Thói quen xài thời trang hàng hiệu của các nữ tỷ phú Trung Quốc
78% nữ tỷ phú thế giới đến từ Trung Quốc và họ thường diện trang phục mang những thương hiệu thời trang đắt đỏ như Dior, Chlóe hay Celine.
Theo Danh sách những người giàu toàn cầu Hurun năm 2018, Bắc Kinh là thủ đô của tỷ phú thế giới. Trung Quốc gây ấn tượng không chỉ nhờ sự tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc mà quốc gia này còn có số lượng phụ nữ “siêu giàu” đứng đầu trên thế giới với 78% nữ tỷ phú tự thân đều đến từ Trung Quốc (tỷ phú tự thân – những người tự kiếm tiền làm giàu, chứ không phải nhờ tài sản của gia đình – ND).
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte Macron cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện. Hai phu nhân luôn diện những trang phục sang trọng và thanh lịch. Ảnh: AP
Số liệu thống kê cho thấy phụ nữ tại Trung Quốc có khả năng làm những công việc đòi hỏi trình độ cao, họ là những người thúc đẩy các ngành công nghiệp như ô tô cao cấp.
Theo báo cáo tiêu thụ năm 2017 của Mafengwo, du khách nữ Trung Quốc chi tiền mua sắm nhiều gấp 4,6 lần so với du khách nam.
Báo cáo Thịnh vượng năm 2018 của ngân hàng tư nhân đa quốc gia Thụy Sĩ Julius Baer cho thấy, số lượng phụ nữ có vị trí cao ở Trung Quốc đang tăng nhanh. Thêm vào đó, 35% các doanh nghiệp tại Malaysia và Trung Quốc đều có phụ nữ nắm giữ các vị trí quản lý cấp cao. Tiêu dùng phát triển và sự trỗi dậy của hệ thống sheconomy (nền kinh tế phụ nữ) đã thúc đẩy doanh số của các thương hiệu xa xỉ.
Những người phụ nữ như Đệ nhất phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viện, Giám đốc điều hành Apple tại Trung Quốc Isabel Ge Mahe, Giám đốc điều hành Châu Á Thái Bình Dương Morgan Stanley Wei Christianson đang định hình lại thị trường tại Trung Quốc và trên toàn cầu.
Trên thực tế, nhiều mặt hàng mà những người phụ nữ này sử dụng đều “cháy hàng” sau khi được bán ra. Ngoài ra, họ có khả năng xây dựng các thương hiệu. Nhà thiết kế thời trang người Trung Quốc, Ma Ke, đã trở thành cái tên quen thuộc sau khi Đệ nhất phu nhân Trung Quốc mặc những thiết kế của cô. “Liyuan style”, phong cách thời trang của phu nhân Bành Lệ Viện, gắn liền với sự sang trọng và thanh lịch, đã được công chúng rất yêu thích.
Trang phục thể hiện quyền lực của người phụ nữ đã có mặt từ lâu trong xã hội Trung Quốc. Họ thể hiện địa vị và quyền lực của mình thông qua những thiết kế thời trang cầu kỳ và phong cách độc đáo. Trong thời đại mới, các nhà lãnh đạo nữ thể hiện thành công của họ qua những bộ đồ thiết kế vừa vặn, phụ kiện sang trọng và trang phục công sở.
Theo The Wall Street Journal, “bộ cánh quyền lực công sở” đã phát triển từ bộ phim Working Girl (tạm dịch Cô gái công sở) vào năm 1988 khi nữ diễn viên Sigourney Weaver trong phim đã diện áo khoác blazer độn vai trên phố Wall. Và cuộc cách mạng thời trang thậm chí còn nổi bật hơn ở Trung Quốc.
Các nữ doanh nhân Trung Quốc thường chọn Armani, sản phẩm của nhà thiết kế thời trang Lulu Liu, hoặc các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng với những chiến dịch nữ quyền như Chlóe, Celine và Dior. Nhìn rộng ra, các thương hiệu thời trang cao cấp nên tập trung vào thế hệ millennials (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) và tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng. Nhưng cụ thể hơn, những người phụ nữ quyền lực ở Trung Quốc mong muốn điều gì?
Trên thực tế, việc phát hành các bộ phim cổ trang về những nhân vật nữ quyền lực như Sở Kiều trong Sở Kiều truyện, Bạch Thiển ở Tam sinh tam thế Thập lý đào hoa, Mạnh Phù Dao trong Phù Dao hoàng hậu đã truyền thông mạnh mẽ về hình ảnh người phụ nữ Trung Quốc độc lập, kiên cường và mạnh mẽ.
Những chiến dịch truyền thông xã hội như #MeToo hay #RiceBunny cho thấy tinh thần nữ quyền tại Trung Quốc đang lên cao, theo cách riêng biệt.
Nghiên cứu gần đây của trang mua sắm trực tuyến Taobao cho thấy doanh thu của những bộ đồ quyền lực dành cho phụ nữ đã tăng 317% trong quý đầu tiên của năm 2019./.