Thói văng tục chửi thề trong giới streamer qua bê bối của MisThy

Những câu từ phản cảm trên sóng streaming có thể coi là phương tiện để giải tỏa cảm xúc cho những streamer và cả khán giả theo dõi. Tuy nhiên sự cố gần đây của MisThy một lần nữa lại cho thấy thói quen văng tục 'hại nhiều hơn lợi'.

MisThy không còn là cái tên xa lạ đối với nhiều người đặc biệt là giới trẻ, những người thường xuyên theo dõi các buổi live stream (phát trực tiếp) trên Youtube. Nữ streamer gây ấn tượng cho người xem bởi phong cách nói chuyện gần gũi và dễ thương.

MisThy (tên thật Lê Thy Ngọc, sinh năm 1995).

Trong một buổi phát trực tiếp vào ngày 29/12, MisThy đã khiến không ít người xem cảm thấy khó chịu khi dùng những lời lẽ khiếm nhã để đáp trả câu hỏi có phần nhạy cảm từ một người đang theo dõi cô.

Sự việc đã xảy ra nhiều luồng tranh cãi trong dư luận, bên cạnh ý kiến đồng tình với nữ streamer, khi cho rằng cô đã không kìm được cảm xúc nên mới quá lời như vậy. Nhưng cũng có nhiều người nhận xét, những câu từ chợ búa của MisThy là không phù hợp với một buổi stream có đông người theo dõi, đặc biệt đối với những khán giả trẻ tuổi.

Trước MisThy, trong giới streamer có người còn bị truyền thông “chỉ mặt đặt tên” trong một phóng sự làm dấy lên làn sóng tranh cãi dữ dội.

Streamer ngày càng phát triển

Theo công bố của Youtube Việt Nam năm 2020, Độ Mixi chủ kênh Mixi Gaming và Cris Phan chủ kênh Cris Devil Gamer nằm trong số 10 nhà sáng tạo nội dung nổi bật trên nền tảng này.

Những streamer khác cũng xếp thứ hạng cao về độ phủ sóng trên Youtube như ViruSs, Uyên Pu, Linh Ngọc Đàm,.. khiến cho streamer trở thành ngành nghề thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ. Streamer giờ đây cũng không còn đơn thuần là chơi game trực tuyến nữa mà còn phát triển những nội dung khác như làm reaction, talkshow,...

ViruSs là hot streamer thành công khi lấn sân sang lĩnh vực sản xuất âm nhạc.

Khi độ nổi tiếng của họ đã lên đến một mức nhất định, một số người sẽ lấn sân sang làm các KOLs, diễn viên thậm chí là kinh doanh hoặc sản xuất âm nhạc. Thu nhập của những streamer không chỉ là qua những lượt donate (đóng góp) từ người xem, mà còn là từ các nhãn hàng quảng cáo và hoạt động ngoài lề của họ.

Những điều này khiến cho các streamer ngày càng có sức ảnh hưởng và trở thành xu hướng và hình tượng để người trẻ hướng đến.

Khi họ đã là người của công chúng và định hình cái nhìn của khán giả về giới streamer. Từng cử chỉ, hành động, lời nói của họ từ đó cũng bị “soi” nhiều hơn.

Những ngôn từ phản cảm cần được loại bỏ

Lối nói chuyện gần gũi và có phần bỗ bã của các streamer được xem là một “đặc sản” để tạo không khí thoải mái, vui vẻ trong các buổi phát trực tiếp. Tuy nhiên điều đó cũng là một hạn chế khiến nhiều streamer vướng vào những chỉ trích từ cộng đồng mạng, nhất là khi độ tuổi tiếp cận với các video của họ ngày càng trẻ hóa.

Giữa tháng 9/2020, nam streamer có tiếng trong giới là Độ Mixi đã trở thành tâm điểm của mạng xã hội. Anh xuất hiện trong một phóng sự của VTV về thói văng tục chửi thề trong các video streaming trên nền tảng Youtube. Đây là lời cảnh báo kịp thời cho một trong “tứ hoàng” của giới streamer về đặc trưng chửi bậy trên kênh của anh.

Mặc dù, những buổi phát trực tiếp của Độ Mixi, đã gắn mác 18+ vì có ngôn từ tục tĩu. Nhưng thực chất Độ Mixi lại chưa áp dụng tính năng hạn chế nội dung (age-restricted), vốn được dùng trong trường hợp video có chứa ngôn từ thô tục, hình ảnh bạo lực, gợi dục hoặc mô tả hành vi nguy hiểm. Điều này khiến cho các video của anh có thể được xem bởi nhiều khán giả nhỏ tuổi.

Độ Mixi từng bị chỉ mặt trực tiếp trên sóng VTV vì dùng ngôn từ phản cảm trên sóng tream.

Ngay sau đó, “tộc trưởng” đã có thái độ cầu thị đúng mực qua bức tâm thư gửi vào nhóm kín, tập hợp các fan của anh cũng như lời xin lỗi chính thức đến khán giả. Độ Mixi còn hứa sẽ thay đổi từng ngày để cải thiện bản thân theo hướng lịch sự và tích cực hơn.

Những vụ việc của Độ Mixi hay MisThy tuy gây nhiều tranh cãi, nhưng đều là những lời thức tỉnh gửi đến giới streamer. Họ cần ý thức được rằng một khi đã là người của công chúng thì các streamer cần có cách cư xử đúng mực hơn, tránh lạm dụng quá nhiều ngôn ngữ phản cảm. Điều đó, không chỉ giúp cho họ mà còn tốt cho cả những người đang theo dõi họ.

Trên thực tế, việc văng tục trong các buổi phát trực tiếp còn có thể làm giảm khả năng tiếp cận đến nhiều khán giả hơn của các streamer. Sự tồn tại của nội dung xúc phạm có khả năng hạn chế những người chưa đủ tuổi đăng ký kênh. Nội dung này cũng khiến những khán giả lớn tuổi đang xem stream cùng con cái họ e dè hơn.

Mặt khác, khi các streamer được mời quảng cáo cho những thương hiệu và nhãn hàng nổi tiếng hay kinh doanh bên ngoài, thì hình tượng mà họ xây dựng trước đó trong mắt công chúng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Không một nhà tài trợ, nhãn hàng nào mong muốn khi tìm kiếm một đại diện trong giới streamer mà lại dính phải quá nhiều lùm xùm gay gắt.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thoi-vang-tuc-chui-the-trong-gioi-streamer-qua-be-boi-cua-misthy-post112319.html