Cách Tết Nguyên đán Âm lịch chừng 2 tháng, những gia đình làm bánh mè truyền thống ở thôn Trì Bình (xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bước vào vụ sản xuất lớn nhất trong năm. Ảnh: Hà Phương
Bánh mè chuẩn vị phải làm từ gạo Khang Dân. Gạo được vo sạch, để ráo nước và trộn thêm bột nghệ để có màu sắc hấp dẫn. Ảnh: Hà Phương
Gạo được xay kỹ cho tơi mịn. Ảnh: Hà Phương
Tiếp đó rây và ép vào khuôn, tạo thành những miếng bánh có hình ô vuông nhỏ. Ảnh: Hà Phương
Bánh được đặt vào nồi hấp cho chín. Ảnh: Hà Phương
Công đoạn tiếp theo là dàn bánh đã hấp chín lên tấm lưới, bên dưới có than nóng để sấy khô. Ảnh: Hà Phương
Bánh đã sấy khô rất thơm, giòn. Ảnh: Hà Phương
Sau đó bánh được nhúng vào nước đường đã nấu dẻo, pha thêm cốt chanh để tránh "lại đường". Ảnh: Hà Phương
Tiếp đó lăn qua mè đã rang thơm. Ảnh: Hà Phương
Chiếc bánh mè đã hoàn thiện. Ảnh: Hà Phương
Bánh được để nguội và khô ráo trước khi đóng gói, mang đi tiêu thụ. Ảnh: Hà Phương
"2 công đoạn quan trọng nhất trong làm bánh mè là sấy bánh và thắng đường. Sấy bánh phải canh kỹ, nếu không bánh cháy hết. Thắng đường phải chuẩn để không bị lại cát. Thợ làm bánh chỉ sơ sểnh một chút thôi là bánh cháy, bánh khô, không ăn đường, không ăn mè", bà Võ Thị Kim Hoanh (60 tuổi, thôn Trì Bình)– người có kinh nghiệm làm bánh mè từ khi 13 tuổi- chia sẻ. Ảnh: Hà Phương
Vị bánh mè ngọt thanh, giòn xốp, ăn không ngán nên nhiều khách hàng mua về làm quà biếu, tặng dịp Tết. Ảnh: Hà Phương
Với các nguyên liệu chính là bột gạo, mè, đường, bánh mè giòn xốp, thơm ngon đã trở thành món bánh truyền thống được thị trường rất ưa chuộng. Ảnh: Hà Phương
Nếu như ngày thường, một hộ sản xuất khoảng 2.000-3.000 bánh thì gần đến Tết, sản lượng tăng gần gấp đôi. Để kịp sản xuất cung ứng cho nhu cầu tăng cao của thị trường, các xưởng sản xuất bánh mè đều phải huy động thêm nhân công. Ảnh: Hà Phương
Hà Phương