Thói quen tưởng vô hại của người lớn có thể khiến trẻ sơ sinh gặp nguy hiểm
Theo Dược sĩ Trương Minh Đạt, khi người lớn bế xốc trẻ lên, tung hứng bé, bế bé đưa đi đưa lại trên tay người lớn giống như đưa võng... có thể khiến trẻ mắc phải Hội chứng rung lắc.
Theo Thạc sĩ, Dược sĩ Trương Minh Đạt - người sáng lập Trung tâm sức khỏe Nhi khoa Cenica, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Y Dược, có rất nhiều thói quen tưởng chừng như vô hại ở người lớn nhưng có thể đẩy trẻ em đến chỗ nguy hiểm tính mạng.
Khi chơi với trẻ, mọi người thường thể hiện tình yêu với chúng bằng cách nhiều hình thức khác nhau như thơm, hôn hít bé hoặc cho quà bé... Bên cạnh đó cũng có một hình thức khá phổ biến là bế xốc trẻ lên, tung hứng bé, bế bé đưa đi đưa lại trên tay người lớn giống như đưa võng, đong đưa mạnh quá mức khi bé khóc hoặc khi bé gắt ngủ… Đây là hình thức rất nguy hiểm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ mà Y học gọi là Hội chứng rung lắc.
Dược sĩ Trương Minh Đạt phân tích: "Cấu trúc não của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn chưa hoàn thiện và vẫn trong giai đoạn phát triển. Hội chứng rung lắc này rất nguy hiểm với trẻ dưới 2 tuổi và đặc biệt nguy hiểm, thường xảy ra ở trẻ từ 3 đến 8 tháng tuổi.
Với trẻ sơ sinh, trọng lượng não bằng 1/3 trọng lượng cơ thể, trẻ 2 tuổi trọng lượng não bằng 1/4 trọng lượng cơ thể so với người lớn trọng lượng não 1/8 trọng lượng cơ thể. Ngoài ra cơ cổ của bé chưa cứng, chưa thể giữ vững đầu của bé, não bộ chưa hoàn thiện, xương sọ mềm, màng não mỏng, thóp chưa đóng… có khoảng trống giữa não và xương sọ nên khi tung hứng, đong đưa bé quá mức theo quán tính não bé sẽ di chuyển và va đập với xương sọ (giống như bạn cầm quả trứng gà và rung lắc, khi bạn đập quả trứng ra thì lòng đỏ và lòng trắng của quả trứng đã hòa trộn với nhau).
Người lớn chỉ cần chủ quan bế xốc trẻ đột ngột, đung đưa bé quá đà... có khi chỉ 5-10 giây thôi đã có thể ảnh hưởng nghiêm trọng như: tụ máu dưới màng cứng, tụ máu dưới nhện, chấn thương trực tiếp lên não do va đập với xương sọ, xé rách/đứt gãy các kết nối thần kinh ở vỏ não và cấu trúc sâu trong não, xuất huyết võng mạc (điều chúng ta dễ nhận thấy khi chúng ta chúi đầu xuống trong vài giây mắt chúng ta đã đỏ hoe). Tùy theo mức độ khác nhau, nhưng đa phần sẽ để lại hậu quả nặng nề, nặng có thể gây xuất huyết não, phù não hoặc xé rách mô não. Các di chứng có thể như bại não, liệt, xuất huyết võng mạc, giảm thị lực, động kinh, co giật…".
Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị Hội chứng rung lắc
Theo Thạc sĩ, Dược sĩ Dương Minh Đạt, biểu hiện của hội chứng rung lắc thường đa dạng, chúng ta thường không có chuyên môn, thường không chú ý, cứ nghĩ là bình thường và mình đi làm việc khác nên khó phát hiện. Tuy nhiên các dấu hiệu cơ bản sau đây có thể gợi ý cho ba mẹ nhận biết việc rung lắc trẻ quá mức để đưa bé đi kiểm tra ngay lập tức:
- Đờ đẫn, lơ mơ, hoặc ngủ mê mệt, chân tay nhão/mềm nhũn.
- Trẻ bị kích thích quá mức, thay đổi hành vi thông thường.
- Da xanh tái, rõ nhất vùng trán.
- Ăn, bú khó, khó nuốt hoặc nôn không có lý do rõ ràng.
- Khó thở, ngừng thở hoặc co giật.
- Những dấu hiệu cho thấy chấn thương cổ, sưng nề, cứng cổ, nghẹo về một bên, khó nhìn bên này bên kia khi phải quay cổ.
Cách phòng Hội chứng rung lắc ở trẻ
Các thói quen của cha, mẹ hoặc ông bà như bế xốc bé lên, tung bé lên do nhớ cháu, yêu cháu muốn làm cháu cười thích thú hoặc chúng ta bế trẻ trên tay hoặc võng để dỗ dành bé và đu đưa quá mức có thể dẫn đến Hội chứng rung lắc.
Với các bậc phụ huynh lần đầu làm cha mẹ sẽ là điều khó khăn, các bạn cần tiếp cận, thực hành các phương pháp chăm trẻ, sau đó chia sẻ, nói chuyện hướng dẫn ông bà hoặc người giúp việc không được rung lắc trẻ, không được tung hứng bé hoặc đu đưa quá mức với bé khi bé khóc hoặc gắt ngủ.
““Trẻ em như búp trên cành”, quả đúng như vậy, chúng ta phải hết sức nhẹ nhàng, uyển chuyển trong việc bế bé, nhẹ nhàng trong việc di chuyển bé và các công việc chăm sóc trẻ hàng ngày. Đặc biệt khi trẻ khóc, chúng ta thường lo lắng và thường bế trẻ lên đung đưa trẻ, việc này phải hết thức thận trọng và tìm hiểu tường tận tại sao bé khóc. Các bạn cần lên danh sách các việc cần làm khi bé khóc, chẳng hạn như: Một đứa trẻ khi khóc có nhiều lý do
- Lý do trẻ không thấy được an toàn, trẻ khóc để giao tiếp với mẹ để mẹ quay trở lại với bé.
- Sau đó kiểm tra bỉm của bé, tã của bé có ướt không, hãy đảm bảo rằng tã bỉm luôn sạch và khô thoáng.
- Nới lỏng quần áo của bé, kiểm tra xem bé có đói không, hãy kiểm tra bé có nóng quá hoặc lạnh quá không.
- Hãy xoa dịu bé, âu yếm bé, có thể cho bé dùng núm vú giả để trấn an bé…
Nếu bạn đã thực hiện tất cả các việc cần làm nhưng bé vẫn khó chịu, khóc bạn hãy đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra. Về việc sơ cứu ban đầu khi nghi ngờ bé có các triệu chứng/dấu hiệu của hội chứng rung lắc. Việc đầu tiên là gọi xe cấp cứu và đừng cố tự đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất, việc bạn tự ý đưa bé đi có thể khiến tình trạng nguy hiểm hơn.
Không được bế xốc bé lên hoặc cố gắng đu đưa để làm bé tỉnh lại và không cho trẻ ăn hay uống sữa lúc này” - Dược sĩ Trương Minh Đạt cho hay..