Thời tiết khắc nghiệt làm 'tan chảy' nền kinh tế Mỹ như thế nào?
Khi nhiệt độ tăng trên 90°F (32 độ C), năng suất lao động giảm 25% và giảm mạnh 70% ở nhiệt độ trên 100°F, dẫn đến thiệt hại kinh tế hàng năm là 100 tỷ USD, Oilprice đưa tin.
Tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng ở Mỹ đã tăng lên trong 70 năm qua, ảnh hưởng đến năng suất và sức khỏe của người lao động.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), tần suất các đợt nắng nóng ở các thành phố của xứ cờ hoa đã tăng đều đặn trong 70 năm qua, từ 2 đợt mỗi năm vào những năm 1960, lên 6 đợt mỗi năm trong thập kỷ này, trong khi thời gian của các đợt nắng nóng đó kéo dài cũng tăng trung bình khoảng một ngày.
Hậu quả của nhiệt độ cực cao không chỉ gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe và môi trường, nó còn gây ra khó khăn kinh tế đáng kể cho các ngành công nghiệp trong nhà cũng như ngoài trời vì người lao động làm việc kém năng suất, mắc nhiều lỗi và dễ bị thương hơn.
Khi nhiệt độ lên tới 90 độ F, năng suất tổng thể giảm khoảng 1/4 và khi nhiệt độ lên tới 100 độ, năng suất giảm xuống mức khủng khiếp, giảm mạnh tới 70% theo một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên Tạp chí Khí tượng Sinh học Quốc tế.
Các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu theo dõi và định lượng chính xác mối tương quan tiêu cực giữa nhiệt và năng suất đang tác động lớn đến nền kinh tế như thế nào, nhưng kết quả ban đầu cho thấy các tác động nghiêm trọng, sâu rộng và sẽ trở nên tồi tệ hơn khi biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng.
Mặc dù năng suất của người lao động có vẻ như là một phần tương đối nhỏ trong chi phí của biến đổi khí hậu khi so sánh với thiệt hại do lũ lụt, cháy rừng và mực nước biển dâng cao, nhưng việc người lao động phải đối mặt với thời tiết nóng nực lại có tác động lớn đến toàn bộ nền kinh tế.
Dữ liệu do The Lancet tổng hợp cho thấy hơn 2,5 tỷ giờ làm việc đã bị mất chỉ riêng ở Mỹ vào năm 2021 đối với các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, sản xuất và dịch vụ do tiếp xúc trực tiếp với nhiệt.
Nhìn chung, năng suất bị mất đang gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này khoảng 100 tỷ đô la mỗi năm. Đến năm 2050, tổn thất năng suất do tiếp xúc với nhiệt dự kiến sẽ lên tới 500 tỷ đô la hàng năm.
Tác động của những thiệt hại kinh tế này sẽ có tác động bất lợi hơn đối với các khu vực nghèo so với những khu vực giàu có hơn.
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy những người lao động nghèo mất tới 5% tiền lương vào mỗi ngày nắng nóng, trong khi những người lao động ở những khu vực giàu có hơn mất ít hơn một phần trăm.
“Các dự báo về nhiệt độ cho năm 2040 - 2050 cho thấy tác động đến thu nhập có thể nhỏ hơn 95% đối với các quận của Mỹ ở nhóm giàu nhất so với nhóm nghèo nhất,” bài báo cho biết.
Tác động bất bình đẳng này của biến đổi khí hậu đối với người giàu và người nghèo cũng đúng trên quy mô quốc tế. Trong khi nền kinh tế Mỹ có thể bị tổn thất rất nhiều do hậu quả của biến đổi khí hậu, rủi ro đối với các quốc gia nghèo còn cao hơn rất nhiều.
Đó là một sự trớ trêu tàn nhẫn, vì các quốc gia phát triển nhất đã đóng góp nhiều khí nhà kính nhất dẫn đến biến đổi khí hậu, nhưng các quốc gia nghèo nhất với lượng khí thải ít nhất trong lịch sử sẽ phải chịu đựng nhiều nhất.
Điệp Nguyễn (Theo Oilprice)