Thông điệp

Vì sao ông J.Biden lại quyết tâm thực hiện một chuyến đi mạo hiểm (với nhiều rủi ro an ninh, nơi Mỹ không kiểm soát được không phận), vất vả (di chuyển trên một quãng đường dài bằng chuyên cơ loại nhỏ và tàu hỏa), đối với một người đã 80 tuổi như vậy? Câu trả lời không gì khác hơn là ông muốn truyền đi thông điệp đúng vào dịp tròn 1 năm ngày nổ ra cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.

Chuyến đi như trong phim hành động

Như trong một bộ phim hành động, Tổng thống Mỹ J.Biden hôm 20/2 đã bất ngờ xuất hiện ở Kiev, thủ đô của Ukraine đang trong tình trạng chiến tranh. Trước đó, theo kế hoạch dự kiến được công bố công khai, ông J.Biden sẽ tới Warsaw trong chuyến thăm chính thức Ba Lan kéo dài 2 ngày. Chỉ vài ngày trước chuyến thăm, giới chức Mỹ vẫn phủ nhận Kiev nằm trong danh sách các điểm đến của Tổng thống J.Biden tại châu Âu.

Chuyến thăm Ukraine của Tổng thống J.Biden gợi nhớ đến những chuyến thăm bí mật tới vùng chiến sự của các Tổng thống Mỹ trước đây. Năm 2003, Tổng thống Mỹ George W. Bush (con) từng tới Iraq. Năm 2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng thực hiện chuyến thăm chớp nhoáng tới Kabul, Afghanistan.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày Thông điệp liên bang 2023.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trình bày Thông điệp liên bang 2023.

Tuy nhiên, có một điểm khác biệt giữa chuyến đi Ukraine của ông J.Biden với những người tiền nhiệm của mình: Các ông G.Bush (con) và B.Obama tới thăm Iraq và Afghanistan khi tại các quốc gia này vẫn đang có sự hiện diện của quân đội Mỹ; còn ở Ukraine, về danh nghĩa chính thức không có sự có mặt của binh lính Mỹ tham chiến mà chỉ có vũ khí của Mỹ mà thôi.

Nên, đương nhiên, chuyến thăm của ông Biden diễn ra trong vòng bí mật tối đa và được lên kế hoạch đảm bảo an ninh cực kỳ cẩn thận. Tạp chí Rolling Stone tiết lộ một trong những kịch bản được đề xuất là ông J.Biden sẽ gặp Tổng thống Ukraine ông Zelensky tại một địa điểm bí mật ở biên giới Ba Lan - Ukraine. Một phương án khác là ông J.Biden vào Ukraine nhưng chỉ đến Lviv, thành phố ở miền Tây Ukraine thi thoảng bị không kích nhưng nhìn chung an toàn hơn so với các địa phương khác.

Quan chức Nhà Trắng tiết lộ các cố vấn đã tìm cách thuyết phục ông Biden từ bỏ ý định sang Ukraine, xoáy vào hàng loạt nguy cơ khó lường trong vùng chiến sự và giới hạn nguồn lực bảo vệ. Dù vậy, ngày 18/2, ông J.Biden vẫn quyết định đến Kiev. Tối hôm đó, ông cùng vợ ăn tối (công khai) tại một nhà hàng, sau đó không có lịch trình xuất hiện trước công chúng lần nào nữa.

Rạng sáng hôm sau, 19/2 (theo giờ miền Đông nước Mỹ), một chiếc chuyên cơ Air Force One cất cánh từ sân bay quân sự Andrews tại bang Maryland ở ngoại ô thủ đô Washington, đưa ông J.Biden tới Ba Lan. Từ đây, ông thực hiện chuyến đi bằng tàu hỏa kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ vượt qua biên giới vào Ukraine.

Ngoài một số trợ lý thân tín, trái với thông lệ thường có 13 phóng viên tháp tùng các chuyến công du của tổng thống, chuyến đi này chỉ có 2 phóng viên đi theo, một phóng viên tổng hợp, một phóng viên ảnh. Họ phải tuyên thệ giữ bí mật, bị tịch thu điện thoại và chỉ được làm một phóng sự tổng hợp gửi về tòa soạn (mà không được kể lại cách cả đoàn đã di chuyển như thế nào để tới Kiev), sau khi ông J.Biden đã tới đó..

Theo Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, để giảm thiểu những rủi ro, khoảng vài tiếng trước khi máy bay chở ông Biden cất cánh, Mỹ đã thông báo cho phía Nga về chuyến đi của ông J.Biden. Trong thời gian ông J.Biden thực hiện các hoạt động ở thủ đô Ukraine, còi báo động phòng không vẫn liên tục vang lên ở Kiev...

Thông điệp biểu tượng - thông điệp vũ khí của Mỹ

Vì sao ông J.Biden lại quyết tâm thực hiện một chuyến đi mạo hiểm (với nhiều rủi ro an ninh, nơi Mỹ không kiểm soát được không phận), vất vả (di chuyển trên một quãng đường dài bằng chuyên cơ loại nhỏ và tàu hỏa), đối với một người đã 80 tuổi như vậy?

Tổng thống Biden gặp tTổng thống Zelensky trong chuyến thăm bất ngờ đến Ukraine, ngày 20/2.

Tổng thống Biden gặp tTổng thống Zelensky trong chuyến thăm bất ngờ đến Ukraine, ngày 20/2.

Câu trả lời không gì khác hơn là ông muốn truyền đi thông điệp đúng vào dịp tròn 1 năm ngày nổ ra cuộc xung đột quân sự ở Ukraine. Thông điệp đó được ông tuyên bố ở Kiev: “Có thể tôi hơi tự phụ khi nói điều này: Tôi nghĩ quan trọng là Tổng thống Mỹ phải có mặt ở đây vào ngày cuộc tấn công bắt đầu” (ý của ông là ngày đánh dấu tròn 1 năm cuộc chiến diễn ra).

Đúng thế. Bằng cách có mặt ngay tại Kiev trong khoảng thời gian chừng 5 giờ đồng hồ khi chiến sự vẫn đang diễn ra ác liệt ở vùng Đông Nam Ukraine, ông J.Biden muốn chứng minh rằng “không để có bất kỳ nghi ngờ nào, dù chỉ một - hai điều, về sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine trong cuộc chiến này” - như tuyên bố của Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm.

Đối tượng mà ông J.Biden muốn truyền đi thông điệp này hiển nhiên là Nga, quốc gia đang đụng độ trực tiếp với Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài suốt 1 năm qua.

Nhưng, thông điệp mà Tổng thống Mỹ muốn chuyển đến Moscow không chỉ đơn thuần mang tính biểu tượng (về sự có mặt của ông ở thủ đô Ukraine). Tại Kiev, ông J.Biden đã điểm lại những khoản viện trợ quân sự to lớn mà Mỹ đã dành cho Ukraine trong 1 năm xung đột vừa qua: “Chúng tôi đã giao gần 700 xe tăng và hàng nghìn xe bọc thép, 1.000 hệ thống pháo, hơn 2 triệu viên đạn pháo, hơn 50 hệ thống tên lửa tiên tiến, hệ thống phòng không và chống hạm, tất cả đều nhằm bảo vệ Ukraine”, ông Biden nói.

“Những con số trên chưa tính đến nửa tỷ USD khác mà chúng tôi sắp gửi đến” - ông J.Biden nói thêm. Chính con số 500 triệu USD này mới khiến cho thông điệp chuyến thăm Ukraine của Tổng thống Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn. Gói viện trợ này bao gồm đạn dược cho những loại vũ khí tầm xa như lựu pháo, hệ thống tên lửa bắn loạt HIMARS, tên lửa chống tăng Javelin, vũ khí chống tăng và radar giám sát trên không.

Ông Biden không nhắc tới đề nghị viện trợ máy bay chiến đấu F_16 (được nhắc đi nhắc lại) của phía Ukraine.

Hồi tháng 12 năm ngoái, 2 ngày sau chuyến thăm Mỹ của ông V.Zelensky, Quốc Hội Mỹ đã phê duyệt gần 50 tỷ USD viện trợ khẩn cấp bổ sung cho Ukraine, phần lớn trong số đó là thiết bị quân sự, đẩy tổng số tiền (cam kết) viện trợ của Mỹ cho Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vượt quá 100 tỷ USD.

Những khoản viện trợ khổng lồ này chính là thông điệp rõ nhất mà Mỹ muốn gửi tới Moscow, rằng Washington sẽ “sát cánh đến cùng” bên cạnh Ukraine, như tuyên bố của ông J.Biden trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống V.Zelensky.

Thông điệp cứng rắn mang tên Start Mới của ông V.Putin

Trái với Tổng thống Mỹ chọn việc có mặt ở Kiev như một thông điệp mang tính biểu tượng, chỉ 1 ngày sau chuyến thăm Ukraine của ông J.Biden, Tổng thống Nga V.Putin lại truyền đi thông điệp về cuộc chiến ở Ukraine một cách chính thức, trực diện, trong Thông điệp Liên bang được ông đọc gần 100 phút tại Trung tâm triển lãm Gostiny Dvor ở Moscow.

Ngay trong những dòng đầu tiên của Thông điệp, ông V.Putin ngay lập tức đề cập đến “chiến dịch quân sự đặc biệt”, cách mà Moscow gọi tên cuộc xung đột quân sự khốc liệt đã diễn ra tròn 1 năm qua ở Ukraine.

Tổng thống V.Putin cho rằng việc nước Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine có nguyên nhân bắt rễ từ năm 2014, “sau cuộc đảo chính” ở nước này dẫn tới mối đe dọa vùng Donbass, nơi có nhiều người nói tiếng Nga sinh sống. “Lời hứa của lãnh đạo phương Tây, tuyên bố của họ về mong muốn hòa bình ở Donbass, như chúng ta thấy hiện nay, đã trở thành một sự giả dối tàn nhẫn. Họ chỉ đơn giản là câu giờ, tham gia vào những trò lừa bịp, nhắm mắt làm ngơ trước các vụ ám sát chính trị và hành động của chính quyền Kiev chống lại những người bất đồng chính kiến, chế giễu những người giữ vững lòng tin và những kẻ phát xít mới ở Ukraine ngày càng được khuyến khích thực hiện các hành động khủng bố ở Donbass” - ông V.Putin tuyên bố.

Như vậy, theo Tổng thống Nga, căn nguyên của xung đột hiện nay nằm ở (các hành động của Kiev nhằm vào) Donbass.

Trong Thông điệp Liên bang, một lần nữa ông V.Putin kết tội phương Tây đã lừa dối Nga: “Họ (chỉ phương Tây) có vẻ tự hào, thích thú với sự phản bội của mình, gọi cả Thỏa thuận Minsk và Khuôn khổ Normandy là màn trình diễn ngoại giao, một trò bịp bợm”. Hẳn là ông V.Putin muốn nhắc tới những tuyên bố của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng Thỏa thuận Minsk chẳng qua là thủ thuật “giúp cho Ukraine có thêm thời gian phát triển từ năm 2014 tới 2021 để có thể vừa đủ khả năng đáp trả (Nga), vừa nhận được sự hỗ trợ cần thiết".

Kết luận, ông V.Putin nói: “Chính họ (chỉ phương Tây) đã khơi mào chiến tranh và chúng ta đang sử dụng vũ lực để ngăn chặn nó”.

Nhưng, bất ngờ lớn nhất trong thông điệp của mình, ông V.Putin đã để dành tới cuối bản Thông điệp mới công bố, theo đó “Nga sẽ đình chỉ việc tham gia Hiệp ước START Mới”.

Không rút khỏi mà chỉ đình chỉ việc tham gia hiệp ước này.

Hiệp ước START Mới là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới sẽ hết hạn vào tháng 2/2026. Bằng việc tuyên bố “đình chỉ” chứ không phải là “rút khỏi” Hiệp ước (vốn chỉ được ký song phương giữa Nga với Mỹ), dường như Tổng thống V.Putin muốn chuyển đi một thông điệp không chỉ tới Mỹ mà còn tới toàn bộ thế giới phương Tây (mà Moscow cho rằng đang đứng sau cuộc chiến ở Ukraine chống lại Nga), rằng Nga sẽ chỉ tuân thủ đầy đủ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân này khi phương Tây thay đổi mục tiêu “khiến Nga phải hứng chịu một thất bại chiến lược”.

Mà vì toàn bộ phương Tây đứng sau cuộc chiến ở Ukraine nên để Nga có thể tuân thủ Hiệp ước START Mới thì thay vì chỉ có Mỹ, còn phải tính đến tiềm lực hạt nhân của cả Anh và Pháp, những quốc gia cũng có lực lượng vũ khí hạt nhân, cũng đang tích cực nhất trong việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine.

Không một ai biết chắc liệu thông điệp cứng rắn này của ông V.Putin có được chính giới Mỹ và phương Tây tiếp nhận một cách nghiêm túc không, hay nó lại dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân?

Yên Ba

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/thong-diep-i686234/