Thông báo ý kiến Kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại buổi kiểm tra về công tác phòng, chống úng, ngập trên địa bàn tỉnh

Ngày 24/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông báo số 1711-TB/TU thông báo ý kiến Kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại buổi kiểm tra về công tác phòng, chống úng, ngập trên địa bàn tỉnh. Nội dung như sau:

Ngày 24/7/2024, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và kiểm tra công tác phòng, chống úng, ngập do ảnh hưởng cơn bão số 2 tại các huyện Khoái Châu, Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi, thị xã Mỹ Hào và một số trạm bơm trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở buổi làm việc và đi kiểm tra thực địa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có ý kiến như sau:

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, tổng lượng mưa trung bình từ 19 giờ ngày 22/7 đến 7 giờ ngày 24/7/2024 trên địa bàn tỉnh là 188mm, trong đó có những địa phương lượng mưa rất lớn như: Thành phố Hưng Yên 268mm, huyện Khoái Châu 209mm, huyện Ân Thi 233mm, huyện Kim Động 235mm, huyện Phù Cừ 247mm; gây úng, ngập 2.014ha diện tích cây trồng (1.084ha lúa của thị xã Mỹ Hào, huyện Khoái Châu, thành phố Hưng Yên, huyện Kim Động, huyện Ân Thi, huyện Tiên Lữ và 930ha rau, màu, hoa, cây ăn quả của huyện Khoái Châu, huyện Ân Thi, huyện Văn Giang, thành phố Hưng Yên, huyện Tiên Lữ) trên địa bàn tỉnh. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hưng Yên trong 24 giờ đến 48 giờ tới, do ảnh hưởng của vùng áp thấp suy yếu từ bão số 2 và tác động của hoàn lưu sau bão, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thời tiết diễn biến cực đoan, phức tạp, có mưa vừa, mưa to và dông; lượng mưa phổ biến từ 20mm đến 60mm, có nơi mưa trên 70mm.

Để chủ động ứng phó với mưa, úng, ngập, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hạn do mưa úng gây ra, đề nghị các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, UBND cấp huyện, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan:

1- Huy động mọi lực lượng tham gia khắc phục nhanh hậu quả của cơn bão số 2; bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, giảm thiểu tối đa thiệt hại tài sản; nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là tập trung chống úng, ngập ở các địa phương, nhất là huyện Khoái Châu, huyện Ân Thi, huyện Phù Cừ, thành phố Hưng Yên.

- Chủ động xây dựng và sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó theo tình hình thời tiết, mưa, lũ, kể cả phương án di dân ra khỏi vùng lũ lụt khi cần thiết. Tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

- Triển khai phương án tiêu thoát nước nhanh tại các khu vực đang bị úng, ngập, nhất là khu vực trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả.

- Rà soát, xác định nhu cầu, khả năng huy động các máy bơm cơ động trong toàn tỉnh và lực lượng vũ trang tỉnh để hỗ trợ ngay cho các địa phương Ân Thi, Khoái Châu, Tiên Lữ để giảm tình trạng úng, ngập trong các đồng ruộng, hệ thống thủy lợi nội đồng.

2- Khẩn trương triển khai đầy đủ các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự tỉnh năm 2024 được phê duyệt, bảo đảm kịp thời đúng quy định, quy trình. Chủ động chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư các dự án liên quan tới các công trình thủy lợi khẩn trương dỡ bỏ các đập thi công, nạo vét ngay các đoạn san lấp, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh mương để kịp thời phòng, chống úng khi có mưa, bão xảy ra.

3- Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh:

- Chỉ đạo, phân công lực lượng ứng trực, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân.

- Rà soát, hỗ trợ các phương tiện cứu hộ, cứu nạn và di dân khỏi vùng lũ khi tình huống phát sinh theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ hỗ trợ Nhân dân chống ngập, úng trong các khu dân cư, khu vực sản xuất, nhất là khu vực sản xuất nông nghiệp.

- Rà soát, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về máy bơm, trang thiết bị chống úng, ngập theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

4- Công an tỉnh chỉ đạo:

- Quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, khoáng sản, các bến bãi, bến đò và các phương tiện vận tải đường thủy, nhất là vận tải hành khách để bảo đảm đúng quy định của pháp luật và an toàn người, phương tiện vận tải trong mùa mưa bão.

- Chỉ đạo, phân công lực lượng ứng trực, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi tình huống phát sinh.

- Tăng cường các biện pháp nắm chắc tình hình và bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

5- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, mực nước trên các sông, kênh trục; dự báo của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, nắm bắt tình hình mưa, úng và chỉ đạo vận hành công trình thủy lợi phục vụ tiêu thoát nước; có phương án bảo đảm an toàn các cơ sở nuôi trồng thủy sản, các lồng, bè nuôi trồng thủy sản; chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo điều hành phòng, chống úng, ngập trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ứng trực 24h/24h theo dõi lũ trên các sông, nhất là sông Hồng và sông Luộc để kịp thời thông tin, kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các sự cố đê điều hoặc gia cố, khắc phục đoạn tuyến đê xung yếu; chỉ đạo các địa phương triển khai gieo mạ để phục vụ cấy lại diện tích lúa bị hỏng khi điều kiện cho phép.

- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương đánh giá tác động của cơn bão số 2 để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ Nhân dân ổn định sản xuất, kinh doanh và đời sống; qua đợt tác động của cơn bão số 2 và mùa mưa này, xác định rõ ảnh hưởng của các dự án đầu tư hạ tầng, dự án sản xuất, kinh doanh, dự án đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến hệ thống thủy lợi, kênh, mương từ đó đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh có phương án đầu tư, nâng cấp, cải tạo bài bản, lâu dài hệ thống thủy lợi, kênh, mương và có khả năng xử lý tình huống xấu nhất phát sinh.

6- Sở Công Thương chỉ đạo Công ty Điện lực Hưng Yên bảo đảm cấp điện đầy đủ cho chống úng, ngập và hoạt động của các trạm bơm tham gia tiêu úng trên địa bàn tỉnh bảo đảm chất lượng điện và thời gian 24/24 giờ; khắc phục kịp thời các sự cố điện phát sinh; bố trí lực lượng cán bộ điện lực ứng trực 24/24giờ để sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh. Nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, các cơ sở sản xuất công nghiệp và ảnh hưởng của thời tiết đến sản xuất công nghiệp để tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kịp thời.

7- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Triển khai hiệu quả phương án phòng, chống úng vụ mùa 2024; chỉ đạo các địa phương, đơn vị và người dân chủ động nạo vét, khơi thông các vị trí ách tắc dòng chảy bảo đảm thông thoáng, tiêu thoát nước nhanh cho diện tích cây trồng.

- Tăng cường công tác kiểm tra và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt những công trình chính, quan trọng, những vị trí xung yếu để bảo đảm tốt công tác phòng, chống úng và xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra.

- Phân công các đơn vị, cán bộ chuyên môn thường trực, trực ban 24/24 giờ để theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, lũ trên các sông, dự báo của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, bám sát cơ sở và chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời và xử lý nhanh với ảnh hưởng xấu của thời tiết gây ra.

- Thường xuyên cập nhật và phản ánh tình hình ngập úng (về diện tích, các thiệt hại khác nếu có,...) và công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

8- Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên:

- Triển khai hiệu quả phương án phòng, chống úng vụ mùa 2024.

- Vận hành tối đa công suất tất cả các trạm bơm phục vụ tiêu thoát nước nhanh, bảo vệ tài sản, cây trồng, nhất là diện tích lúa mới cấy, gieo sạ, rau màu, hoa, cây cảnh, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Khoanh vùng những khu vực có khả năng úng, ngập cục bộ, khu vực khó khăn về tiêu úng để chủ động bố trí máy bơm dã chiến phục vụ bơm tiêu úng.

- Phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu thi công xây dựng các công trình có liên quan đến công trình thủy lợi để kiểm tra, đôn đốc việc khơi thông dòng chảy, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống úng.

- Tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, mực nước trên các kênh trục, dự báo của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, bám sát cơ sở và chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn, nắm bắt tốt tình hình vận hành công trình, mưa, úng để điều hành kịp thời, hiệu quả. Thường xuyên báo cáo tình hình ngập úng, công tác tiêu úng về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

9- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên:

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến tình hình thời tiết, mưa, úng; nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và người dân để chủ động ứng phó với tình hình mưa úng; phổ biến kịp thời đến nhân dân về các chủ trương, biện pháp phòng, chống thiên tai, lũ lụt.

Đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện Thông báo này, kịp thời báo cáo kết quả, tình hình theo quy định.

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/thong-bao-y-kien-ket-luan-cua-dong-chi-bi-thu-tinh-uy-tai-buoi-kiem-tra-ve-cong-tac-phong-chong-ung--3174079.html