Thổn thức tết xa quê

Cứ mỗi độ mai vàng đua nở, phố phường tràn ngập những giai điệu tết, lòng người lại chộn rộn. Giờ này ở quê, chắc cha đang tất bật chăm mấy chậu vạn thọ, mẹ ra chợ mua đường làm mấy món mứt quê, chờ con cháu về sum họp. Nhưng đối với những người con xa quê, tết lại là khoảng thời gian chạnh lòng với nỗi nhớ nhà da diết...

1. Ngược với sự rộn ràng chờ tết của mọi người, 8 năm qua, chị Võ Huỳnh Mai (SN 1996, ngụ xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) hiện sinh sống và làm việc tại thành phố Aira, tỉnh Kagoshima (Nhật Bản), ngậm ngùi đón tết xa quê. Đó là khoảng thời gian khá dài mà chị chỉ sum họp với gia đình qua màn hình điện thoại.

Dịp Tết Nguyên đán, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, chị Mai tham gia các hoạt động đón tết của cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Kagoshima, Nhật Bản

Dịp Tết Nguyên đán, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, chị Mai tham gia các hoạt động đón tết của cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Kagoshima, Nhật Bản

Qua Nhật Bản làm việc từ năm 2016, chị Mai có gia đình riêng và sinh sống tại đây. Nhớ lại cảm giác lần đầu đón tết nơi xứ người, chị Mai bồi hồi: “Đêm giao thừa, tôi gọi video về cho gia đình mà tủi thân, nhớ không khí đầm ấm của ngày tết quê, thèm những món ăn mẹ nấu. Sợ gia đình lo lắng nên cứ cố tỏ ra mình ổn, nhưng thật sự lúc đó cô đơn lắm, chỉ mong được về nhà, ôm chầm lấy người thân”.

Không riêng chị Mai mà có lẽ đó làm tâm trạng chung của những ai đón tết xa quê. Chị Mai chia sẻ, vào những ngày Tết Cổ truyền của Việt Nam, bên Nhật, chị vẫn đi làm, cuối ngày sẽ tranh thủ gọi về cho gia đình để chung vui, nghe cha mẹ kể chuyện về những ngày tết tại Việt Nam và gửi lời chúc đến gia đình.

Dịp này, Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tại tỉnh Kagoshima cũng thường tổ chức buổi lễ tất niên cho cộng đồng người Việt Nam tại đây

Dịp này, Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tại tỉnh Kagoshima cũng thường tổ chức buổi lễ tất niên cho cộng đồng người Việt Nam tại đây

Chồng chị Mai là kỹ sư người Việt nên mỗi dịp Tết Nguyên đán, anh chị đều dành thời gian để nấu các món ăn truyền thống như thịt kho tàu, bánh tét,... cùng nhau trang trí nhà cửa.

Chị Mai bày tỏ: “Ở nơi mình đang sinh sống và làm việc có khá đông người Việt nên dịp Tết Nguyên đán, Hiệp hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tại tỉnh Kagoshima cũng có tổ chức tiệc tất niên. Chúng tôi cùng tham gia các hoạt động đón tết của người Việt tại đây để đỡ nhớ không khí tết quê nhà”.

2. Là con gái út trong gia đình 4 thành viên tại xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, chị Nguyễn Thị Út Nghi, tốt nghiệp chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật Bản tại Việt Nam. Hiện, chị sinh sống và làm việc tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi (Nhật Bản). Đến nay, chị Nghi đã 5 lần đón tết xa quê.

Tranh thủ cuối tuần vào dịp tết, chị Nghi và các người bạn đi chơi và hòa mình vào các hoạt động của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản

Tranh thủ cuối tuần vào dịp tết, chị Nghi và các người bạn đi chơi và hòa mình vào các hoạt động của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản

Chị Nghi tâm sự: “Lần đầu đón tết xa quê, buồn và cô đơn lắm! Nhớ năm đó, do trái múi giờ và lịch sinh hoạt nên người nhà không gọi điện thoại cho mình, sợ ảnh hưởng công việc, còn mình thì tưởng gia đình mải lo tết mà quên mình. Đến khi gọi lại, hai bên cứ nhìn nhau mà khóc!”

Tại Nhật Bản, chị Nghi làm phiên dịch và hỗ trợ người Việt Nam sang Nhật Bản lao động nên có nhiều cơ hội tiếp xúc với người Việt. Những ngày Tết Nguyên đán tại Nhật, chị và các người bạn Việt Nam dù bận nhiều việc nhưng vẫn dành thời gian họp mặt, cùng nhau trang trí, làm hoa mai, hoa đào, treo cờ Tổ quốc, nấu các món ăn truyền thống của Việt Nam.

Đêm Giao thừa, chị Nghi cùng những người bạn Việt Nam họp mặt, trang trí và nấu các món ăn truyền thống để đón tết xa quê

Đêm Giao thừa, chị Nghi cùng những người bạn Việt Nam họp mặt, trang trí và nấu các món ăn truyền thống để đón tết xa quê

“Do Việt Nam và Nhật Bản cách nhau 2 múi giờ nên giao thừa ở Việt Nam là khoảng 2 giờ sáng ở Nhật, mình và các bạn người Việt vẫn thức để canh đúng giao thừa gọi về chúc tết gia đình. Có một điều rất thú vị là các bạn ở Nhật đến từ nhiều tỉnh, thành phố và vùng, miền của Việt Nam nên mỗi lần cùng nhau đón tết, mỗi bạn sẽ nấu 1 món đặc trưng của địa phương. Buổi họp mặt vì thế như một đại hội ẩm thực vậy. Nhờ đó, mọi người cũng đỡ nhớ nhà” - chị Nghị chia sẻ thêm.

Dù ở bất cứ nơi nào, cứ mỗi lần tết đến, những người con đất Việt lại hướng về quê hương với tất cả lòng yêu thương. Đón tết xa quê, thân nơi đất khách nhưng tâm hồn vẫn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn./.

Khánh Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thon-thuc-tet-xa-que-a171078.html