Thôn Suối Lau 2, xã Suối Cát: Bãi rác đã được cải tạo hiệu quả
Sau 1 năm triển khai, đến nay, mô hình xử lý, chuyển đổi từ bãi rác thành vườn cây xanh ở thôn Suối Lau 2 (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã phát huy hiệu quả thiết thực.
Theo bà Mấu Thị Thủy (Khu tái định cư thôn Suối Lau 2), 1 năm nay, từ khi bãi rác lớn ở cạnh khu dân cư được di chuyển, xử lý và trồng cây xanh, không gian sống của người dân rất trong lành, không còn tình trạng mùi hôi thối nồng nặc từ rác thải, ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt như trước đây. Sống giữa không gian xanh và thường xuyên được chính quyền địa phương tuyên truyền nên người dân trong khu tái định cư cũng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, rác thải được bỏ vào thùng rác, đem đi xử lý, giảm hẳn tình trạng vứt rác bừa bãi.
Ông Lê Thành Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết, để người dân thôn Suối Lau 2 được sống trong môi trường trong lành như ngày hôm nay, đó là nhờ những chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Cam Lâm.
Được biết, trong suốt 5 năm (2015-2020), bãi rác tạm tại thôn Suối Lau 2 có quy mô 1,5ha là nơi tập kết rác của 7 thôn ở xã Suối Cát với khối lượng khoảng 100 tấn rác tồn đọng, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2021, Khu tái định cư Suối Lau 2 được hình thành với quy mô 3,04ha, kinh phí đầu tư 14,95 tỷ đồng nhằm phục vụ cho người dân bị thu hồi đất bởi dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Để bảo đảm vệ sinh môi trường cho người dân trong khu tái định cư, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí cùng các phương án xử lý 100 tấn rác tồn đọng nói trên và giao cho UBND huyện Cam Lâm chủ trì thực hiện giai đoạn 2021 - 2022 với kinh phí hơn 486 triệu đồng. Sau khi xử lý bãi rác tạm, bãi rác mới được hình thành ở một vị trí khu đất trống (thuộc xã Suối Cát) cách xa khu dân cư.
Theo bà Lê Phạm Thùy Ngân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, với khối lượng rác lớn tồn đọng ở bãi rác Suối Lau 2, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tiến hành thu gom và dùng chế phẩm sinh học, thuốc xử lý mùi hôi, hóa chất diệt ruồi, vôi bột để xử lý trước khi dùng đất phủ bãi chôn lấp rác thải. Cùng với đó, hoàn thành việc phát quang, san ủi với diện tích 20.000m2 tại khu vực phía trong bãi rác. Sau khi san ủi, dọn dẹp, xử lý đã phủ đất hoàn thổ, tạo mặt bằng để trồng hơn 2.000 cây keo, mật độ 1,5m/cây.
Cùng với việc trồng cây xanh phục hồi môi trường, hiện nay, UBND huyện Cam Lâm còn thường xuyên tuyên truyền qua loa phát thanh, treo các pano, biển khu vực cấm đổ rác, mức phạt đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải không đúng nơi quy định. Qua đó, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân ở Khu tái định cư Suối Lau 2 nói riêng và trên địa bàn huyện nói chung.
Hiện nay, toàn huyện Cam Lâm chưa có khu xử lý rác thải tập trung, các bãi rác chỉ là tạm thời. Các bãi rác tạm sau khi di chuyển đến vị trí mới, khu đất ở vị trí cũ nhiều nơi chưa được xử lý môi trường nên đất đai hoang hóa và lãng phí nguồn tài nguyên. Do đó, việc cải tạo, xử lý, chuyển đổi bãi rác thành vườn cây xanh như mô hình ở thôn Suối Lau 2, xã Suối Cát là cách làm hiệu quả, cần được áp dụng và nhân rộng để phục hồi môi trường, tạo không gian xanh, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
THÁI THỊNH