Thổi sinh khí vào thỏa thuận hạt nhân JCPOA, Mỹ-Iran vẫn vấp 'tảng đá lớn'

Các cuộc họp tại Vienna mang lại những tín hiệu tích cực cho việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng vẫn còn nhiều chông gai.

Mỹ và Iran đã thực hiện một bước đi thận trọng sơ khởi nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sau ngày đầu tiên tiến hành một loạt cuộc gặp ngoại giao gián tiếp đầy rẫy “nguy cơ” tại Vienna, Áo. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo cả hai bên sẽ trở lại tuân thủ các điều khoản của Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) mà Tổng thống Trump khi đó đã đơn phương đưa Mỹ rút khỏi hồi năm 2018.

Một trong những quyết định của Tổng thống Joe Biden đảo chiều chính sách của người tiền nhiệm là 'hồi sinh' JCPOA. (Nguồn: AP)

Một trong những quyết định của Tổng thống Joe Biden đảo chiều chính sách của người tiền nhiệm là 'hồi sinh' JCPOA. (Nguồn: AP)

Các cuộc họp tại Vienna có sự tham gia của tất cả các bên ký kết thỏa thuận hạt nhân - Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức - cũng như Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, Mỹ và Iran không đối thoại trực tiếp với nhau, vì phía Iran từ chối làm như vậy. Thay vào đó, họ từng gặp gỡ riêng với các bên khác và liên lạc với nhau thông qua các bên trung gian châu Âu.

Một bước đi hữu ích

Căng thẳng đang ở mức cao và không bên nào muốn có vẻ như đang nhượng bộ bên còn lại. Tuy nhiên, trước những vấn đề phức tạp đó, Mỹ và Iran đã đạt được một thỏa thuận nhỏ: hai bên đã thiết lập hai nhóm làm việc và xét theo tiêu chuẩn ngoại giao, thì đó được coi là tiến bộ.

Nhóm công tác đầu tiên sẽ xem xét cách Mỹ có thể quay trở lại tuân thủ thỏa thuận, cụ thể là bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà chính quyền Trump áp dụng đối với Iran sau khi Mỹ rút lui.

Nhóm thứ hai sẽ nghiên cứu cách Iran có thể trở lại tuân thủ thỏa thuận ra sao, với việc yêu cầu nước này một lần nữa hạn chế chương trình hạt nhân của mình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với các phóng viên hôm 6/4: “Thỏa thuận nhỏ này là một bước đáng hoan nghênh, đó là một bước mang tính xây dựng và đó là một bước đi hữu ích đầy tiềm năng”.

Một số nhà phân tích thừa nhận rằng động thái ban đầu này dường như không quá đáng kể, vì nó đơn thuần thiết lập một quy trình thảo luận về cách làm thế nào để cả hai quốc gia trở lại tuân thủ thỏa thuận.

Tuy nhiên, theo học giả Esfandyar Batmanghelidj tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), “thực tế là các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục ở cấp độ kỹ thuật cho thấy rằng các nhà lãnh đạo chính trị ở cả hai bên đồng ý về phác thảo lộ trình cần thiết để Iran và Mỹ trở lại tuân thủ thỏa thuận”.

Thách thức hiện nay là tất cả các bên ở Vienna cần vạch ra một lộ trình rõ ràng trong khoảng 10 ngày còn lại. Đó không phải là một điều dễ dàng.

Một số chuyên gia cho biết việc đưa Mỹ và Iran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân một lần nữa sẽ dễ dàng hơn việc yêu cầu họ ký hiệp ước này lần đầu tiên hồi 6 năm trước. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là nó sẽ dễ dàng.

Ba rào cản lớn

Dina Esfandiary, cố vấn cấp cao về Trung Đông tại Tổ chức Khủng hoảng quốc tế, cho biết: “Hiện có rất nhiều rào cản lớn đối với việc đưa ra một giải pháp nhanh chóng”.

Ba trong số những rào cản đó là: đảm bảo rằng Iran tuân thủ việc thu hẹp chương trình hạt nhân của mình; nhất trí về việc Mỹ nên dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế nào, và ai nên hành động trước; và giải quyết tất cả những vấn đề này trước khi cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Iran.

Về rào cản đầu tiên, ngày 7/4, người phát ngôn của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi cho biết đất nước của ông đã sản xuất 55 kg urani được làm giàu lên 20%, tăng từ khoảng 17 kg hồi tháng 1/2021.

Urani được làm giàu đến 20% được coi là "làm giàu cấp độ cao", nhưng nó vẫn còn rất lâu mới đạt đến mức làm giàu 90% cần thiết để làm vật liệu hạt nhân chế tạo bom. Iran sau đó đã tiến gần hơn một chút - nhưng vẫn chưa thực sự chạm ngưỡng - đến mức độ thực sự có đủ nguyên liệu để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã giới hạn khả năng làm giàu urani của Iran ở mức 3,67% và cấm nước này dự trữ hơn 300 kg nguyên liệu. Để thỏa thuận được tiến hành, Mỹ sẽ muốn Iran chứng minh rằng họ đã ngừng làm giàu urani ở mức cao như vậy và họ đã giảm lượng nguyên liệu dự trữ về mức quy định trong các điều khoản của thỏa thuận năm 2015.

Điều đó sẽ yêu cầu các thanh sát viên quốc tế xác minh sự tuân thủ của Iran thông qua các hoạt động như tiếp cận camera bên trong một số cơ sở hạt nhân nhất định hoặc thậm chí trực tiếp tới thăm các địa điểm, điều cần thời gian để tiến hành.

Rào cản thứ hai là vấn đề “trình tự”: Liệu Mỹ có nên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi Iran tuân thủ trở lại, hay Iran nên chứng minh mình tuân theo các quy tắc trước khi các lệnh trừng phạt tài chính được gỡ bỏ?

Các chuyên gia nói rằng không bên nào muốn hành động trước và đó là một điểm mấu chốt quan trọng.

Một vấn đề liên quan là chính xác Mỹ nên loại bỏ các biện pháp trừng phạt nào. Tehran muốn dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt để đổi lấy việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, trong khi chính quyền Biden chỉ muốn xem xét các chế tài liên quan đến các nỗ lực hạt nhân của Iran. Theo các nhà phân tích, việc đạt được nhất nhất trí về điều đó sẽ rất khó khăn.

Chuyên gia Batmanghelidj của ECFR cho biết: “Các thách thức từ việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt và rút lại chương trình hạt nhân của Iran về mặt nào đó vẫn dễ dàng hơn thách thức chính trị trong việc đảm bảo logic đôi bên cùng có lợi của thỏa thuận hạt nhân áp đảo logic ‘trò chơi có tổng bằng 0”.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 7/4 cho biết Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran vốn "không phù hợp" với thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Cuộc thảo luận giữa các đại diện Iran và các cường quốc Nhóm P5+1 khởi động tại Vienna, Áo. (Nguồn: Getty)

Cuộc thảo luận giữa các đại diện Iran và các cường quốc Nhóm P5+1 khởi động tại Vienna, Áo. (Nguồn: Getty)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price nói với các phóng viên: "Chúng tôi chuẩn bị thực hiện các bước cần thiết để trở lại tuân thủ JCPOA, bao gồm cả việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt không phù hợp với JCPOA. Tôi chưa thể cung cấp chi tiết đầy đủ cho các bạn rằng các biện pháp đó là gì”.

Nhà Trắng đã không đưa ra bình luận khi được tờ Business Insider liên hệ.

Rào cản thứ ba là vấn đề lịch trình thời gian. Iran sắp tiến hành một cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 6/2021. Tổng thống Hassan Rouhani, người đã đàm phán thỏa thuận ban đầu và đặt cược phần lớn “gia tài chính trị” của ông vào thành công của JCPOA, đang sắp mãn nhiệm và các nhân vật theo đường lối cứng rắn đang cạnh tranh cho vị trí sắp bị bỏ trống đó.

Có thể chính quyền tiếp theo sẽ không thể chấp nhận thỏa thuận hạt nhân như chính quyền hiện nay.

Chuyên gia Esfandiary bình luận: “Nhà lãnh đạo Tối cao có thể cho rằng sẽ là khôn ngoan hơn nếu họ chờ đợi cho đến khi một chính quyền mới được thành lập ở Iran để theo đuổi các cuộc đàm phán với Mỹ”.

Tuy nhiên, Mỹ dường như không quá lo lắng về điều đó. Malley, đặc phái viên hàng đầu của Mỹ về Iran, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 6/4: “Chúng tôi sẽ đàm phán với bất kỳ ai nắm quyền ở Iran. Và nếu chúng tôi có thể đạt được quan điểm chung trước cuộc bầu cử, thì điều đó là rất tốt. Và nếu chúng tôi không thể, chúng tôi sẽ tiếp tục sau đó với bất kỳ ai cầm quyền tại Tehran”.

(theo Vox/Business Insider)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thoi-sinh-khi-vao-thoa-thuan-hat-nhan-jcpoa-my-iran-van-vap-tang-da-lon-141648.html