Thói quen viết tay liệu có mai một trong thời đại công nghệ số?

Thấy ông ngoại cặm cụi chép tay vào cuốn sổ nhỏ, con gái ngạc nhiên hỏi: 'Sao ông không ghi trong điện thoại hoặc đánh máy cho nhanh ạ?'. Ông trả lời: 'Ông quen viết tay rồi. Vả lại khi viết tay, ông cảm thấy rất thú vị và bổ ích'.

Những lá thư tình xúc động Lưu Quang Vũ gửi cho Xuân Quỳnh một thời (ảnh minh họa. Nguồn: internet).

Những lá thư tình xúc động Lưu Quang Vũ gửi cho Xuân Quỳnh một thời (ảnh minh họa. Nguồn: internet).

"Nét chữ là nết người". Câu nói không chỉ khẳng định vai trò, tầm quan trọng của chữ viết trong cuộc sống, mà còn giúp con người rèn luyện nhiều đức tính tốt đẹp, như: kiên trì, cẩn thận và tập trung thông qua việc viết tay. Viết không phải bản năng bẩm sinh trong bộ não người. Nó là một quá trình và phải được phối hợp bởi nhiều yếu tố: tay, mắt, ngôn ngữ, trí nhớ, sự sáng tạo, logic, tư duy trừu tượng... Đây được xem là một hình thức nghệ thuật, là công cụ thiết thực giúp ích cho cuộc sống. Qua nét chữ viết tay, tính cách mỗi người sẽ được thể hiện một cách chân thực.

Có thể thấy, trong thời đại công nghệ phát triển như hiện tại, "laptop" và "smartphone" đã và đang lấy đi nhiều thời gian của con người, khiến con người trở nên lười biếng. Dù học tập, hội họp hay trò chuyện, tán gẫu… tất cả đều được "đánh máy" thay vì viết. Nếu cứ đà phát triển như hiện tại thì trong tương lai, kỹ năng viết tay của loài người sẽ dần bị mai một.

Nhiều người cho rằng trong thời đại công nghệ, viết tay là không cần thiết. Nhưng xét cho cùng, dù ở thời kỳ nào chữ viết tay cũng cần phải được duy trì. Vì đây là một cách tuyệt vời để kích thích não bộ, giúp não bộ con người được duy trì khỏe mạnh. Việc ghi chép tay giúp con người chọn lọc những thông tin mới mẻ, quan trọng dựa trên sự hiểu biết cũng như duy trì khả năng nhớ lâu, nhớ sâu thay vì ghi lại một cách nguyên văn như khi sử dụng bàn phím.

Thói quen viết tay giúp con người tăng khả năng học tập, sáng tạo và tư duy ngôn ngữ. Nếu không có khoảng thời gian rèn luyện từ thời mẫu giáo, tiểu học, trung học rồi lên đại học, cao học,… hẳn mỗi người sẽ chẳng có được những con chữ đủ nét, đủ dấu, tròn vành, vuông vắn, dễ nhìn, dễ đọc như hiện tại.

Viết tay giúp con người lưu giữ, lan tỏa những cảm xúc tích cực trong công việc và trong cuộc sống. Thông qua những trang nhật ký, lá thư viết tay, những cuốn sổ ghi chép, sáng tạo nghệ thuật… nhân loại đã ghi nhận rất nhiều bậc thầy sáng tạo. Đó là Leonardo Da Vinci với hơn 30 cuốn sổ viết tay viết ngược. Đó là Ludwig Van Beethoven, tín đồ của những cuốn sổ tay và tâm niệm ghi chép thường xuyên mỗi ngày không đơn giản chỉ để lưu lại, mà giúp kích phát trí tưởng tượng. Đó còn là Mark Twain, Bill Gates, Tim Ferriss,… Họ duy trì việc viết tay như một thói quen vì tin rằng cây bút đã mang đến cho họ những giá trị tuyệt vời ngoài sự mong đợi.

Mỗi người thông qua việc viết tay có thể nghe và ghi lại một cách nhanh nhất những khoảnh khắc lóe sáng vụt qua trong đầu. Nó còn cho thấy khả năng, ưu thế riêng của mỗi người. Người giáo viên để lại chữ viết tay qua từng lời phê, nhận xét, chữ ký trên bài làm của học sinh. Học sinh để lại chữ viết tay qua việc ghi chép bài học mỗi tiết, mỗi bài, mỗi môn học, cấp học... Sau những tấm ảnh gia đình đã cũ, vẫn còn đó những dòng chữ nắn nót của ông bà, bố mẹ, anh chị em gắn với kỷ niệm đã qua. Anh bạn cùng nhà với tôi có thói quen viết dăm ba câu thơ, tản mạn về thiên nhiên, hoa cỏ, những điều mắt thấy tai nghe trên giấy rồi cho cả nhà cùng đọc, ngẫm ngợi. Con gái vẫn giữ thói quen ghi những lời yêu thương gửi ông bà, bố mẹ trong tờ giấy note mỗi ngày... Có thể thấy, chữ viết tay sẽ mãi còn nguyên giá trị đối với mỗi người.

Mỗi người trong chúng ta đều được ban tặng một kiểu chữ viết tay riêng. Dù cho các giá trị văn hóa được gắn với chữ viết tay sẽ biến đổi khi chúng ta thay đổi, nhưng những ích lợi mà chữ viết tay mang lại cho con người là vô cùng to lớn, nó xứng đáng được trân trọng và duy trì.

Lê Thị Xuyên

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/thoi-quen-viet-tay-lieu-co-mai-mot-trong-thoi-dai-cong-nghe-so-post300369.html