Thông cảm thôi, chưa đủ!

Quấy rối tình dục là một vấn nạn không hề mới, thậm chí liên tục bị báo chí lên án gay gắt.

Và vụ việc Ngô Hoàng Anh - một ứng cử viên của Forbes Under 30 bị tố quấy rối tình dục - được xới lên, chỉ là một cú nhấn tô đậm thêm thực tế chua xót này. Nó cho thấy vấn nạn này chưa bao giờ thôi nóng bỏng, thôi nhức nhối, nhất là trong môi trường cần lắm sự tinh khôi như nhà trường.

1. “Nhà trường thông cảm với nỗi đau của các bạn đã trải qua. Khi các bạn có thể trao đổi nếu các bạn có mong muốn gì, nhà trường sẽ lắng nghe và phối hợp với các bạn. Các bạn nên có sự đối thoại trực tiếp là tốt nhất vì nếu chuyện này cứ trình bày lên MXH thì đó không phải là cách để giải quyết vấn đề tế nhị, nhà trường không đủ lực để nắm hết được các câu chuyện đó, nó rất rời rạc. Tốt nhất chúng ta nên đối thoại với nhà trường hoặc có email chính thức, đấy là cách làm tốt hơn để thông tin không bị một chiều!” - đó là trả lời của Tiến sĩ Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM - trước câu hỏi của phóng viên cafebiz.vn “nhà trường có gửi gắm gì” xung quanh vụ việc Ngô Hoàng Anh - một cựu học sinh của trường bị tố quấy rối tình dục, đặc biệt là quấy rối qua mạng xã hội.

Nhưng một điều rất đáng chú ý là, cũng trong cuộc phỏng vấn này, khi phóng viên đặt nhiều câu hỏi liên quan như: “Đến nay, nhà trường có liên hệ lại với Hoàng Anh hay các cựu học sinh là nạn nhân chưa?”; “Tại sao ở thời điểm đó, việc số học sinh tố giác Hoàng Anh không chỉ là một mà là nhiều nạn nhân nhưng nhà trường lại chọn cách xử lý nhẹ nhàng trong khi người chịu thiệt thòi đang là các học sinh của trường?”, “Nhà trường có tiếp tục theo dõi hay có động thái để bảo vệ học sinh không?”… thì câu trả lời của lãnh đạo nhà trường đều là “trường cũng không liên hệ trực tiếp với Hoàng Anh vì bạn đang ở nước ngoài. Tôi chỉ nói thông qua những người có thể liên hệ và đăng lên Facebook rằng Hoàng Anh đã sai và cần phải xin lỗi. Đấy là hành động của trường lúc đó. Sau đó, tôi có thấy post của Hoàng Anh xin lỗi nên tôi nghĩ là xong, thế thôi”; “Thật sự lúc đó, tôi nghĩ câu chuyện đã kết thúc rồi nên không nghĩ đến nó nữa, cũng cuốn theo một số công việc khác. Trường cũng không có ai đặc trách về cái này, điều này tôi cũng nói rõ trong thư ngỏ của trường, tôi cũng không đánh giá hết độ phức tạp của vấn đề”; “Có 1 số thầy cô liên quan tới các em như giáo viên chủ nhiệm thì giao tiếp thôi chứ không có chỉ đạo nào từ phía nhà trường về vấn đề này”

Rồi trong lá thư ngỏ của nhà trường: “Một phần do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp dần tạo ra những áp lực và điều chỉnh trong công tác dạy - học, một phần do thời điểm đó, các bộ phận tiếp nhận sự việc chưa có nhận thức đầy đủ về tính nghiêm trọng của sự việc”. Tất cả đã cho thấy thực sự nhà trường đã mới chỉ dừng lại ở: sự thông cảm.

Một sự thông cảm khá ư nhẹ nhàng. Trong khi, như lời một cô gái từng là nạn nhân quấy rối tình dục từ trong nhà trường của Ngô Hoàng Anh, “em nhận được nhiều sự ủng hộ bằng tin nhắn riêng, nhưng nhận được nhiều hơn sự công kích công khai trên mạng xã hội”, thậm chí, “em phải ẩn bài tố Ngô Hoàng Anh”. Điều này đồng nghĩa với việc áp lực mà những cô gái nạn nhân này phải đối mặt vào thời điểm đó là rất lớn.

2. Ngày 10/2/2022 vừa qua, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Theo đó, dự luật tạo thuận lợi cho các nạn nhân bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc tố cáo lên tòa án.

Viện dẫn một thông tin từ nước Mỹ, để thấy, với một vấn nạn diễn tiến nhiều năm liền trong nhiều môi trường như quấy rối tình dục, sự thông cảm hoàn toàn là chưa đủ. Và sự im lặng, của chính cả người trong cuộc, nạn nhân và nhân chứng, đều có thể xem là sự đồng lõa, giúp cho tội ác được dung thứ còn thủ phạm thì nhởn nhơ. Việc Ngô Hoàng Anh hôm nay, được vinh danh vào Forbes under 30 năm 2022 không chỉ là thiếu sót của Forbes Việt Nam, mà nguyên cớ còn chính từ sự im lặng, thậm chí là thoái lui (gỡ bài, xin lỗi) của chính những nạn nhân cũng như việc “chưa nhận thức đầy đủ về tính nghiêm trọng của sự việc” của nhà trường.

Cũng từ vụ việc Ngô Hoàng Anh, lại nhớ tới việc mới đây mạng xã hội, cả nhiều tờ báo bình luận ồn ào về cái sự “bất thường” trong diễn viên Minh Béo được trao Huy chương Bạc tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 khu vực phía Nam khi chàng diễn viên này được cho là trước đó vào tháng 5/2021 vẫn tiếp tục bị các diễn viên trẻ tố gạ tình, sau sự việc ồn ào nhiều năm trước đó, cũng cho thấy nguyên cớ cũng từ chính sự thiếu quyết liệt trong thái độ của chúng ta. Nếu chúng ta mạnh mẽ lên tiếng, mạnh mẽ tỏ thái độ, mạnh mẽ tẩy chay thì có đến lúc như một vị trong hội đồng xét duyệt huy chương phân bua “chúng tôi không nắm rõ vụ việc… nếu thế thì lẽ ra Minh Béo đã không được tham gia Liên hoan”

Nói đi thì phải nói lại, bị quấy rồi tình dục là điều chả riêng gì người Việt, mà ngay tại một quốc gia cởi mở như nước Mỹ, cũng không dễ gì để có thể lên tiếng mạnh mẽ. Vậy khi sự việc xảy ra, cần phải làm gì để tội ác phải bị trừng trị đích đáng?

Nhìn sang các quốc gia, đó là phải sự hội tụ của nhiều khía cạnh: Pháp luật hay các hình phạt phải được đưa ra một cách chi tiết mà mang tính răn đe rất cao. Như năm 2020, trước sự việc 2 giáo sư Trung Quốc đã bị cách chức do quấy rối tình dục, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành quy định mới về đạo đức nghề nghiệp đối với nhân viên, giảng viên, bao gồm nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục trong khuôn viên trường Đại học.

“Chúng tôi phải tăng cường giám sát và điều tra các vi phạm, để có thể khiến những người phạm tội phải trả giá đắt”, ông Ren Youqun - Giám đốc Khoa Công tác giáo viên thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, nhấn mạnh. Tại khu vực châu Âu như Anh, những tội phạm bị cáo buộc tấn công tình dục có thể đối mặt mức án lên đến 10 năm tù. Hay một dự luật giúp người bị hại lên tiếng như dự luật Thượng viện Mỹ vừa thông qua.

Và bên cạnh pháp luật, còn là sự khích lệ, động viên từ những người xung quanh các nạn nhân. Như trở lại vụ việc Ngô Hoàng Anh, là quan điểm được đưa ra từ Năng Khiếu Express – một trang thông tin trên Facebook về các câu chuyện của trường Phổ thông Năng khiếu do các cựu học sinh lập ra: “Khi quấy rối tình dục xảy ra, liệu chúng ta có nên chôn vùi chúng, để rồi xem như chuyện ấy như chưa từng có?... Là nơi hình thành nên thế giới quan của học sinh, là xã hội thực tế đầu tiên mà chúng mình được tiếp cận, trường học là nơi truyền đạt những điều đúng đắn mà xã hội kỳ vọng ở mỗi cá nhân. Những gì xảy ra nơi đây sẽ mãi đọng lại trong tâm trí của những cô cậu học sinh 15 - 19 tuổi, và liệu suy nghĩ rằng mình sẽ không có ai ủng hộ nếu là người bị hại có nên được “nuôi dưỡng”?

Đó thực sự là những câu hỏi đáng được quan tâm. Và rõ ràng, để loại trừ vấn nạn quấy rối tình dục, sự thông cảm thôi là chưa đủ.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thong-cam-thoi-chua-du-post182811.html