Thời tiết cực đoan đe dọa vận tải biển toàn cầu
Các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất thường xuyên hơn đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động vận tải trên các tuyến đường biển chính trên thế giới.
Tần suất, mức độ ngày càng nghiêm trọng
Tàu đi qua kênh đào Panama.
Kênh đào Panama - tuyến đường biển quan trọng với nhiều quốc gia trên thế giới, từ đầu năm đến nay đã phải hạn chế lượt tàu thuyền di chuyển mỗi ngày do hạn hán kéo dài. Mực nước tại kênh đào Panama xuống thấp kỷ lục, đặt ra những thách thức chưa từng có trong tiền lệ. Biện pháp hạn chế này gây ra tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại kênh đào kết nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, đây chưa phải là tất cả. Theo hãng tin CNBC, tình trạng hạn hán khiến mực nước tại kênh đào Panama xuống thấp có thể trầm trọng hơn do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Trước đó, vào đầu tháng 7, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) - cơ quan phụ trách thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước của Liên hợp quốc, xác nhận hiện tượng El Nino đã diễn ra. Cơ quan này cũng cảnh báo các quốc gia sẵn sàng đối phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan và nhiệt độ cao trong những tháng tới.
Chia sẻ với hãng tin CNBC, chuyên gia Peter Sands thuộc hãng tư vấn vận tải biển Xeneta cho rằng, dù ban quản lý kênh đào Panama đã áp dụng hạn chế tàu thuyền, nhưng tình trạng hạn hán, mực nước thấp tại kênh đào Panama hiện nay có thể mới chỉ là khởi đầu của cuộc khủng hoảng chính thức bắt đầu vào năm 2024.
Maersk - hãng vận tải biển của Đan Mạch cho biết, hoạt động vận tải của công ty chưa bị ảnh hưởng nhiều vì tình trạng tắc nghẽn tại kênh đào Panama. Tuy vậy, đại diện của hãng là ông Lars Ostergaard Nielsen lo ngại các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ diễn ra với tần suất thường xuyên hơn, mức độ nghiêm trọng hơn.
Cũng theo ông Nielsen, các quy định hạn chế đối với tàu thuyền di chuyển qua kênh đào Panama vào thời điểm hiện tại đã buộc Maersk phải giảm bớt gần 2.000 container chở trên cùng một con tàu so với thông thường.
Thông thường, các tàu container chỉ cần tuân thủ quy định độ sâu mớn nước (chiều cao thẳng đứng từ đáy tàu lên mặt nước) tối đa khoảng 15m khi di chuyển qua kênh đào Panama. Nhưng quy định hạn chế hiện hành yêu cầu tàu thuyền chỉ được phép có mớn nước tối đa khoảng 13,5m, buộc các tàu container phải có trọng lượng nhẹ hơn, giảm bớt hàng hóa.
Nguy cơ ảnh hưởng chuỗi cung ứng và kinh tế
Theo hãng tin CNBC, kênh đào Panama không phải tuyến đường thủy duy nhất trên thế giới đang chịu ảnh hưởng từ những hiện tượng thời tiết cực đoan.
Chẳng hạn như mực nước thấp cũng là vấn đề gây quan ngại tại sông Rhine - tuyến vận tải thương mại đường thủy quan trọng nối liền Đức với nhiều thành phố ở Châu Âu và cảng Rotterdam, Hà Lan. Cuối tháng 7, mực nước tại trạm đo Kaub, phía tây thành phố Frankfurt, Đức tụt xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Trong những năm gần đây, nhiều tuyến đường thủy bận rộn nhất Châu Âu thường xuyên ghi nhận tình trạng mực nước xuống thấp, gây cản trở cho hoạt động di chuyển của tàu thuyền và khiến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao.
Ông Nielsen cũng cho rằng, việc ứng phó với tình trạng mực nước sông Rhine xuống thấp dễ dàng hơn bởi đây là hành trình ngắn, có thể dễ dàng tìm tuyến đường thay thế kể cả khi tàu đã đi được nửa đường.
Nhưng với tàu thuyền di chuyển qua kênh đào Panama, các hãng vận tải phải lên kế hoạch từ sớm. Bởi đây là tuyến đường di chuyển qua vùng biển rộng lớn và không thể tìm lựa chọn thay thế khi tàu đã di chuyển tới kênh đào và gặp tắc nghẽn.
Trong báo cáo vào cuối năm ngoái, hãng môi giới bảo hiểm Marsh cảnh báo ngành vận tải biển cần quan tâm sát sao hơn tới nguy cơ các tuyến vận tải biển chiến lược bị ảnh hưởng vì những hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra thường xuyên hơn.
Trước đó, một số chuyên gia cũng cảnh báo hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu có thể khiến sự cố như vụ tàu Ever Given - một trong những tàu container lớn nhất thế giới mắc kẹt gần một tuần tại kênh đào Suez vào tháng 3/2021 do gió mạnh có thể tiếp diễn.
Sự cố nghiêm trọng này từng làm gián đoạn hoạt động di chuyển của tàu thuyền qua kênh đào Suez theo cả hai chiều, gây gián đoạn quy mô lớn hoạt động trao đổi thương mại tại Châu Âu, Châu Á và Trung Đông.
Các chuyên gia cảnh báo những sự cố tương tự nếu xảy ra sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng, an ninh lương thực và nền kinh tế tại các khu vực trên thế giới.
Dự báo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với kênh đào Suez, hãng môi giới bảo hiểm Marsh cho rằng tình trạng nước biển dâng gây ngập lụt cơ sở hạ tầng ven biển và nhiệt độ cao sẽ trở nên trầm trọng hơn tại khu vực này trong thời gian tới, gây ảnh hưởng tới hoạt động vận tải tại một trong những tuyến đường thủy bận rộn nhất thế giới.
Hiện, có 5 tuyến đường thủy chính trên thế giới bao gồm các kênh đào Suez và Panama, eo biển Malacca nằm giữa Indonesia và Malaysia, eo biển Hormuz nằm giữa Iran và Oman, eo biển Bab-el-Mandeb nằm giữa Djibouti và Yemen.
Theo Marsh, trong trường hợp hoạt động vận tải tại 1 trong 5 tuyến đường thủy trên bị gián đoạn do sự cố hoặc biến động chính trị sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng và kinh tế thế giới.