THÔNG BÁO KẾT LUẬN CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ KẾT QUẢ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2021

Tại phiên họp thứ 10 (tháng 4/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Trên cơ sở đó, ngày 06/5, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có văn bản số 942/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 đã có một số chuyển biến tích cực hơn so với năm 2020. Mặc dù năm 2021 do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, có nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng nặng nề; nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 đã được đạt được nhiều kết quả tích cực; ý thức tiết kiệm, chống lãng phí từng bước được nâng lên, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, của Nhân dân ngày càng tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn diễn ra tình trạng lãng phí; còn vi phạm, sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên và khoáng sản.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Đồng thời, đề nghị cần cụ thể hóa hơn những giải pháp đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó lưu ý các giải pháp về rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong mua sắm công, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn thiếu, chưa phù hợp với thực tế nhằm tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí dành nguồn lực cho chi đầu tư phát triển; khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi ngân sách; sắp xếp tổ chức, bộ máy, biên chế của các cơ quan nhà nước để tiết kiệm chi; tổ chức triển khai tốt Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai, ngân sách nhà nước, vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia. Lưu ý các giải pháp gắn với việc tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lưu ý, bổ sung một số vấn đề trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2021 như sau:

Một là, Báo cáo cần làm nổi bật, cụ thể hơn về kết quả cũng như các bất cập, hạn chế; những việc làm được, chưa làm được theo các mục tiêu, chỉ tiêu của Quyết định số 2276/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; cần chỉ rõ các bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện tốt và thực hiện chưa tốt theo các lĩnh vực của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xác định rõ ràng trách nhiệm của tập thể, cá nhân.

Hai là, bổ sung số liệu, thực trạng trong những lĩnh vực như: Đất nông nghiệp để hoang hóa, sử dụng đất sai mục đích, giao đất không thu tiền sử dụng đất; việc quản lý đất đai của các nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội; các dự án “treo”, trụ sở làm việc, dự án nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư hiệu quả sử dụng chưa cao, vi phạm trong trật tự xây dựng; việc xử lý liên quan đến các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, các ngân hàng yếu kém; chậm trễ trong công tác cổ phần hóa; tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến tín dụng nhà nước, tài sản trong các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng cổ phần nhà nước, doanh nghiệp nhà nước; tình hình tăng trưởng "nóng" của thị trường chứng khoán gần đây; việc đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19,... để có giải pháp quyết liệt tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban thường vụ Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện Báo cáo gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra, trong đó lưu ý về bố cục, cách trình bày tóm tắt để tập trung vào các vấn đề lớn và quan trọng, nêu bật các vấn đề cụ thể và đánh giá, kiến nghị các giải pháp trọng tâm, xác định rõ trách nhiệm, những vấn đề quan trọng cần Quốc hội thảo luận, có kiến nghị quyết sách trong Nghị quyết chung của kỳ họp. Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2022). Kiểm toán Nhà nước có báo cáo theo chuyên đề để cung cấp thêm số liệu cho các đại biểu Quốc hội nghiên cứu./.

Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=64278