Thơm ngon bánh chưng gói bằng lá chít ở Bắc An
Bánh chưng gói bằng lá chít là một sản vật đặc trưng ngày Tết của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Bắc An (Chí Linh).
Với bà con nơi đây, Tết không có bánh chưng gói lá chít thì coi như thiếu vị.
Không biết có từ bao giờ
Cứ độ 28-29 Tết hằng năm, đồng bào một số dân tộc thiểu số sinh sống ở các thôn Mệnh Trường, Bãi Thảo, Trại Chín thuộc xã Bắc An như Sán Dìu, Hoa... lại men theo những khe suối của dãy núi Trán Vâm, Dây Diều, rừng Đình để thu hái lá chít về gói bánh chưng ăn Tết.
Trên các dãy núi rừng ở Bắc An có rất nhiều cây chít. Những cây chít mọc thẳng đứng thành từng bụi to ngay cạnh bờ suối, cao độ 1-1,5m. Lá chít có màu xanh gần giống với lá dong, dài khoảng 35cm, rộng 8-10 cm. Đồng bào ở đây dùng dao sắc chặt cả cây hoặc chỉ tỉa chọn những lá ứng ý nhất.
Bà con dân tộc thiểu số ở Bắc An không biết bánh chưng gói bằng lá chít ra đời như thế nào, chỉ biết từ bé đã được nghe ông bà truyền lại. Có thể từ cách đây hàng trăm năm, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã làm điều này.
Thứ cây tự nhiên mọc trong rừng được đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc An sử dụng gói bánh chưng. Các thế hệ con cháu của họ cứ thế tiếp nối giữ gìn, tạo nên phong tục văn hóa ẩm thực ngày Tết rất đặc trưng. Chị Từ Thị Cúc (người dân tộc Sán Dìu) sinh sống ở thôn Mệnh Trường chia sẻ: "Chợ quê mình giờ bán đầy lá dong, ngay trên núi, trên rừng cũng mọc đầy loại lá này. Mặc dù vậy, chúng tôi, thậm chí có cả các gia đình người Kinh vẫn chọn lá chít để gói bánh. Chúng tôi quen với việc này rồi. Đón Tết mà không có lá chít thì thiếu màu sắc lắm".
Thơm ngon, nhiều người thích
Công đoạn gói bánh chưng bằng lá chít cơ bản giống với cách gói bằng lá dong nhưng phải sử dụng nhiều lá hơn. Do lá chít nhỏ, ngắn hơn nhiều so với lá dong nên chỉ có thể gói bánh chưng hình tròn dài giống như giò lợn nhưng nhỏ hơn. Thông thường đồng bào ở đây phải sử dụng 10-12 lá để gói một chiếc bánh.
Lá chít sau khi thu lượm từ rừng về sẽ được rửa sạch, luộc qua nước sôi 2-3 phút cho mềm, bỏ bớt phần đầu và đuôi. Lá chít được xếp dở đầu đuôi, đổ một lớp gạo lên, thêm nhân đỗ, thịt hoặc nhân ngọt, phủ thêm một lớp gạo nữa và buộc túm bằng lạt giang. Về cơ bản, nguyên liệu, cách gói bánh chưng bằng lá chít không khác mấy so với gói bằng lá dong.
Bánh chưng gói bằng lá chít được luộc trên bếp củi khoảng 12 tiếng thì vớt ra để ráo nước. Đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc An chọn những bánh đẹp nhất để dâng cúng lên bàn thờ tổ tiên thể hiện sự tri ân với đấng sinh thành. Bữa cơm ngày Tết của bà con nơi đây có nhiều món nhưng không thể thiếu được bánh chưng gói bằng lá chít. "Bánh chưng gói bằng lá chít tuy không xanh bằng lá dong nhưng ăn đậm, thơm và ngon hơn gói bằng lá dong. Một ưu điểm nữa là bánh gói bằng thứ lá này để được khá lâu, không lo bị ôi thiu nhanh", anh Cửu cho hay.
Chị Hòa - một người Kinh sinh sống ở phường Hoàng Tân cho biết: "Cách đây mấy năm, tôi lần đầu được thưởng thức loại bánh chưng này và lập tức mê luôn hương vị của nó. Từ đó đến nay, cứ vào dịp Tết tôi lại vào đây nhờ người lấy hộ lá chít trên rừng về gói bánh".
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/am-thuc/thom-ngon-banh-chung-goi-bang-la-chit-o-bac-an-126555