Thông điệp ấn tượng của đại biểu Quốc hội trong tuần làm việc đầu tiên

Tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV khép lại với những thông điệp, phát ngôn đáng chú ý của đại biểu Quốc hội liên quan đến công tác cán bộ, hoạt động giám sát, phòng chống tội phạm, đấu thầu, mua sắm vật tư y tế... Báo Đại biểu Nhân dân trích dẫn một số nội dung sau đây:

Phát biểu về công tác cán bộ tại phiên thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, sáng 25.5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, phải xóa bỏ nhận thức của một bộ phận công chức là “không làm thì không sai”, “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Đây là nhận thức rất nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến công vụ, chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

Sáng 27.5, Quốc hội thảo luận hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Quan tâm đến việc việc giám sát về nhà ở xã hội, ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho rằng, thực tế có trình trạng nhà ở xã hội có địa điểm không có người tham gia, trong khi đó có nơi người tham gia quá đông; cách xác định đối tượng mua nhà ở xã hội cũng còn gây nhiều dư luận khác nhau. Do đó, Quốc hội cần giám sát để làm rõ: Nhà ở xã hội ai đang sinh sống; tổ chức nào cung cấp; việc trợ cấp, hỗ trợ thế nào; thực trạng quản lý, sử dụng ra sao và mục tiêu, ý nghĩa của chính sách thông qua kết quả đạt được thế nào?

Thảo luận tổ ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 25.5, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) nêu thực trạng nhiều loại tội phạm công khai, kéo dài. Đơn cử hàng trăm biệt thự xây dựng trái phép, nhưng khi báo chí đăng mới bị xử phạt, tháo dỡ. Trong hàng chục năm, doanh nghiệp "đã cảm nhận trái phiếu có vấn đề không rõ ràng, làm giá, một số nhóm chi phối thị trường chứng khoán". Ngành đăng kiểm ôtô cũng có vấn đề từ nhiều năm nay, nhưng vừa qua mới phát hiện ra hàng loạt sai phạm, làm tê liệt, ảnh hưởng đến kinh tế. Phòng chống tội phạm phải như phòng bệnh tật, cần tầm soát từ sớm, từ xa, nếu phát hiện triệu chứng thì điều trị ngay. Không nên để bệnh trở nặng như ung thư di căn mới làm cuộc đại phẫu.

Tại phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) ngày 24.5, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, không phải mỗi lần đấu thầu đều mang lại hiệu quả thiết thực cho Nhà nước. Thực tế có những trường hợp gói thầu giá trị rất cao nhưng khi bỏ thầu thì giá trị rất thấp. Nếu muốn nhà thầu quen thân trúng thầu thì đã có những phương pháp rất cụ thể, rành mạch. Chỉ cần một chiêu trò, chi tiết nhỏ thôi là loại hồ sơ của nhà thầu khác ra, lấy nhà thầu thân quen.

Thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự chiều 24.5, theo ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông), nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự quy định phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phải chuẩn bị trước các nguồn lực. Việc chuẩn bị các nguồn lực, trong đó nguồn lực tài chính là nguồn lực rất quan trọng, để ứng phó kịp thời với những thảm họa, sự cố xảy ra, không thể để “nước đến chân rồi nhảy không kịp”. Tuy nhiên, trong công tác quản lý cần phải quản lý như thế nào để đảm bảo hiệu quả, không để thất thoát.

Thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nói về thực trạng quốc lộ 27 tuyến đường quan trọng kết nối Tây Nguyên đáp ứng yêu cầu về kinh tế, an ninh quốc phòng, dài hơn 280 km nhưng có hơn 30 km nhiều năm qua không được bố trí vốn để hoàn thiện. Nhiều đoàn lãnh đạo Trung ương đã trực tiếp giám sát, kiểm tra, song đoạn quốc lộ "như đường làng" vẫn không có trong danh mục được bố trí vốn đầu tư công trung hạn, chỉ được cấp vốn duy tu, sửa chữa. Mỗi năm bình quân duy tu 50 tỷ đồng, 10 năm là hơn 500 tỷ đồng nhưng kết quả vẫn như cũ, hết sức lãng phí.

Sáng 25.5, thảo luận tại tổ TP Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - xã hội, ĐBQH Nguyễn Tri Thức (TP. Hồ Chí Minh), cho biết giá thiết bị y tế do doanh nghiệp tự niêm yết, không có đơn vị kiểm định. Bệnh viện đi mua thiết bị không thể tự kiểm tra để biết giá trị thật là bao nhiêu hay doanh nghiệp bán lãi bao nhiêu phần trăm so với giá họ khai báo với hải quan. Nếu giá bệnh viện mua gấp 5-7 lần giá báo với hải quan thì các bệnh viện cũng không biết được.

Theo ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), cần sớm xây dựng hành lang pháp lý về trí tuệ nhân tạo (AI) để Việt Nam không trở thành nơi thử nghiệm sản phẩm công nghệ có tính rủi ro cao. Phải có luật hoặc nghị quyết quy định nguyên tắc, cơ chế pháp lý thử nghiệm có kiểm soát việc hình thành các Sandbox (thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới khi chưa biết cách quản lý) trong từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể. Đại biểu phát biểu khi góp ý dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, sáng 23.5.

Sáng 22.5, báo cáo trước Quốc hội về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm cho xã hội tốt đẹp thêm, mọi thứ tốt lên, chứ không thể đổ lỗi vì sợ, không dám làm.

Chi An - Xuân Tùng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/thong-diep-an-tuong-cua-dai-bieu-quoc-hoi-trong-tuan-lam-viec-dau-tien-i330574/