Thói quen đúng đắn...
Trước tình trạng gia tăng vi phạm và tai nạn giao thông ở nhóm trẻ dưới 18 tuổi, việc siết chặt quản lý và nâng cao kỹ năng, kiến thức lái xe an toàn là rất cần thiết.
Trở về hồi 20 năm trước, năm tôi 16 tuổi được sở hữu một chiếc xe đạp cũ để đi học đã đủ thỏa ước mơ. Từ đó, nó theo tôi suốt thời sinh viên. Thế nhưng bây giờ, việc sở hữu một chiếc xe máy, xe đạp điện đời mới không còn là quá xa xỉ với một gia đình. Kinh tế phát triển, đời sống cũng được nâng cao, trẻ em cũng được sống đầy đủ hơn.
Song, nếu chỉ chăm lo kinh tế mà vô tư giao xe cho con mình, bỏ mặc quản lý, giáo dục, sẽ khiến nhiều gia đình phải hối hận. Các vi phạm giao thông và tai nạn giao thông nghiêm trọng trong độ tuổi học sinh nổi lên gần đây là hồi chuông cảnh báo. Cho thấy lỗ hổng lớn về mặt pháp lý trong công tác quản lý và giáo dục kỹ năng an toàn giao thông ở nhóm tuổi này.
Việc ra đời Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025, siết chặt tăng nặng hàng loạt các mức phạt liên quan đến vi phạm ở thanh thiếu niên, phụ huynh; đồng thời yêu cầu nhóm tuổi này cần phải hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng điều khiển phương tiện, là động thái rất kịp thời để lấp “khoảng trống” pháp lý còn bỏ ngỏ thời gian qua.
Cùng với đề xuất trẻ 16-18 tuổi được cấp chứng chỉ lái xe máy của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mới đây là một bước quan trọng để cụ thể hóa luật định.
Trong bối cảnh phương tiện giao thông công cộng và xe đưa đón học sinh chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi điều kiện hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập thì nhóm trẻ này cần được nhà trường hoặc gia đình trang bị các kỹ năng không quá phức tạp như tốc độ, quan sát khi chuyển hướng, tránh điểm mù của xe khách, xe tải; các kiến thức pháp luật cơ bản về đội mũ bảo hiểm, chấp hành tín hiệu giao thông, đi đúng phần đường.
Để việc đào tạo, cấp chứng chỉ phát huy hiệu quả cần có các tiêu chí và quy trình cụ thể; không nên xem nhẹ, nếu không sẽ gây tác dụng ngược khiến trẻ càng “tự tin thái quá” khi chạy xe trên đường, từ đó dẫn tới tai nạn giao thông.
Bởi thực tế, ngay cả việc đào tạo sát hạch lái xe có giá trị pháp lý thông thường ở người trưởng thành còn tồn tại kiểu “đối phó” bài thi để cho qua bằng, huống hồ là chứng chỉ lái xe cho học sinh. Do đó, để tăng khả năng “phủ sóng” việc tập huấn, đào tạo kỹ năng lái xe, cơ sở đào tạo phối hợp nhà trường lồng ghép vào buổi học chính khóa, để tạo thuận lợi cho học sinh.
Các buổi học có sự giám sát của cơ quan cảnh sát giao thông, cũng như cung cấp tài liệu về cho gia đình cùng tham khảo và theo dõi. Các bộ câu hỏi đơn giản, không gây khó dễ, đánh đố học sinh. Sau đó, các em được kiểm tra lý thuyết và cấp chứng chỉ giấy phép lái xe.
Ngoài trang bị đầy đủ kỹ năng kiến thức pháp luật để các em học sinh tự bảo vệ mình thì cần gắn chặt hơn nữa trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong quản lý học sinh đi xe máy đi học; hạn chế những trường hợp sử dụng xe không phù hợp với lứa tuổi. Tốt nhất là thay đổi nhận thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn ngay từ lứa tuổi mầm non.
Khi trẻ nhỏ tiếp xúc với các bài học tham gia giao thông đúng cách, sẽ tạo thói quen đúng đắn và nề nếp văn hóa giao thông khi lớn lên. Đó chính là “nền móng” hình thành một môi trường giao thông an toàn trong tương lai.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thoi-quen-dung-dan-post1140462.vov