Thời xa vắng, quà tặng Đại sứ Hoa Kỳ
Rồi tôi cũng có được một cái hẹn với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên vào một ngày nghỉ lễ. Nghỉ cũng chỉ là cách nói để tự an lòng của người viết bài này. Bởi thấy áy náy vì sắp quấy phiền công việc của người đứng đầu một thành phố đầu tàu...
Phòng bên ông đương có cuộc tiếp khách trọng. Một buổi làm việc thì đúng hơn. Với cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu đang có chuyến thăm TP.HCM
… Tôi đương mường tượng lại cũng tại căn phòng khách đó của Thành ủy, Bí thư Nguyễn Văn Nên có một buổi tiếp khách Mỹ. Cụ thể - ngày 15/4/ 2022. Khách là Đại sứ Mỹ, ngài Marc Knapper. Thời gian đó Đại sứ mới có một nhiệm kỳ mới tại Việt Nam.
Một chi tiết là lạ của cuộc tiếp mà sau này tôi chỉ mới được nghe. Báo chí cũng chưa thấy đăng. Ấy là Bí thư Nên đã tặng cuốn Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu cho Đại sứ Marc Knapper.
Vậy nên khi vừa gặp lại, tôi đã mạo muội gạn luôn ông về chi tiết này!
Cái cười cởi mở và ánh nhìn ấm áp cố hữu, bất ngờ ông hướng về phía tôi một câu hỏi đại để rằng tôi có quen biết nhà văn Lê Lựu không và tôi có thêm chuyện gì về nhà văn Lê Lựu ngoài những thông tin ông đã được nghe!
Trời đất! Tôi đâm lúng túng vì câu phỏng vấn ngược này.
Quen biết thì có. Mà những chuyện ông muốn biết (và chắc là đã biết?) thì truyền thông cùng mạng xã hội đã nói nhiều… Thoáng nghĩ thời gian ông ở cương vị Phó Ban Tuyên giáo T.Ư, ông có nhiều kênh về giới viết lách và văn nghệ sĩ?
Biết nói gì thêm về một cây viết danh tiếng của nước Nam này?
Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974. Các giải thưởng ông từng nhận được trong sự nghiệp văn chương của mình có giải A của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1990) cho tiểu thuyết Thời xa vắng... Hơn 40 đầu sách với hơn 50 năm cầm bút, Lê Lựu đã để lại cho nền văn học Việt Nam một tài sản khổng lồ. Nhân vật Giang Minh Sài trong Thời xa vắng đã bầu Lê Lựu trở thành tiểu thuyết gia hàng đầu của Việt Nam!
Hay trích ra đây nhận xét của giới phê bình Việt, đại loại, Lê Lựu là một trong những nhà văn đầu tiên đã chỉ ra bi kịch của đời sống con người khi chúng ta phải sống một cuộc đời không phải của mình, sống hộ người khác, vì người khác!
Tôi bộc bạch thêm với ông, năm 2005, lần ấy tới Boston tôi may mắn được ghé Trung tâm William Joiner (WJC). WJC là một tổ chức do các cựu binh Mỹ thành lập với chức năng nghiên cứu hậu quả chiến tranh do người Mỹ thực hiện tại Việt Nam, nhưng thay vì thực hiện những điều tra, thống kê về xã hội học, họ lại chọn văn chương để làm cầu nối qua “đại dương băng giá” của quan hệ Mỹ - Việt sau chiến tranh. WJC được coi đã là con tàu phá băng giữa lúc quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ còn chắc khừ băng giá. Các nhà văn Việt Nam và Hoa Kỳ qua gặp gỡ giao lưu với những hoạt động phong phú đã làm được nhiều việc mà ngay các nhà chính trị cũng phải ngạc nhiên!
Những Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Duy, Lê Lựu, Lê Minh Khuê, Tô Nhuận Vỹ… và nhiều cây viết Việt khác đã làm cái việc khai sơn phá thạch ấy. Từ WJC của Boston, họ được các bạn Mỹ tạo điều kiện thuận lợi để tỏa đi khắp các bang. Nhà văn Lê Lựu có lẽ hoạt động với hiệu suất cao nhất. Bởi sau những chuyến đi ấy về nước, Lê Lựu ngoài những bài viết trên nhiều báo, hơn năm trời là diễn giả của hàng trăm buổi nói chuyện về nước Mỹ. Độc đáo là người ta đã thâu vào băng cát xét những buổi nói chuyện đó. Những cuốn băng được bán rất chạy như những băng ca nhạc hót nhất thời bấy giờ.
Tôi bâng khuâng ngó chỗ Lê Lựu từng nằm. Khoảng hành lang chật chội mà Lê Lựu, Nguyễn Duy đã từng nép để hút thuốc lào. Cái khói thuốc thoạt kỳ thủy từng vương ở xứ lạ thuở Việt - Mỹ còn chưa có quan hệ bình thường như bây giờ?
Hay thêm những chi tiết một ông già Lê Lựu khốn khổ. Một Lê Lựu đương vướng nhiều trọng bệnh. 15 thứ bệnh mà bệnh nào cũng nan giải. Mỗi ngày, Lê Lựu uống thuốc nhiều hơn ăn cơm. Lê Lựu nhàu nhĩ, tiều tụy. Tấm thân nặng nề đè lên chiếc nạng.
Đâu rồi hình ảnh một Đại tá quân đội từng lăn lộn mọi nẻo chiến trường? Đâu rồi hình ảnh nhà văn Lê Lựu nói chuyện hàng giờ không nghỉ như thôi miên người nghe? Thoáng bên tai chất giọng rủ rỉ quen thương của ông: “Ngày trước, tôi cứ thức cả 3 tháng liền, tất cả các quyển sách tôi viết không bao giờ tôi viết quá 3 tháng. Quyển “Mở rừng” viết trong điều kiện ác liệt trận mạc như thế cũng chỉ viết 3 tháng, “Thời xa vắng” chỉ 3 tháng, “Chuyện làng Cuội” chỉ 3 tháng, tức là không có quyển sách nào tôi viết quá 3 tháng cả...”
Bây giờ bệnh tật và cô đơn. Trải qua 2 lần lấy vợ, có 3 người con nhưng giờ đây Lê Lựu sống cô đơn trong căn nhà mượn tạm ở phố Tam Trinh hẻo lánh của Hà Nội. Số tiền bán ngôi nhà trước đã dùng hầu hết cho tiền thuốc men, bệnh tật.
Vậy đó! Trong không khí thân gần, cuộc chuyện mà ông như cuốn tôi đi. Và vô tình tôi thoáng cảm giác mình như cú hích để vị Bí thư Thành ủy này cởi mở bộc bạch? Câu chuyện như động thái bổ sung cho nhau, như ló dạng thêm những chuyện, những nhận xét này khác?
Trong câu chuyện tôi khâm phục kiến thức về nhân văn đã khiến người đứng đầu việc quản trị thành phố ấy đã đến dâng hương nhang trước Đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt. Và cuộc gặp thân thiết với học giả Nguyễn Đình Đầu cũng như nhà văn hóa cao niên khác, cụ Nguyễn Văn Tư.
Hình như ông đương đề cập đến thông điệp của cuốn Thời xa vắng? Đến vấn đề muôn thuở là nhà văn phải có tài, phải có tiết tháo, rằng nhà văn đích thực có thể chấp nhận bị lạc thời chứ không lạc lối, như Lê Lựu chẳng hạn? Rồi bất ngờ, ông thong thả: Tôi thấy nó hạp…
Hạp? Hàm súc cô đọng ngon nghẽ thay khẩu khí của người Nam! Tức là hợp. Hợp lý, hợp tình của việc tặng sách.
Chúng tôi đương thoáng nhắc đến người được tặng sách. Ông bộc bạch rằng vị Đại sứ Marc E. Knapper này khá rành tiếng Việt, về tra thêm mới biết.
Marc E. Knapper từng là một viên chức ngoại giao cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Trước đó, ông là Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Hàn Quốc và Nhật Bản từ tháng 8 năm 2018 đến tháng 7 năm 2021. Trước khi đảm nhiệm vị trí này, ông là Đại biện lâm thời tại Seoul từ năm 2017 đến năm 2018. Các chức vụ trước đó của ông bao gồm Giám đốc phụ trách các vấn đề Ấn Độ, Giám đốc phụ trách các vấn đề Nhật Bản và các vị trí khác tại Seoul, Baghdad, Tokyo, Hà Nội.
Marc E. Knapper đã từng nhận Giải thưởng Phụng sự Xuất sắc của Ngoại trưởng, vinh dự ngoại giao cao nhất của quốc gia. Ông cũng từng nhận Giải thưởng Phụng sự Ưu tú của Tổng thống và Giải thưởng Nhà ngôn ngữ học của năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp loại xuất sắc nhất trường Đại học Princeton và từng theo học tại Đại học Tokyo, chương trình tiếng Nhật chuyên sâu của Đại học Middlebury, Đại học Chiến tranh Lục quân Hoa Kỳ và chương trình Nghiên cứu chuyên đề XXI của Viện Công nghệ Massachusetts. Ông có thể nói tiếng Hàn, tiếng Nhật và tiếng Việt.
Một nhà văn hóa đích thực? Quả là quý vật đã gặp được quý nhân.
Chưa có cái hân hạnh được gặp vị sứ thần Hoa Kỳ rành tiếng Việt để biết cảm tưởng của ông khi thưởng lãm cuốn Thời xa vắng, quà tặng của Bí thư Nên. Và nếu may mắn, những cảm tưởng ấy có chút gì gặp gỡ với cuộc trao đổi của hai người đọc chúng tôi về tác giả Lê Lựu một sáng tháng 9 ở Thành Hồ này lại cũng chẳng vui sao?
Đêm 9/11/2022
Nhà văn Lê Lựu (1942- 2022). Hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974. Các giải thưởng ông từng nhận được trong sự nghiệp văn chương của mình có giải A của Hội nhà văn Việt Nam (năm 1990) cho tiểu thuyết Thời xa vắng... Hơn 40 đầu sách với hơn 50 năm cầm bút, Lê Lựu đã để lại cho nền văn học Việt Nam một tài sản khổng lồ.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thoi-xa-vang-qua-tang-dai-su-hoa-ky-post1485447.tpo