Thời trang thân thiện môi trường
Slow fashion (hay sustainable fashion - Thời trang bền vững), là một xu hướng thời trang đang trỗi dậy, hướng tới hạn chế các tác hại về mặt xã hội và môi trường của ngành công nghiệp dệt may.
Tại nhiều quốc gia, ngành công nghiệp thời trang may sẵn thường sản xuất áo quần theo 2 mùa: xuân - hạ, thu - đông. Điều đó ít nhiều tạo thói quen nơi người tiêu dùng, thường mua sắm những kiểu áo quần hợp thời, mỗi khi có các bộ sưu tập mới. Thêm vào đó, tại các cửa hàng thời trang phổ thông như Zara, H&M, Mango, Topshop... giá áo, quần vốn đã mềm, vào mùa đại hạ giá lại càng mềm hơn. Vì vậy, sinh ra tâm lý, nếu được thì nên mua ngay vì các kiểu quần áo đó không phải lúc nào cũng có, do các cửa hàng thường xuyên thay đổi các bộ sưu tập. Thuật ngữ fast fashion (thời trang nhanh) dùng để chỉ xu hướng tiêu dùng ấy.
Điều đó dễ tạo ra vòng lẩn quẩn: một khối lượng lớn quần áo bị bỏ đi chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng. Cái giá phải trả cho fast fashion chính là những tác hại vô hình đối với người tiêu dùng, nhưng rất rõ nét đối với giới bảo vệ môi trường. Khâu sản xuất và vận chuyển của ngành dệt may mỗi năm tạo ra 1,2 tỷ tấn khí gây hiệu ứng nhà kính, cao hơn cả lượng khí thải của 2 ngành hàng không dân sự và vận chuyển hàng hải gộp lại. Các khâu sản xuất hàng dệt may có tác động mạnh đến môi trường. Chất hóa học thường dùng để sản xuất hàng may mặc, nhất là thuốc nhuộm và thuốc làm bạc màu quần jean, vẫn độc hại. Theo Quỹ Bảo vệ môi trường Ellen McArthur, ngành dệt may hiện đứng thứ 2 trên thế giới về gây ô nhiễm, chỉ thua ngành dầu khí.
Vì thế, xu hướng slow fashion đã trỗi dậy mạnh mẽ trong 5 năm gần đây tại châu Âu. Một số công ty cỡ nhỏ và trung bình đầu tư vào slow fashion, một mặt khuyến khích người tiêu dùng có trách nhiệm hơn khi mua sắm, mặt khác hạn chế các tác động môi trường ngay từ trước khi đưa vào sản xuất. Có thể kể đến công ty Away Denim của Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên sản xuất quần jean. Với mục đích hạn chế việc phung phí năng lượng cũng như các tác động về môi trường, công ty này sử dụng vải cotton đến từ ngành nông nghiệp sạch, thuốc nhuộm dùng các chất tự nhiên thay vì hóa học và vải jean chỉ được giặt một lần thay vì nhiều lần. Một số thương hiệu thời trang tại châu Âu và Mỹ cũng đã bắt đầu sản xuất các loại quần jean theo xu hướng thời trang bền vững. Nhờ các công ty này mà ngành sản xuất vải quần jean đã bắt đầu thay đổi.
Bên cạnh các công ty, một số người tiêu dùng cũng bắt đầu nhận thức về giá trị của slow fashion. Trên các mạng xã hội đã xuất hiện nhiều nhóm cộng đồng chủ trương hạn chế mua sắm, tiêu thụ và như vậy hạn chế được lượng rác thải kể cả các loại quần áo không dùng hay không mặc. Melodie, sinh viên ngành thiết kế thời trang ở Paris (Pháp), là một trong những chủ trang blog chuyên khuyến khích mọi người chỉ mua sắm những gì thật sự cần thiết.
Theo cô, cách đơn giản nhất là giảm mức tiêu thụ, bởi thật ra chúng ta chỉ dùng khoảng 30% những gì có trong tủ áo quần hay trong phòng thay đồ, phần còn lại là những thứ không dùng hay không mặc. Hàng năm, có tới 40 tỷ bộ áo quần được sản xuất, tương đương với hàng chục ngàn tấn vải. Trong đó một phần lớn không được sử dụng, vứt bỏ hay phải tái xử lý. Do vậy, nhiều thành viên các nhóm cộng đồng trên mạng xã hội đã tổ chức đổi cho nhau những áo quần họ không mặc, hay bán lại với giá tượng trưng, mục tiêu là đem cho người khác những gì ta không cần. Điều đó giúp tạo ý thức không cần nhiều áo quần và khi mua áo quần, có thể mua cái bền hơn và giữ được lâu hơn.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thoi-trang-than-thien-moi-truong-616750.html