Thời tiền khó, ngân hàng nào 'mạnh tay' trả cổ tức bằng tiền mặt?

Không phải ngân hàng nào cũng có thể hay sẵn sàng chia cổ tức bằng tiền mặt. Thế nên, việc cổ đông được nhận cổ tức bằng tiền mặt thời tiền khó hiện nay không khác nào 'nắng hạn gặp mưa rào'.

Xu hướng tiền mặt kết hợp cổ phiếu

Khảo sát cho thấy, số ít ngân hàng trên thị trường chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt, gồm VPBank, ACB, TPBank, HDBank, và VIB.

Với việc đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 16.908 tỷ đồng trong năm 2022, sau khi trích lập các quỹ dự trữ bắt buộc, VPBank dành hẳn 7.933 tỷ đồng tiền mặt để chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 10% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.000 đồng tiền mặt). Thời điểm thực hiện việc chi trả cổ tức dự kiến trong tháng quý II hoặc quý III/2023.

Sau khi chia cổ tức, phần lợi nhuận giữ lại để phục vụ hoạt động kinh doanh của VPBank vẫn lên tới 7.354 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên sau hơn 10 năm ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt và cũng là lần đầu tiên kể từ sau khi cổ phiếu VPB niêm yết trên sàn HOSE năm 2017.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023, Phó Chủ tịch HĐQT VPBank ông Bùi Hải Quân nói: “Tôi không nhớ lần gần nhất được nhận cổ tức bằng tiền mặt là năm nào. Nhưng tôi hy vọng, từ đây trở đi năm nào chúng tôi cũng được trình ĐHĐCĐ thông qua việc trả cổ tức bằng tiền mặt.”

Tương tự, Ngân hàng VIB thông qua phương án chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt tương đương 15% vốn điều lệ. Trong đó, ngân hàng đã thông qua phương án tạm ứng cổ tức tiền mặt lên tới 2.107 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 10% vốn điều lệ.

VIB sẽ thực hiện chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền còn lại 1.053 tỷ đồng (tương ứng với tỷ lệ 5%) trong tháng 5 này. Như vậy, tổng số tiền VIB chi trả cổ tức bằng tiền mặt lên đến 3.161 tỷ đồng.

Sau khi trích lập các quỹ và chi cổ tức bằng tiền mặt, lợi nhuận còn lại năm 2022 của VIB vẫn còn tới 4.500 tỷ đồng.

Không những thế, VIB còn phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu để tăng thêm tối đa 20% vốn điều lệ, tăng thêm tối đa hơn 421 triệu cổ phiếu.

Một số ngân hàng hiếm hoi trả cổ tức tiền mặt. (Ảnh: Hoàng Hà).

Một số ngân hàng hiếm hoi trả cổ tức tiền mặt. (Ảnh: Hoàng Hà).

Tại HDBank, ngân hàng vừa công bố chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng (30/5) sẽ nhận được 1.000 đồng/cp. Ngày thanh toán cổ tức cho cổ đông dự kiến là 12/6.

Trước đó, chia sẻ với nhà đầu tư tại sự kiện Hội nghị Nhà đầu tư quý I/2023, ông Phạm Văn Đẩu - Giám đốc Tài chính HDBank cho biết, ngân hàng đã nỗ lực tăng tốc hoàn thành sớm các thủ tục để cổ đông có thể nhận được cổ tức bằng tiền mặt nhanh nhất, có thể vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Ngoài ra, cổ đông HDBank cũng nhận được cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, một phương án được xem là hài hòa cả những người theo trường phái “tiền mặt là vua” và những nhà đầu tư muốn nhận cổ phiếu.

Tương tự, TPBank cũng chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên đến 25%, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu. Với gần 1,582 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, TPBank sẽ chi khoảng 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Nguồn chi trả sẽ lấy từ lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021, sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán.

Không chỉ trả cổ tức bằng tiền mặt, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của TPBank cũng đã chốt phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lên đến 39,19% cho tổng số cổ phiếu đang lưu hành, tương đương 6.200 tỷ đồng lấy từ nguồn lợi nhuận để lại chưa phân phối lũy kế đến 2021 và nguồn lợi nhuận để lại năm 2022.

Còn tại ACB, ngân hàng sẽ sử dụng gần 8.444 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức. Tỷ lệ chia dự kiến là 25%, bao gồm 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Sau khi chia cổ tức, ngân hàng sẽ còn lại hơn 6.578 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

"Mạnh vì gạo bạo vì tiền"

Trên thực tế, các ngân hàng chi trả cổ tức bằng tiền mặt đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong năm 2022.

Chẳng hạn như HDBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 trên 10.268 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 105% kế hoạch.

Tại TPBank, năm 2022 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 7.828 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021 và tăng 3,5 lần so với cuối năm 2018, năm đầu tiên của nhiệm kỳ HĐQT.

ACB cũng đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2022 lên đến 17.114 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2021, hoàn thành 114% kế hoạch.

Còn tại VPBank, năm 2022 VPBank đạt 21.220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng mạnh 47,7% so với năm 2021.

Tuân Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hiem-hoi-ngan-hang-tra-co-tuc-bang-tien-mat-2143859.html