Thơm thảo bánh tẻ quê nhà

Thơm ngạt ngào nơi đầu nhà góc bếp, háo hức chờ mong bên lửa đỏ than hồng, chộn rộn đói lòng giữa cái se sắt ngày xuân. Cái cảm giác ấy mãi sau này tôi mới diễn tả được chứ ngày bé thì chỉ biết ngon và thích.

Thích lắm mỗi khi mẹ làm bánh, ngon lắm cái dẻo thơm hôi hổi nóng, cay cay nồng. Thứ bánh đã neo vào tâm thức tuổi thơ tôi có cái tên thật dễ nhớ: Bánh tẻ. Đơn giản vì bánh làm từ gạo tẻ. Thứ gạo ấy dân gian đã ví là “mẹ ruột”. Ngẫm lại mới thấy cái hay của người quê tôi. Chả là ngày Tết sau bao nhiêu bánh chưng, xôi gấc, chè kho làm bằng gạo nếp dễ khiến bụng cồn cào thì người ta mới nhớ đến cơm tẻ. Nhưng Tết đến ai lại thổi nồi cơm trắng ăn với canh rau, phải làm đồ cúng gia tiên rồi mời khách khứa, bạn bè. Thế nên bánh tẻ khi ấy là sự lựa chọn hợp lý nhất, cứ ăn no đi mà không hề nóng ruột, không chán, không ngán, mà vẫn đượm vị Tết.

Tiết trời se lạnh, những tàu lá dong đanh lại xanh ngăn ngắt. Mẹ chọn những tàu lá nhỏ bằng đôi bàn tay để làm bánh. Lá dong được gột rửa dưới nước mưa trở nên xanh bóng, mượt mà. Bánh ngon phải có gạo tốt. Hạt thóc gặt về phơi vừa dưới nắng, non quá thì bở bùng bục mà già nắng thì hạt gạo đớn xay xát toàn tấm vụn. Những hạt thóc quê qua bao lần dăn dở dưới sân gạch cho khô mới đem đi xát, ngâm kỹ trong nước, nghiền dưới cối đá, để cuối cùng cho ra một thứ bột trắng tinh, sóng sánh, mịn màng. Việc kỳ công nữa phải kể đến công đoạn ráo bột cách thủy, nghĩa là làm sánh bột bằng hơi nước. Lửa thúc to quá nồi sẽ bén, sẽ khê, quấy chậm không đều tay thì bột sẽ vón thành từng cục. Thế nên mẹ phải đảo lên, đánh xuống, xoay vòng đôi đũa cả đều đặn liên tục dưới bếp lửa liu riu. Công việc ráo bột âm thầm nhẫn nại như chính cuộc đời lam lũ của người nhà quê. Bao giờ cũng vậy, ráo xong nồi bột mặt mẹ bừng bừng đỏ. Đôi bàn tay chai sần khi ấy ấp vào má tôi ấm rạo rực.

Có bột rồi thì phải có nhân. Thứ nhân bánh gói ghém trong đó là thịt, hành, mộc nhĩ dai giòn sừn sựt, là vị tiêu cay ấm nồng, là sự khéo léo tảo tần của người làm. Tất cả được xào xáo lên trên ánh lửa rực hồng để đánh thức mọi giác quan cùng thi nhau náo nức. Cảm giác con trẻ đợi chờ miếng bánh trong mùi vị đầy kích thích ấy lại càng nôn nao. Nhưng hãy kìm nén lại để đôi tay mẹ nhẹ nhàng lướt thìa bột trên từng tàu lá. Mỗi lượt bột trải ra, mẹ tra ít nhân thơm phưng phức, rồi cẩn thận gói lại. Thon nhỏ như đôi ngón tay xinh, những chiếc bánh xếp gọn ghẽ trong nồi. Bếp lửa lại bập bùng, nghi ngút hơi nóng, ngào ngạt mùi thơm.

Bánh chín bóc ra xanh trong màu lá, khẽ cầm hai đầu có thể uốn cong cầu vồng được. Bao nhiêu vị mềm thơm ngầy ngậy, dai giòn, cay ấm cứ thế hân hoan dội về thích thú. Cái cảm giác ấy cả năm trời mới được đánh thức và theo mãi suốt thời ấu thơ. Bánh quê thơm ngon là vậy nhưng không nổi tiếng như nơi khác là bởi bánh chỉ loanh quanh nơi đầu làng cuối xóm, làm vào dịp Tết để ăn, ai nghĩ chuyện buôn bán. Thế nên tôi vẫn hằng ước ao con cháu trong làng đi làm ăn xa sẽ mang bánh tẻ đi muôn phương giới thiệu. Để một ngày không xa, món bánh thơm thảo ấy sẽ thành đặc sản vùng miền.

THƯ NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/thom-thao-banh-te-que-nha-652426