Thông báo của tòa đối với hàng ngàn người bị hại trong vụ Alibaba
Tòa án đề nghị các bị hại trong vụ án Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm lừa 4.316 người gửi văn bản trình bày ý kiến, chậm nhất đến hết 17 giờ ngày 31-8.
Theo dự kiến, ngày 12-8 tới đây, TAND TP.HCM sẽ mở phiên xử vụ Nguyễn Thái Luyện (CEO Alibaba), Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (Phó tổng giám đốc phụ trách truyền thông Công ty Alibaba), Huỳnh Thị Ngọc Như (Phó tổng giám đốc phụ trách đào tạo của Công ty Alibaba) cùng 17 đồng phạm bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan, em trai Luyện là Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty Alibaba Tân Thành), vợ Luyện là Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty Địa ốc Alibaba Law Firm) bị truy tố về hai tội rửa tiền và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị truy tố về tội rửa tiền.
Đây là vụ án "kỷ lục" về số lượng bị hại 4.361 người, 200 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và khoảng 1 triệu bút lục hồ sơ được đựng trong 140 rương phải chuyển bằng hai xe tải. Cáo trạng truy tố của VKS đối với 23 bị cáo dài 500 trang.
Vì vậy trước khi xét xử, tòa án có thông báo đề nghị các bị hại trong vụ án gửi văn bản trình bày ý kiến, yêu cầu đến TAND TP.HCM chậm nhất đến hết 17 giờ ngày 31-8.
Hết thời hạn, nếu các bị hại không có ý kiến gì đối với các vấn đề nêu trên, TAND TP.HCM sẽ căn cứ theo quy định pháp luật để giải quyết vụ án. Quá trình xét xử vụ án, HĐXX sẽ không đề cập các yêu cầu trong phần thủ tục và quá trình giải quyết vụ án địa ốc Alibaba tại phiên tòa.
Cụ thể trong quá trình điều tra, một số bị hại trong vụ án đã được CQĐT ghi nhận ý kiến, yêu cầu đối với vụ án. Tuy nhiên, một số bị hại vẫn chưa có yêu cầu cụ thể.
Do vụ án có tính chất phức tạp với số lượng đương sự đặc biệt lớn, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, TAND TP.HCM đề nghị bị hại có ý kiến bằng văn bản về các vấn đề: Có đồng ý với HĐXX nêu trên? Có thay đổi ai trong thành phần HĐXX? Trình bày ý kiến, yêu cầu đối với vụ án (đối với bị hại chưa trình bày ý kiến, yêu cầu tại giai đoạn điều tra) hoặc ý kiến, yêu cầu mới (nếu có).
Các bị hại trực tiếp tham gia phiên tòa hay ủy quyền cho người khác tham gia phiên tòa và việc ủy quyền phải theo thủ tục ủy quyền đúng quy định pháp luật. Trường hợp vắng mặt phải có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt và trình bày ý kiến, yêu cầu của mình. Các bị hại trực tiếp tự bảo vệ hay nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình? Trường hợp nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đề nghị bị hại nộp các thủ tục bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định pháp luật.
Được biết trong quá trình xét xử, tòa có sự chuẩn bị nhiều chỗ ngồi cho các bị hại tham gia. Tuy nhiên, với lượng bị hại lớn như trên, tòa sẽ có sự bố trí thời gian cụ thể, phân chia hợp lý khoa học đảm bảo quyền, lợi ích cho tất cả.