'Thói quen' bất tuân luật pháp qua vụ đập ô tô, bắt tài xế quỳ xin lỗi
Chỉ khi người vi phạm giao thông phải chịu phạt, kẻ mạt sát cũng bị xử lý nghiêm minh thì lúc ấy mới giảm đi những vụ ẩu đả sau va chạm trên đường.
Những vụ ẩu đả, hành hung xuất phát từ va chạm giao thông gần đây cho thấy, người liên quan thuộc nhiều lứa tuổi từ thanh thiếu niên tới trung niên. Họ sẵn sàng lớn tiếng, cãi vã, lăng mạ, thậm chí bắt đối phương quỳ xin lỗi, hoặc dùng hung khí lao vào tấn công gây thương tích.
Trưa 11/8, chỉ vì suýt va chạm trên đường ở Bình Dương, một người đàn ông 46 tuổi đã đuổi theo xe đối phương hơn 2km. Sau khi ép đối phương đánh xe vào lề đường, người này đã vớ khúc xương trên vỉa hè, đập vỡ kính ô tô, buộc tài xế phải xuống rồi bắt quỳ xin lỗi.
Trước đó không lâu, vào tháng 7, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), ô tô rước dâu xảy ra va chạm với xe ben. Sau cãi vã, chú rể quên luôn nhiệm vụ cao cả đời mình để xông tới đuổi đánh nam tài xế gây náo loạn đường phố.
Vào tháng 3, Cơ quan CSĐT Công an quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) đã phải bắt giữ nhóm thanh thiếu niên dùng gậy, xẻng truy đuổi người đi đường sau va chạm giao thông tại ngã tư Lò Đúc - Phạm Đình Hổ.
Một chuyên gia giao thông nhận định nguyên nhân của các sự việc trên bắt nguồn từ thói quen bất tuân pháp luật của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông.
Vị chuyên gia giao thông nêu thực tế: “Nhiều người chỉ biết lái xe mà không hiểu biển báo, có bằng lái nhưng không hiểu luật giao thông. Tình trạng vượt đèn đỏ, lấn làn, đi ngược chiều diễn ra khá phổ biến. Vỉa hè dành cho người đi bộ nhưng vào giờ cao điểm thì cả dòng xe cộ vẫn sẵn sàng lao lên. Làn đường sát vỉa hè cho xe đạp, xe máy nhưng ô tô cũng chễm chệ chen vào...
Chẳng còn cách nào, các xe cứ nối đuôi nhau chen chúc, không ai chịu nhường ai. Khi một va quyệt nhỏ xảy ra, các bên lập tức to tiếng cãi vã, thậm chí chửi rủa, lao vào ẩu đả”.
Trao đổi với VietNamNet, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho rằng, tình trạng trên thể hiện 2 vấn đề của xã hội hiện nay.
Ông Nguyễn Anh Quân (52 tuổi) đang sinh sống tại Đức, cho biết, khi xảy ra va chạm giao thông thì 100% tài xế ở đây tự biết mình sai hay đúng. Việc đầu tiên khi họ xuống xe là bắt tay, nói ngay lời "xin lỗi". Trong quá trình giải quyết vụ va chạm hai bên luôn trao đổi lịch sự, không hề thóa mạ hay đánh nhau.
“Vấn đề thứ nhất, nhiều người thiếu kỹ năng sống, cụ thể là thiếu là kỹ năng kiềm chế nóng giận và giải quyết mâu thuẫn bằng những phương pháp hòa bình.
Vấn đề thứ hai đáng ngại hơn, đó là chỉ báo về sự bùng phát của những bức xúc dồn nén, các vấn đề cá nhân kéo dài. Nhiều người có thể gặp phải mâu thuẫn gia đình, áp lực kinh tế, mâu thuẫn với đồng nghiệp… nên chỉ cần gặp sự cố là bùng phát”, TS. Khuất Thu Hồng phân tích.
Theo TS. Khuất Thu Hồng, Để giải quyết tình trạng ẩu đả sau va chạm giao thông, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong đó có việc mạt sát, hành hung người khác.
Theo đó, người đi sai đường phải chịu phạt; người có hành vi làm nhục, đánh đập người khác cũng phải bị xử lý. Những vụ việc đơn lẻ đều được cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh thì sẽ dần nâng nhận thức, buộc người dân cư xử đúng mực hơn.
“Các cơ quan chức năng cũng nên xây dựng các chương trình giáo dục kỹ năng đàm phán, giải quyết mâu thuẫn cho cả người lớn và trẻ em. Có lẽ một số tờ báo cũng nên mở mục thảo luận, mời mọi người đề xuất các phương án giải quyết khi xảy ra va chạm giao thông, từ đó lựa chọn phương án giải quyết tốt nhất”, TS. Khuất Thu Hồng bày tỏ.