Thơm ngát mùa quả ngọt

Gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Bắc Giang xuất hiện nhiều làng kiểu mẫu, làng du lịch. Từ cảnh quan môi trường, đường làng, ngõ xóm đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, trở thành những vùng quê đáng sống, hoa trái thơm ngát bốn mùa.

An vui và thanh bình

Bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế, tinh Bắc Giang) đón tôi bằng một không khí thanh bình đến lạ. Ập vào tôi là cảm giác nhẹ bẫng và chỉ có thể thốt lên: Bình yên quá! Bình yên, không chỉ bởi những đồi chè, đồi hoa dịu dàng tỏa hương thơm ngát, mà còn bởi vùng quê không bị nhuốm màu đô thị hóa này khoác tấm áo thanh tịnh khó diễn tả... Vào mùa xuân, không khí nơi đây càng trở nên trầm ấm, nhưng vẫn gợi những nét tươi vui của một vùng quê đáng sống. Từng nhóm thiếu nữ đến đây, ùa ra với thiên nhiên, thỏa sức tạo dáng, tạo nên nét chấm phá thật đẹp trong nắng xuân ngời. Nét mộc mạc, nên thơ làm sáng một vùng đồi.

Vườn chè tại Bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế).

Bản Ven có tới 95% số dân là người dân tộc Sán Chay (nhóm Cao Lan) biết tận dụng lợi thế của thiên nhiên, văn hóa để hình thành một sản phẩm du lịch đặc sắc có cái tên thật gợi - “về làng”. Về Bản Ven là “về làng” theo đúng nghĩa, khách được đắm mình trong không gian đình, chùa cổ kính, giếng nước và cây lim nghìn tuổi. Đình làng của người Cao Lan được xây dựng theo kiến trúc mái cong lợp ngói vẩy, khung dựng theo kiến trúc nhà sàn cổ nhưng không làm sàn, chạm khắc những họa tiết hoa văn truyền thống tượng trưng cho nước, lửa và mây trời.

Nếp nhà sàn của người Cao Lan không cầu kỳ, nằm hiền hòa, xen kẽ những vạt chè. Điều đáng mừng hơn nữa, sản phẩm Du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven được công nhận là sản phẩm OCOP ba sao, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho phát triển bền vững. Người dân Bản Ven vồn vã, hiếu khách và còn rất nhạy bén khi kết nối với các bản chung quanh tạo nên sự đa dạng cho điểm du lịch cộng đồng.

Về Bản Ven còn là về nhà, nơi lữ khách có thể được dừng nghỉ dưới nếp nhà sàn, thưởng thức bữa cơm thuần vị quê nhà, được tự tay hái lá trà xanh để ủ nước uống, hay có thể vào bếp cùng người dân nơi đây nổi lửa nấu một bữa cơm với món đặc sản gà đồi Yên Thế, cá và rau sạch.

Về “xã quan họ” Ninh Sơn (Việt Yên), tôi cũng được trải nghiệm cảm giác thanh bình. Nhưng thanh bình theo sự sôi động và sức sống của một vùng quê quan họ nổi tiếng. Xã Ninh Sơn có bốn làng quan họ vẫn đang tích cực truyền dạy cho các thế hệ con cháu, phát huy giá trị di sản của cha ông, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Nạp chia sẻ: “Quê hương tôi thanh bình, người dân yên vui vì giữ gìn được nét đẹp quan họ. Riêng xã tôi có bốn làng quan họ cổ là Hữu Nghi, Giá Sơn, Nội Ninh, Mai Vũ, có sáu người được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Đó là niềm tự hào, cũng là động lực để chúng tôi mang tình yêu, tiếng hát đi giao lưu, quảng bá, giữ gìn vẻ đẹp quê hương...”.

Từ nhiều năm qua, ở cả bốn làng của Ninh Sơn đều có câu lạc bộ (CLB) dân ca quan họ, sau đó phát triển lên, đến nay cả bảy làng của xã đều có CLB dân ca quan họ với tổng số hơn 200 thành viên. Đồng thời, xã có một CLB chung để thường xuyên phục vụ giao lưu, biểu diễn trong các dịp lễ, xuân, hội nghị.

Thân thương những mùa quả ngọt

Huyện Yên Dũng nức tiếng với giống lúa thơm, được bao bọc bởi sông Cầu và sông Thương. Dường như, phù sa của những con sông nổi tiếng này đã lắng đọng thành hoa, thành trái, tạo nên những mùa màng bội thu. Khi tìm hiểu chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), chúng tôi càng khẳng định nhờ hương đất, tình sông và những bàn tay chịu khó, hay làm đã mang lại những mùa hoa trái ngọt thơm, những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Đến nay Yên Dũng có 22 sản phẩm được công nhận OCOP. Sản phẩm OCOP của Yên Dũng đang từng ngày vang xa, cho thấy những bước đi đúng hướng trong mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng NTM của huyện. Từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, người dân Yên Dũng hào hứng góp công, góp của, hiến đất, cùng xây dựng quê hương. Nhờ thế mà có những con đường hoa thật đẹp, nhiều đường làng, ngõ xóm trước đây chật hẹp, lầy lội nay đã trở nên phong quang.

Huyện cũng nỗ lực xây dựng các xã, thôn NTM kiểu mẫu. Trong đó, xã Cảnh Thụy đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về giáo dục. Để đạt thành tích này, xã Cảnh Thụy đã tập trung thực hiện mục tiêu dựa vào thế mạnh của địa phương; chọn thôn Đông để xây dựng mô hình thôn thông minh và lĩnh vực giáo dục và thôn Bình Voi là thôn NTM kiểu mẫu với mặt nổi trội là nông nghiệp. Song có một sự chuyển biến rõ hơn nữa ở những thôn NTM kiểu mẫu là người dân tích cực, chủ động phát triển các mô hình kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Hầu hết các hộ dân tập trung cải tạo vườn tạp theo mô hình nhà sạch - vườn đẹp, đưa cây rau, cây ăn quả giá trị kinh tế cao vào trồng.

Xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho nhân dân, thay đổi sắc diện nông thôn. Người dân hãnh diện, vui mừng vì những mùa hoa trái thơm ngọt, mùa xuân no ấm. Và hơn thế, họ sẵn sàng tiếp tục vun bồi những mùa hoa trái trên mỗi miền quê đáng sống.

Xã Lãng Sơn được huyện lựa chọn xây dựng xã NTM kiểu mẫu năm 2023, trên nền tảng là xã đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020, đến nay đã không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí, 100% tuyến đường được nhựa hóa và bê tông kiên cố. Trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, các nhà văn hóa thôn được nâng cấp, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, thu nhập bình quân ước đạt 63,8 triệu đồng/người/năm.

Vui mừng trước những thành tựu của quê hương, ông Ngụy Thế Kiên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Dũng cho biết, xây dựng thôn NTM kiểu mẫu đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cuộc sống của người dân. Vai trò chủ thể của mỗi người được thể hiện trong phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.

Còn ở Việt Yên, năm 2023, huyện có kế hoạch xây dựng 10 thôn NTM kiểu mẫu. Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, các xã đăng ký bổ sung 19 thôn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thôn kiểu mẫu thực hiện năm 2023 lên 29 thôn. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 - 2025. Huyện đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có trên 85% hồ sơ công việc cấp huyện, 65% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho nhân dân, thay đổi sắc diện nông thôn. Người dân hãnh diện, vui mừng vì những mùa hoa trái thơm ngọt, mùa xuân no ấm. Và hơn thế, họ sẵn sàng tiếp tục vun bồi những mùa hoa trái trên mỗi miền quê đáng sống.

TK (Theo baobacgiang.vn)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/thom-ngat-mua-qua-ngot-210319.htm