Thơm thảo quà quê
“Ăn cỗ chín lợn mười trâu không ngon bằng tép dầu Đầm Vạc” hay “Dứa Hướng Đạo, gạo Long Trì”… là những câu ca khiến người ta nhắc nhớ lâu hơn, nhiều hơn về Vĩnh Phúc - vùng đất không chỉ nổi tiếng với nhiều danh lam và phong cảnh hữu tình. Những thức quà quê thơm thảo ấy không biết từ bao giờ đã trở thành một phần đặc sản của quê hương Vĩnh Phúc, nay, theo chân lữ khách đến với khắp mọi miền.
Dường như mỗi miền quê trong tỉnh đều đóng góp vài ba sản phẩm, món ăn nổi tiếng để làm dày dặn hơn cho "tấm menu" ẩm thực phong phú, đa dạng của Vĩnh Phúc. Mỗi món ăn hay thức quà ấy đều được sử dụng nguyên liệu từ chính ruộng nương, đồng bãi, sông suối quê nhà; đều có chung sự dung dị và được chưng cất từ đôi bàn tay tảo tần, khéo léo của những người thôn quê.
Vùng đất Lập Thạch được biết đến với đặc sản cá thính nổi tiếng. Món cá thính ra đời từ thực tế đời sống nhà nông nhọc nhằn, lam lũ. Thường thì loại cá trắm và cá mè được chọn làm nguyên liệu chính; thêm phần thính thơm được làm từ ngô, gạo nếp hoặc đậu tương cộng với công thức đặc biệt là đã có món cá thính thơm ngon, béo ngậy.
Còn nhớ năm 2007, cô giáo Đỗ Thị Kim Huế, Trường tiểu học Xuân Hòa, huyện Lập Thạch đã xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Văn hóa ẩm thực các tỉnh khu vực phía Bắc với món ăn này, góp phần vinh danh thương hiệu cá thính Lập Thạch.
Ngày nay, không chỉ có mặt tại các phiên chợ quê, trong những bữa cơm của riêng người dân vùng đất ấy, mà cá thính Lập Thạch đã “bước ra” thành phố, hiện diện tại những cửa hàng giới thiệu sản vật Vĩnh Phúc; được nhiều du khách chọn mua làm quà khi dừng chân qua đây.
Góp mặt trong mâm cỗ cưới, hỏi của người dân Sông Lô thường có món bánh gai Tứ Yên. Bánh gai được làm từ gạo nếp thơm, mật mía, lá gai, đỗ xanh, dừa nạo và được gói bằng lá chuối khô. Sau đó, bánh sẽ được hấp lên đến độ vừa chín tới…
Nghề làm bánh gai đã có từ lâu đời ở xã Tứ Yên và nay đã trở thành một nghề đem lại thu nhập khá cho không ít gia đình. Thời gian qua, người dân và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ…
Làng Tứ Yên còn được biết đến với món chè kho nổi tiếng. Tương truyền, đây là một trong những món ăn được quân lính của vua Lý Nam Đế xưa kia mê mẩn. Nét duyên ngầm của món chè kho này chính là vị ngọt thanh tao, hương thơm của gừng phảng phất cùng vị bùi bùi của đỗ xanh.
Còn nhiều loại bánh gắn liền với cái tên của mỗi miền quê như bánh ngõa Lũng Ngoại, bánh trùng mật mía (Vĩnh Tường), bánh nẳng chợ Tràng (Sông Lô), bánh hòn cháo se (Hương Canh, Bình Xuyên) rồi rượu dừa Tiên tửu Ngọc Hoa (Yên Đồng, Yên Lạc)… Mỗi thức quà quê đều có những hương vị riêng, mang nét đặc trưng của vùng đất và con người nơi ấy.
Không ít người quen có dịp đến Vĩnh Phúc công tác, du lịch đều ngỏ ý muốn chúng tôi mua giúp ít tép dầu Đầm Vạc để thưởng thức “cái sự nổi tiếng” bấy lâu nay. Thế nhưng có phải lúc nào cũng mua được tép dầu mà đúng loại có trứng ngon hảo hạng ấy đâu. Thường chỉ từ tháng 8 đến hết tháng 10, khi sương chiều như làn khói xanh lam mờ tỏa trên mặt hồ, tép dầu làm một cuộc hành trình quanh hồ để đẻ trứng. Đó cũng chính là thời điểm thích hợp để người ta đánh bắt chúng. Thế nên, không ít người đã từng nhiều lần đến Vĩnh Phúc vẫn nhỡ hẹn với món ăn có tiếng này.
Các bạn trẻ khi đến Vĩnh Phúc du lịch cũng thường băn khoăn là nên mua gì về làm quà. Câu hỏi này được các bạn chia sẻ nhiều trên các group, diễn đàn, trang thông tin du lịch và đã nhanh chóng có những gợi ý thiết thực, cụ thể.
Tuy nhiên, bên cạnh một vài sản phẩm có sẵn ở các cửa hàng và dễ dàng tìm mua được ngay như cá thính Lập Thạch, bánh gai, rượu dừa tiên tửu Ngọc Hoa, su su Tam Đảo… thì thường, những món khác, du khách phải đến tận địa phương mới có thể thưởng thức và mang về. Vấn đề này cũng chính là sự gợi mở cho bài toán quảng bá sản phẩm địa phương, nâng cao thương hiệu để du khách có thể dễ dàng tiếp cận khi đến với Vĩnh Phúc...
Dù sao, một sớm cuối Đông trong tiết trời se se lạnh, nhìn những gánh quà quê của các bà, các mẹ kịp về đến phố, mang theo hương vị của ruộng đồng, của sự tảo tần, chịu thương chịu khó, của nét riêng có của một chút gì rất riêng Vĩnh Phúc… lòng chợt ấm áp, tự hào biết bao.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/van-hoa-van-nghe/72838/thom-thao-qua-que.html