Thông cáo chung Hội nghị tổng kết song phương Việt Nam - Lào
Ngày 29/12/2021, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết song phương đánh giá kết quả triển khai thí điểm mô hình kiểm tra 'một cửa, một lần dừng' tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) - Đen Sạ Vẳn (Sạ Vẳn Nạ Khệt). Hai bên đã ra Thông cáo chung, toàn văn như sau:
1. Thực hiện thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Lào, ngày 29/12/2021 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Sạ Lởm Xay Kôm Mạ Sít, đã thay mặt Chính phủ hai nước đồng chủ trì Hội nghị Tổng kết song phương đánh giá kết quả triển khai thí điểm mô hình kiểm tra "một cửa, một lần dừng" tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) - Đen Sạ Vẳn (Sạ Vẳn Nạ Khệt). Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, hai tỉnh Quảng Trị và Sạ Vẳn Nạ Khệt.
2. Hội nghị diễn ra trong bầu không khí thân mật, trên tinh thần đoàn kết hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Hai bên nhất trí cho rằng việc Việt Nam và Lào triển khai thí điểm mô hình kiểm tra "một cửa, một lần dừng" là quyết tâm chính trị của hai Đảng, hai Chính phủ, nhằm tạo thuận lợi cho giao thương, đi lại của người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước cũng như các nước trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hơn nữa sự gắn bó mật thiết giữa cán bộ, nhân dân ở hai tỉnh tuyến đầu của hành lang kinh tế Đông - Tây, tận dụng được vị trí trung tâm ASEAN để trở thành trung tâm trung chuyển của khu vực.
3. Cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đen Sạ Vẳn là cặp cửa khẩu đầu tiên trong số 7 cặp cửa khẩu nêu tại Hiệp định về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và người qua lại biên giới giữa các nước trong khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (gọi tắt là “Hiệp định GMS-CBTA”) triển khai thực hiện mô hình kiểm tra "một cửa, một lần dừng". Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc thực hiện nghĩa vụ mà các quốc gia hữu quan đã cam kết tại Hiệp định GMS-CBTA nhằm cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, mà còn đem lại kinh nghiệm thực tiễn bổ ích đối với việc nghiên cứu áp dụng mô hình này tại các cặp cửa khẩu biên giới khác.
4. Do là mô hình thí điểm đầu tiên nên trong quá trình tổ chức thực hiện không tránh khỏi những khó khăn, bất cập (như khác biệt về chính sách pháp luật hai nước, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu hụt nhân lực tác nghiệp...). Mặc dù vậy, trên tinh thần quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào, hai bên quyết tâm phối hợp chặt chẽ từ cấp Trung ương đến địa phương nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp cho tương lai của mô hình với sự phát triển của công nghệ thông tin và nhu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.
5. Hai bên thống nhất cùng nhau phối hợp triển khai tổng thể các giải pháp để khắc phục khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo các điều kiện cần và đủ cho việc thực hiện hiệu quả mô hình như: cải tiến mô hình phù hợp nhất với đặc điểm, tình hình của cặp cửa khẩu Lao Bảo - Đen Sạ Vẳn; ký kết Điều ước quốc tế cấp Chính phủ về triển khai mô hình; đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình...). Hai bên nhất trí giao cho Cơ quan Biên giới Trung ương hai nước làm đầu mối phối hợp triển khai các công việc tiếp theo.