Thời tiết nắng nóng làm gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ em
Theo các bác sỹ chuyên khoa nhi, thời tiết nắng nóng của mùa Hè làm gia tăng sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, kiến… dẫn đến dễ lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa ở trẻ em.
Hiện nay, nhiều cha mẹ chia sẻ về việc con phải đi khám bệnh vì nôn và đau bụng đi ngoài đồng thời bày tỏ lo ngại về tình trạng dịch tiêu chảy có thể lan rộng trong cộng đồng.
Theo các bác sỹ chuyên khoa nhi, thời tiết nắng nóng của mùa Hè làm gia tăng sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, kiến… dẫn đến dễ lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa ở trẻ em.
Chỉ là những bệnh thông thường
Chị N.K.L. ở Cầu Giấy, Hà Nội cho hay bé nhà chị bị tiêu chảy mấy hôm, khi đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung gương chị gặp rất nhiều bé cũng phải nhập viện trong tình trạng tương tự.
Chị L. chia sẻ trên một hội nhóm riêng của các bà mẹ liền nhận được nhiều ý kiến thắc mắc nghi ngại về khả năng đang có dịch tiêu chảy xảy ra ở nhiều trẻ em.
Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay mỗi ngày tại Trung tâm tiếp nhận khám khoảng 300 trẻ tới khám nhiều các bệnh khác nhau và trong đó có khoảng 10-15 trẻ phải nhập viện.
“Ghi nhận tại bệnh viện những tuần gần đây cho thấy trẻ bị nôn và tiêu chảy không có gì bất thường, bởi đây là những bệnh thông thường hay mắc ở trẻ em. Hằng ngày, bệnh viện vẫn tiếp nhận lượng bệnh nhân nhi tới khám những bệnh này. Qua thăm khám và theo dõi các bác sỹ không thấy có đột biến,” bác sỹ Nam nhấn mạnh.
Thạc sỹ Trương Văn Quý - Trưởng Khoa Nhi nội tổng hợp (Bệnh viện E) cho biết hai tuần trước, mỗi ngày khoa Nhi của bệnh viện tiếp nhận 70-80 trường hợp; trong đó 50% có các dấu hiệu của bệnh đường tiêu hóa, còn lại là các bệnh lý khác.
Ngày 12/5, Khoa Nhi nội tổng hợp (Bệnh viện E) cũng tiếp nhận 65 lượt thăm khám, trong đó có 12 trẻ phải nhập viện do các bệnh lý đường tiêu hóa. Tuy nhiên, từ đầu tuần đến nay không còn trường hợp trẻ nhập viện do bệnh về đường tiêu hóa, tiêu chảy.
Qua đánh giá của các bác sỹ, trẻ đến thăm khám và nhập viện trong thời gian vừa qua với các triệu chứng do nôn, đau bụng, sốt, đi ngoài phân lỏng, bệnh chỉ dừng ở mức độ nhẹ trung bình, chưa gặp ca nào trong tình nặng.
Theo bác sỹ Quý, nguyên nhân gây các bệnh cảnh nôn, sốt, đi ngoài thường là do virus gây bệnh đường tiêu hóa, thường hay gặp nhất là rota virus, adeno virus.
Phụ huynh cần bổ sung bù nước đầy đủ
Phó giáo sư Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay có nhiều nguyên nhân gây đau bụng và nôn ở trẻ em. Tùy theo từng nhóm nguyên nhân khác nhau mà tình trạng của trẻ có thể diễn biến cấp tính trong vài ngày hoặc kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng.
Khi trẻ đau bụng và nôn nhiều hoặc kéo dài, cha mẹ cần cho trẻ đi khám tại các cơ sở nhi khoa hoặc chuyên khoa tiêu hóa nhi khoa để được các bác sỹ thăm khám, chỉ định xét nghiệm xác định nguyên nhân và điều trị hợp lý tránh các biến chứng do tình trạng bệnh kéo dài.
Theo bác sỹ Hà, nguyên nhân thường gặp nhất gây nôn và đau bụng ở trẻ em là viêm dạ dày-ruột cấp do virus như rotavirus, norovirus, calicivirus, adenovirus, COVID-19. Viêm dạ dày ruột có thể xảy ra khi trẻ ăn thức ăn, nguồn nước bị nhiễm khuẩn hoặc trẻ ngậm tay, chơi đồ chơi bị nhiễm bẩn. Thời tiết nắng nóng của mùa Hè làm gia tăng sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, kiến… dẫn đến dễ lây lan các mầm bệnh. Bên cạnh đó, việc các gia đình thường xuyên sử dụng đá, nước giải khát được làm lạnh cũng là một nguyên nhân gây dễ nhiễm khuẩn nếu nguồn nước ô nhiễm.
Đặc biệt, mùa Hè là thời điểm trẻ cùng gia đình được đi du lịch nhiều hơn, sử dụng các thực phẩm chuẩn bị sẵn hoặc thức ăn đường phố dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc tố vi khuẩn như thịt, cá, hải sản, kem, trứng, sữa và rau quả làm gia tăng tình trạng viêm dạ dày-ruột do nhiễm khuẩn.
Theo bác sỹ Hà, trẻ bị nôn trớ do viêm dạ dày-ruột nhiễm khuẩn thường bắt đầu đột ngột và hồi phục nhanh trong vòng 24 giờ. Các biểu hiện khác như tiêu chảy phân nhày máu, sốt hoặc đau bụng sẽ xuất hiện đồng thời hoặc sau 12-24 giờ. Ngộ độc thực phẩm rất dễ được phát hiện ra, vì biểu hiện của ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc thường là một vài giờ hoặc vài ngày sau đó. Trẻ bị ngộ độc thường có cảm giác buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần phân lỏng có thể có nhày máu. Trẻ có thể không sốt hay sốt cao trên 38 độ C.
Các phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện nếu nôn kéo dài trên 24 giờ hoặc trẻ nôn liên tục, nôn ra tất cả mọi thứ sau khi ăn hoặc uống, dịch nôn có màu xanh hoặc vàng, có sự hiện diện của máu đỏ tươi hoặc máu đông.
Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam khuyến cáo khi trẻ đau bụng, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là trấn an, vỗ về và cho trẻ nằm nghỉ; cần theo dõi sát trẻ nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Đặc biệt, phụ huynh cần theo dõi và cho trẻ uống nước đủ để tránh cho trẻ bị mất nước khi nôn hay tiêu chảy nhiều.
“Tốt nhất là cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải (Oresol). Có nhiều chế phẩm (viên, gói bột) để pha dung dịch Oresol, cha mẹ cần pha đúng theo hướng dẫn. Cha mẹ không cho trẻ uống một lúc quá nhiều mà nên kiên nhẫn cho bé uống từ từ từng ngụm nhỏ, 50-100ml Oresol sau mỗi lần trẻ bị nôn hoặc tiêu chảy. Nếu trẻ đã được uống Oresol theo nguyên tắc ít một nhưng vẫn bị nôn, tình trạng đi ngoài còn nhiều, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới viện để được bù nước, điện giải bằng truyền dịch,” bác sỹ Nam nhấn mạnh./.