Thơm mùa sen nở

Tháng 6, khi ánh nắng mặt trời ngày càng trở nên gay gắt thì mùa sen cũng vào chính vụ. Từ các đầm bãi, ao hồ màu hồng phớt, màu trắng ngà của hoa nổi bật giữa những lá sen xanh khỏe mạnh, óng chuốt. Gió hè lay rung từng búp hoa đung đưa, “ướp” đẫm không gian trong mùi thơm tinh khiết, ngọt ngào của sen nở.

Những bông hoa đua nhau khoe sắc giữa không gian rộng mở.

Những bông hoa đua nhau khoe sắc giữa không gian rộng mở.

Trên chân ruộng đồng chiêm trũng của các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Trực Ninh… từ hàng trăm năm nay cây sen tìm được môi trường thích hợp để phát triển. Nhờ đó, đời này qua đời khác, chỉ cần còn sót lại vài củ là sen có thể sinh sôi phát triển. Từ những củ ít ỏi, qua vài vụ, hình thành nên những ruộng sen, đầm sen. Theo những người trồng sen lâu năm trên địa tỉnh, hiếm có loại cây nào có sức sống bền bỉ, mạnh mẽ như sen. Và cũng hiếm loại cây nào “thương” người trồng như sen. Từ củ cho đến lá, thậm chí vỏ của hạt sen đều có thể dùng được. Người trồng sen lại không mất nhiều công sức gây giống, trồng một lần có thể cho thu hoạch nhiều vụ.

Công nhân thu hoạch sen tại đầm nhà anh Vũ Ngọc Duy, thôn Ninh Vinh Trạch, xã Trực Chính (Trực Ninh).

Công nhân thu hoạch sen tại đầm nhà anh Vũ Ngọc Duy, thôn Ninh Vinh Trạch, xã Trực Chính (Trực Ninh).

Đứng giữa cánh đồng sen rộng mênh mông của anh Vũ Ngọc Duy, thôn Ninh Vinh Trạch, xã Trực Chính (Trực Ninh), chúng tôi có cảm giác như “lạc” vào một khu vực trồng sen bất tận. Năm 2020, anh Duy cùng một nhóm bạn quan tâm đến mô hình làm nông nghiệp sạch thuê 2,6ha đất trồng dâu nuôi tằm ở xã Trực Chính và bắt tay trồng sen.

Thu hoạch củ sen ngay tại đầm.

Thu hoạch củ sen ngay tại đầm.

Mục đích của họ là trồng sen lấy củ để chế biến thành các loại trà củ sen, tinh bột củ sen. Theo đó, họ chú ý chọn những giống sen cho củ to, trắng, nạc, ăn giòn, bùi... để trồng. Quá trình trồng, để đảm bảo cho sen sinh trưởng và phát triển tốt, anh Duy chú trọng việc chăm sóc, bón phân phù hợp. Sau khoảng 5-6 tháng trồng, sen đã cho thu hoạch củ, thời gian thu hoạch thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Để đảm bảo mẫu mã, chất lượng của củ sen, nhóm của anh Duy đã thuê công nhân thu hoạch củ bằng máy bơm sục.

Củ sen được thái lát cho vào sấy lạnh.

Củ sen được thái lát cho vào sấy lạnh.

Với mong muốn tăng giá trị và giá thành sản phẩm cho củ sen, nhóm của anh Duy còn chế biến củ sen tươi thành tinh bột củ sen, vừa giúp tăng thời gian bảo quản sản phẩm, vừa giúp người tiêu dùng dễ dàng sử dụng. Ngoài chế biến củ thành các loại bột, anh Duy còn tận dụng các phụ phẩm của sen như lá để chế biến thành trà lá sen cho giá trị kinh tế cao. Với giá bán trà củ sen 390 nghìn đồng/kg, tinh bột củ sen 700 nghìn đồng/kg, trà lá sen 350 nghìn đồng/kg, củ sen tươi 25-28 nghìn đồng/kg… sen đã, đang và giúp anh Duy trở thành… tỷ phú.

Ngoài trà củ sen, cây sen còn có thể chế biến thành trà lá sen và tinh bột củ sen.

Ngoài trà củ sen, cây sen còn có thể chế biến thành trà lá sen và tinh bột củ sen.

Làng Đại Đê, xã Đại An (Vụ Bản) vài năm trở lại đây trở thành điểm du lịch “thời vụ”, thu hút rất đông người đến thăm quan, đặc biệt là chị em. Lý do là bởi trong làng có khá nhiều ruộng sen, ao sen to đẹp. Cuối tháng 5, đầu tháng 6, đã thấy từng tốp các chị em “xúng xính” áo quần tìm đến các ao sen chụp ảnh. Chị Hoàng Thanh Trang, đường Văn Cao, thành phố Nam Định cho biết: “Từ năm ngoái, tôi đã nghe các chị em trong tổ dân phố “kháo” về các ao, hồ sen ở làng Đại Đê và rủ nhau xuống chụp ảnh. Năm nay tôi mới có điều kiện để xuống đây tham quan, chụp các bộ ảnh yêu thích. Các ao sen ở Đại Đê rất đẹp, hoa nở đều, nước sạch sẽ. Lựa một ngày cuối tuần mát mẻ, mang theo vài bộ áo dài, áo tứ thân, mua chục bông sen trắng tinh là chúng tôi đã có ngay bộ ảnh đẹp".

Đầm sen nhà chị Ngô Thị Thắm làng Đại Đê, xã Đại An (Vụ Bản) thu hút khách dịp cuối tuần.

Đầm sen nhà chị Ngô Thị Thắm làng Đại Đê, xã Đại An (Vụ Bản) thu hút khách dịp cuối tuần.

Làng Đại Đê hiện có nhiều hộ gia đình trồng, kinh doanh sen. “Nối nghiệp” nhà từ đời ông bà, chị Ngô Thị Thắm đã duy trì, mở rộng ao sen của gia đình lên diện tích 7 sào. Cũng như các hộ gia đình trồng sen khác, quá trình trồng cấy, chị Thắm chú trọng từ khâu tạo môi trường nước sạch đến khâu chọn giống, khoảng cách trồng các gốc sen… Đảm bảo đúng các yêu cầu kỹ thuật, thông thường từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6 ruộng sen của chị đã nở rộ. “Khi sen nở rộ, người trồng chưa muốn bán thì cũng có nhiều cách để “hãm” hoa lại… Tuy nhiên đó là bí quyết riêng của từng gia đình, đòi hỏi phải có thời gian, kinh nghiệm trồng tích lũy qua nhiều đời sen”, chị Thắm chia sẻ.

Đầm sen nhà chị Ngô Thị Thắm thu hút khách dịp cuối tuần đến chụp ảnh.

Đầm sen nhà chị Ngô Thị Thắm thu hút khách dịp cuối tuần đến chụp ảnh.

Trung tuần tháng 6, mỗi đài sen trong ao của chị Thắm đã to như cái ấm chuyên, sen vào mùa thu hoạch. Tùy từng năm, chị có thể bán hoa, bán sen chè hoặc sen não. 5, 6 năm trở lại đây là thời điểm sen được giá. Hiện, giá 1kg sen chè tại ao dao động trong khoảng 40-60 nghìn đồng/kg; 40-60 nghìn đồng/10 bông hoa; 60 nghìn đồng/kg lá sen khô; đài sen 30 nghìn đồng/kg... Ngoài ra, vào mùa sen chị Thắm còn có nguồn thu từ dịch vụ du lịch chụp ảnh với hoa sen. Tính “sơ sơ” với 7 sào sen, mỗi năm, trừ chi phí chị thu được 40-50 triệu đồng.

Dịu dàng và thanh tao, mỗi độ hè sang, những ao sen, ruộng sen, hồ sen trên địa bàn tỉnh lại đua nhau bung nở, điểm tô cho bờ bãi, xóm làng, vùng quê vẻ đẹp không thể lẫn của “quốc hoa” ngạt ngào hương sắc. Để người đi xa về gần thêm nhớ, thêm thương rồi yêu./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân – Văn Huỳnh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tieu-diem/202406/thom-mua-sen-no-9b70b9e/