dụng xe xăng và tài chính không quá dư dả thì việc lựa chọn một loại hình phương tiện mới như xe điện mini để di chuyển trong một quãng đường ngắn sẽ là một giải pháp có thể cân nhắc.
Đón đầu xu hướng này và tranh thủ các chính sách ưu đãi của chính phủ với xe điện như ưu đãi đến 28/2/2027 mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô điện sẽ bằng 0%, các hãng xe điện Trung Quốc đã tạo ra một làn sóng mạnh mẽ tràn vào Việt Nam thời gian qua. Đặc biệt là sự xuất hiện của nhóm xe điện mini giá rẻ.
Trên thực tế, các mẫu xe điện mini có thiết kế khá bắt mắt, nhiều màu sắc, trẻ trung, có khả năng thu hút giới trẻ, phụ nữ. Đặc biệt, xe điện mini có trục cơ sở ngắn rất phù hợp với điều kiện đường xá trong các khu vực đô thị chật chội, di chuyển cự ly ngắn, không cần tốc độ cao và người dùng cần một chiếc xe tránh mưa tránh nắng đơn thuần. Xe điện mini cũng có thể đáp ứng được các nhu cầu của nhiều đối tượng như phụ nữ, người trẻ tuổi, người cao tuổi để đi chợ, đi làm gần, đưa con đi học.
So với các phân khúc khác, xe điện mini là một phân khúc mới mẻ với thị trường Việt. Trong bối cảnh chuyển đổi xanh mạnh mẽ tại Việt Nam đang diễn ra, với giá thành không quá cao, chỉ nhỉnh hơn một chiếc xe tay ga cao cấp (từ 150 – 300 triệu đồng), xe điện mini là một phân khúc còn nhiều dư địa để khai phá.

Hình ảnh mẫu xe điện siêu nhỏ Nano S05.
Thời gian qua, các mẫu xe mini từ Trung Quốc mới xuất hiện tại thị trường Việt như Bestune Xiaoma có thiết kế 2 cửa nhưng vẫn có cấu hình 4 chỗ ngồi có giá bán 199 triệu đồng, hay Wuling Mini EV được biết đến là mẫu ô tô điện mini đầu tiên ra mắt Việt Nam (2023), hiện chỉ còn được phân phối với hai phiên bản nâng cao có dung lượng pin 9,6kWh hoặc 13,9kWh, với giá bán từ 197-231 triệu đồng, cũng nằm trong gia đình nhà TMT Motors còn có Nano S05 thậm chí dự kiến có giá chỉ khoảng 150 triệu đồng, mức giá này có thể cạnh tranh trực tiếp với một số mẫu xe tay ga như Honda SH, Vario.
Có thể thấy, mức giá của các mẫu ô tô Trung Quốc được hướng tới khá thấp, dễ tiếp cận đối với người tiêu dùng phổ thông tại Việt Nam là nhóm vốn chưa từng sở hữu ô tô.
Bên cạnh đó, với thị trường nhiều tiềm năng như Việt Nam hiện tại, các hãng Trung Quốc còn có cơ hội có thể được hưởng lợi nếu đầu tư nội địa hóa sản xuất và tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Những yếu tố đó còn có thể giúp tiếp tục hạ giá thành của các loại xe điện mini.
Rào cản
Mặc dù có giá bán được cho là “hợp ví” với nhiều nhóm đối tượng nhưng vấn đề lớn nhất với những người dùng xe điện đó là trạm sạc.
Với đặc thù là các mẫu xe sử dụng trong các khu vực đô thị, đường xá chật chội, dù các mẫu xe điện mini từ Trung Quốc rất nhỏ gọn nhưng không phải ai cũng có thể sạc từ nguồn điện dân dụng. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có mật độ dân cư rất đông đúc và đối tượng người tiêu dùng ở chung cư, nhà trọ thì đó là bài toán lớn.

Xiaoma, một mẫu xe điện mini mới được ra mắt thị trường Việt nhưng làm thế nào để những mẫu xe như thế này chinh phục được thị trường thì vẫn còn nhiều dấu hỏi lớn.
So với hãng xe điện nội địa VinFast với hạ tầng trạm sạc rộng khắp thì các mẫu xe điện mini từ Trung Quốc sẽ không dễ giải bài toán này. Câu chuyện trạm sạc ở đâu gần đây đã được đơn vị phân phối như TMT Motors giải quyết bằng việc phối kết hợp với các đơn vị thứ 3 để phát triển hệ thống trạm sạc công cộng nhưng độ phủ chưa lớn và chi phí cũng không hề rẻ.
TMT Motors thậm chí cũng đã lên kế hoạch xây dựng 30.000 trạm sạc khắp Việt Nam, nhưng đó là câu chuyện của tương lai khi doanh nghiệp này vẫn đang phải đi tìm các đối tác.
Bên cạnh vấn đề sạc cho xe điện mini, một vấn đề cố hữu mà các hãng xe Trung Quốc vẫn phải tính đến đầu tiên khi vào thị trường Việt đó là bài toán “lòng tin”. Người tiêu dùng Việt Nam đến nay vẫn còn định kiến rất lớn với các loại xe Trung Quốc, đặc biệt là với những loại xe điện mini thì lại càng có rất nhiều câu hỏi đặt ra như độ bền, linh kiện thay thế, độ an toàn khi va chạm… khi chỉ là những sản phẩm giá rẻ.
Dịch vụ hậu mãi cũng là vấn đề vẫn còn nhiều thứ để bàn khi các hãng xe Trung Quốc đến nay vẫn đang phải xây dựng chuỗi hệ thống đại lý, bảo dưỡng, phụ tùng…
Với định hướng chuyển đổi xanh mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam, xe điện mini Trung Quốc giá rẻ có rất nhiều cơ hội để chinh phục thị trường Việt. Tuy nhiên, cũng như ở các phân khúc khác, để thành công với doanh số tốt, các hãng xe Trung Quốc cần có sự đầu tư nghiêm túc về các dịch vụ hậu mãi đi kèm để tạo lòng tin với người tiêu dùng Việt. Đặc biệt là bài toán nội địa hóa sản xuất, không chỉ coi Việt Nam là thị trường tiêu dùng thông thường, đến chỉ để bán xe, tạo ra những “cơn sốt” nhất thời thì sẽ sớm bị thị trường đào thải.